Không đi làm vẫn có 51 triệu đồng/tháng để tiêu nhờ “tiền đẻ ra tiền”

Ngọc Linh, Theo Đời sống pháp luật 16:24 25/07/2025
Chia sẻ

Thất nghiệp chỉ là chuyện to tát khi nó đồng nghĩa với “thu nhập = 0” mà thôi.

Ở tuổi 30, khi bạn bè đã có nhà có xe, có công việc ổn định thì Trình Nhã - Cô gái đang sống tại tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc), lại chọn cho mình một lối đi khác: Không đi làm, không nỗ lực mua nhà và cũng không mặn mà với chuyện lập gia đình.

Sau khoảng 4 năm làm việc cho một tập đoàn lớn trong lĩnh vực bán lẻ, Trình Nhã nhận ra rằng thứ mình thực sự cần không phải là một công việc ổn định nhưng khiến cô kiệt sức, mà là một cuộc sống ít căng thẳng hơn, tự do hơn.

Không đi làm vẫn có 51 triệu đồng/tháng để tiêu nhờ “tiền đẻ ra tiền”- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đầu năm 2023, khi thấy mình đã “đủ vững”, Trình Nhã nộp đơn xin nghỉ việc. Từ đó cho đến giờ, cô vẫn chưa đi làm trở lại và cũng không dự định sẽ quay về cuộc sống “9 to 5” điển hình của một dân công sở.

Không cần vật lộn với deadlines vẫn kiếm 47-51 triệu đồng/tháng

Dù không đi làm nhưng hiện tại, Trình Nhã vẫn có 3 nguồn thu nhập hàng tháng, 2 trong số đó đều là nguồn thu nhập thụ động, nghĩa là chẳng cần cô dồn công tốn sức, tiền vẫn đều đặn chảy về tài khoản mỗi tháng.

Đầu tiên là nguồn thu từ việc cho thuê nhà. Đây là căn nhà ở tỉnh Phật Sơn - cách Quảng Châu khoảng 2 tiếng đi tàu, là tài sản mà bà ngoại để lại cho Trình Nhã trước khi qua đời. Ban đầu, cô cũng tính chuyển về căn nhà đó ở để đỡ tốn tiền thuê nhà. Tuy nhiên ở Phật Sơn, Trình Nhã không có bạn, dịch vụ thường ngày cũng không được đa dạng như ở Quảng Châu. Suy đi tính lại, cuối cùng Trình Nhã quyết định sang sửa căn nhà bà ngoại để lại và cho thuê với giá 5.500 NDT/tháng (khoảng 19,5 triệu đồng).

Không đi làm vẫn có 51 triệu đồng/tháng để tiêu nhờ “tiền đẻ ra tiền”- Ảnh 2.

Căn nhà bà ngoại để lại giúp Trình Nhã có 1 nguồn thu nhập thụ động ổn định hàng tháng

Nguồn thu thứ hai của Trình Nhã đến từ kênh blog trên Xiaohongshu mà cô đã xây dựng từ 4 năm trước. Mỗi tháng, Trình Nhã nhận đươc khoảng 4.000 - 5.000 NDT (14 - 17,5 triệu đồng) từ tiền quảng cáo và làm tiếp thị liên kết.

Khoản tiền cuối cùng và cũng là nguồn thu nhập thụ động thứ 2 của Trình Nhã đến từ một khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Bản thân Trình Nhã không phải người có khẩu vị rủi ro cao, nên cô cũng không đầu tư chứng khoán hay dồn tiền vào các mã cổ phiếu có biến động mạnh. Với khoản đầu tư này, kỳ vọng của Trình Nhã chỉ đơn giản là an toàn sinh lời đều đặn. Trung bình mỗi năm, số tiền cổ tức mà cô nhận được là 10.000 NDT (khoảng 35 triệu đồng), tương đương 833 NDT/tháng (3 triệu đồng).

Như vậy, trung bình hàng tháng, thu nhập của Trình Nhã dao động trong khoảng 13.500 - 14.500 NDT (47-51 triệu đồng). Đây vốn không phải một mức thu nhập quá cao để dễ dàng trang trải cuộc sống và tiết kiệm, đầu tư nếu sống ở các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải, nhưng ở Quảng Châu thì khác.

“Thành phố này đủ nhộn nhịp để tôi không thấy nhàm chán, nhưng cũng không quá đắt đỏ đến mức không thể giữ được tiền” - Trình Nhã từng chia sẻ trên Xiaohongshu.

Mỗi tháng chỉ tiêu tối đa 28 triệu đồng

Để “giữ được tiền”, Trình Nhã cho biết hàng tháng cô chỉ chi tiêu tối đa 28 triệu đồng trên tổng thu nhập kiếm được.

Không đi làm vẫn có 51 triệu đồng/tháng để tiêu nhờ “tiền đẻ ra tiền”- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Chi phí lớn nhất là tiền thuê nhà. Hiện tại, Trình Nhã đang thuê 1 căn hộ studio rộng 40 mét vuông Quảng Châu với giá 3.000 NDT (10,6 triệu đồng).

Chi phí ăn uống, đi lại chiếm khoảng 2.500 - 3.000 NDT (9-10,6 triệu đồng) mỗi tháng. Trình Nhã thường nấu ăn tại nhà, di chuyển chủ yếu bằng xe bus hoặc tàu điện ngầm.

Phần còn lại, khoảng 2.000 - 2.500 NDT (7 - 8,8 triệu đồng), Trình Nhã dùng để mua sắm, gặp gỡ bạn bè hoặc thi thoảng đi du lịch. Riêng khoản này thì không phải tháng nào cũng chi và cũng tiêu hết, nhưng Trình Nhã vẫn giữ cố định nó ở 1 tài khoản khác.

“Tôi không phải kiểu người thích lên kế hoạch đi du lịch, thường thì tôi sẽ đi ngay khi có hứng nên phải có một khoản tiền mặt sẵn ở đó, vì tiền tiết kiệm hay các khoản đầu tư của tôi không có tính thanh khoản cao” - Trình Nhã viết.

Ngoài các khoản chi tiêu cố định hàng tháng, Trình Nhã còn để dành 5.000 NDT (khoảng 17,6 triệu đồng) để phòng trường hợp cấp bách. Khoản tiền này cô không mang đi đầu tư, thường chỉ gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn 1-3 tháng.

Hiện tại ở tuổi 30, dù không có nhà cũng chẳng có xe hay bất kỳ tài sản lớn nào, nhưng Trình Nhã vẫn cảm thấy hài lòng với cuộc sống có thời gian để theo đuổi sở thích, đi du lịch, chăm sóc sức khỏe và hơn hết là cảm giác an tâm, không bị lệ thuộc vào bất kỳ điều gì.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày