Phiên giao dịch đầu tuần (thứ 2, ngày 18/32024) đánh dấu một cú giảm sốc của TTCK Việt Nam, khi VN-Index mở cửa trên tham chiếu, giữ sắc xanh sau 15 phút đầu giờ, trong khi chỉ số của sàn HoSE giao dịch giằng co cho tới trước 10h sáng. Tuy nhiên, áp lực bán ra tăng vọt lúc 10h18 khiến chỉ số rơi thẳng đứng.
Chỉ trong vài phút, VN-Index mất hơn 30 điểm, rơi về gần 1.230 điểm. Lực bán áp đảo trên diện rộng, mức giảm trên 3% trở nên phổ biến trong nhóm vốn hoá lớn. Diễn biến bất thường này của thị trường khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang, đặc biệt là hội "F0 non trẻ".
Liệu trong thời gian tới, TTCK có phải là "mảnh đất tiềm năng" cho nhà đầu tư F0? Chúng tôi đã liên hệ với chuyên gia chứng khoán Nguyễn Kim Liên để được giải đáp thắc mắc này.
Chuyên gia Nguyễn Kim Liên khẳng định thời điểm hiện tại, TTCK vẫn đang trong giai đoạn "đầu cá". Hiểu nôm na, ở giai đoạn này, nhà đầu tư phải biết chọn lọc cổ phiếu, giống như khi gặm đầu cá, nếu "nhằn" giỏi sẽ có được "miếng ngon".
"Đặc trưng của dòng tiền đầu tư năm nay sẽ rất phân hóa, chỉ tập trung vào 1 số công ty/nhóm ngành cụ thể có câu chuyện tăng trưởng và hồi phục rõ ràng sau giai đoạn khủng hoảng, chứ sẽ không dàn trải trên cả thị trường.
Do bản chất nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn "chắt lọc", chỉ những doanh nghiệp thực sự có nền tảng kinh doanh cốt lõi tốt, biết tận dụng lợi thế về vốn và nhân lực trên thị trường, mới có thể sống sót và tăng trưởng trở lại. Do đó việc chắt lọc cổ phiếu trong danh mục đầu tư là vô cùng quan trọng.
Chỉ số VN-INDEX sẽ không phải yếu tố ảnh hưởng quá nhiều đến từng mã. Những mã khỏe vẫn hoàn toàn có thể giữ được nhịp và thậm chí hút thêm dòng tiền vào những phiên giảm mạnh như phiên giao dịch sáng ngày 18/3.
Ngày 18/3/2024, TTCK ngập tràn sắc đỏ nhưng chẳng có điều may
Trong giai đoạn đầu hồi phục, thị trường vẫn sẽ còn nhiều phiên biến động mạnh. Vùng 12xx - 13xx vẫn là 1 ngưỡng kháng cự mạnh. Trong trường hợp tệ nhất, chỉ số rớt về khu vực 1100 điểm là điều không quá bất ngờ. Trong bối cảnh ấy, vẫn có nhiều mã vẫn có thể kiếm được tiền, nhưng cơ hội không dành cho tất cả, chỉ những nhà đầu chuyên nghiệp, có phương pháp đầu tư đúng đắn và tuân thủ kỷ luật đầu tư mới giữ được tiền trong giai đoạn này".
Với các nhà đầu tư F0, chuyên gia Nguyễn Kim Liên có lời khuyên như sau: "Cần xác định rõ giai đoạn này vẫn là khúc "đầu cá", chưa phải giai đoạn dễ kiếm tiền nên cần tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đầu tư và xác định rõ mức độ chịu rủi ro của bản thân".
Chuyên gia Nguyễn Kim Liên giải thích các giai đoạn của TTCK cũng giống như phần đầu, phần thân và phần đuôi cá.
Đầu cá sẽ có những phần thịt ngon và bổ như phần má cá, mắt cá,... nhưng phần lớn vẫn nhiều xương, phải "nhằn" từng tí 1 mới được miếng ngon. Việc chọn lọc cổ phiếu trong giai đoạn hiện tại cũng tương tự như vậy.
Phần thân cá chỉ có xương to, dễ lọc, rút 1 cái là hết xương. TTCK năm 2021 chính là minh chứng điển hình cho giai đoạn "thân cá", cứ bỏ tiền vào là có lời. Tiếc thay, lúc này lại chưa phải giai đoạn đó.
Cuối cùng là phần đuôi cá, nhiều xương dăm nhất, khó nhằn nhất, ăn rất dễ hóc, rất khó phân biệt với khúc thân cá khiến nhà đầu tư dễ thiệt hại vào lúc cuối chu kỳ như diễn biến năm 2022.
Chuyên gia Nguyễn Kim Liên
"Khi thị trường trong giai đoạn đầu cá, nếu F0 không biết chọn lọc mã cổ phiếu thì tốt nhất là nên "tìm người gỡ xương giúp", đầu tư thông qua các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp là một lựa chọn thông minh và an toàn.
Các bạn trẻ trong độ tuổi 20-25 tuổi nên dành 3-5 năm đầu tích lũy thông qua các quỹ chuyên nghiệp.
Lúc 30-40 tuổi - khi đã xác định rõ được lợi thế và năng lực chuyên môn của mình như thế nào thì mới nên đầu tư trực tiếp: có thể vào bất động sản, có thể vào chứng khoán, hơạc tiếp tục đầu tư gián tiếp qua các quỹ cũng vẫn đem lại hiệu quả cao sau thời gian tích lũy 5-10 năm" - Chuyên gia Nguyễn Kim Liên đưa ra lời khuyên.
Cô cũng khẳng định việc có kiếm được tiền từ TTCK trong giai đoạn "đầu cá" hay không đều mang lại bài học kinh nghiệm, chứ kết quả lúc này không hẳn là sẽ phản ánh cả quá trình đầu tư của bạn về sau.
"Hãy tận dụng thời gian này để nghiên cứu và rút ra được phương pháp đầu tư hiệu quả và an toàn, bởi thị trường sẽ vẫn còn rất nhiều cơ hội trong 3-5 năm tới".
Trong giai đoạn mới "mon men" vào thị trường, để tránh việc "ngã quá đau không đứng dậy nổi", bạn cần nhớ 1 bài học cơ bản nhưng vô cùng quan trọng: Tránh xa cổ phiếu rủi ro cao!
Những nhà đầu tư F0 chưa vững tâm lý và kiến thức thường dễ sa đà vào những cổ phiếu rủi ro cao vì cần ít vốn đầu vào. Thậm chí, không ít người còn không phân biệt được cổ phiếu đang bị giảm giá sâu của những doanh nghiệp có nền tảng tốt, với cổ phiếu "rác" của những doanh nghiệp làm ăn sa sút, đang trên bờ vực phá sản. Trong hoàn cảnh này, tham rẻ mà chốt mua nhiều cổ phiếu rủi ro cao, việc trắng tay cũng không mấy bất ngờ.
Vậy phải làm sao để nhận biết dược cổ phiếu rủi ro cao? Hãy nhìn vào 3 điều dưới đây, chính là 3 dấu hiệu nhận biết loại cổ phiếu này:
- Biến động giá cổ phiếu bất thường: Nếu giảm giá, sẽ sàn nhiều phiên liên tiếp. Còn khi tăng, sẽ tăng một loạt các phiên kịch trần.
- Biên lợi nhuận gộp liên tục giảm: Biên lợi nhuận gộp cho biết tỷ lệ phần trăm của doanh thu còn lại sau khi trừ chi phí sản xuất. Nếu tỷ lệ này quá thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành, hoặc so với chính doanh nghiệp trong quá khứ, công ty có thể đang và sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh.
- Nợ vay hoặc vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp phát hành cổ phiếu liên tục tăng và tăng cao bất thường.