Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, diễn biến giá vàng trong nước rất khó dự đoán, đặc biệt là việc có thể trở lại mức đỉnh 92 triệu đồng/lượng hay không, vì NHNN vẫn duy trì chương trình bình ổn giá và kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Nhà đầu tư cần theo dõi chính sách này có tiếp tục được duy trì hay không.
Đối với vàng nhẫn, ông Hiếu cho rằng, giá vàng nhẫn trong nước đang rất cao và sát với giá thế giới. Do đó, giá vàng nhẫn khó tránh xu hướng tăng.
“Vàng nhẫn có được đặt vào diện kiểm soát giống vàng miếng không thì chưa ai biết. Nhưng tại thời điểm hiện tại, giá vàng nhẫn vẫn chưa tăng đến mức có thể tạo ra sự bất ổn trên thị trường, do đó việc kiểm soát này có thể chưa diễn ra trong thời gian sắp tới ”, ông Hiếu cho biết.
Mặc dù vậy, ông Hiếu vẫn cho rằng, việc giá vàng nhẫn leo cao sát với giá vàng miếng, thậm chí có thời điểm bằng giá vàng miếng là khá bất thường.
“Mặc dù chúng ta không thể so sánh vàng miếng với vàng nhẫn, bởi một loại được kiểm soát, một loại thì chưa. Tuy nhiên, vàng miếng vốn có tính thanh khoản cao hơn, lại có thương hiệu vàng quốc gia SJC, tính ưu việt rất nổi trội. Còn vàng nhẫn thì các thương hiệu đồng đều và cạnh tranh nhau. Do đó, việc giá vàng nhẫn tiến rất gần giá vàng miếng là khá bất thường”, ông Hiếu nhận xét.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cũng bày tỏ lo ngại về rủi ro khi giá vàng tăng "nóng" như hiện nay, vì điều này thường đi kèm khả năng giá có thể suy giảm đột ngột.
"Giá vàng đã tăng mạnh, rất có thể sẽ có một đợt điều chỉnh giảm. Chúng ta không thể chắc chắn khi nào điều đó sẽ xảy ra. Đầu tư vào vàng lúc này tiềm ẩn nhiều rủi ro, cả người mua lẫn người bán cần thận trọng. Nhà đầu tư nên chờ đến khi giá vàng thế giới điều chỉnh giảm khoảng 50 - 70 USD/ounce rồi mới xuống tiền mua, như vậy sẽ có cơ hội sinh lời tốt hơn", ông Phương khuyến nghị.
Cũng theo ông Phương, giá vàng nhẫn tăng mạnh trong thời gian qua là do giá vàng thế giới tăng quá mạnh. Còn việc giá vàng nhẫn tiệm cận với giá vàng miếng là do vàng miếng SJC đang được quản lý giá bởi Ngân hàng Nhà nước nên không thể tự tăng, giảm theo thị trường. Do đó, giá vàng miếng SJC tăng/giảm có độ trễ hơn so với giá vàng nhẫn.
Trong khi đó, báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC) nhận định: "Giá vàng tiếp tục tăng mạnh khi nhu cầu đầu tư tăng, rủi ro địa chính trị, lo ngại về suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, giá vàng cao có thể sẽ tiếp tục làm giảm nhu cầu đối với vàng trang sức và cần phải có sự ổn định về giá để thay đổi xu hướng này".
Cũng theo WGC, sự gia tăng đột biến trong các khoản đầu tư vào vàng được dự đoán sẽ tiếp diễn, điều này có thể dẫn đến việc giá vàng và nhu cầu vàng duy trì ở mức cao.
Nhận định về diễn biến của giá vàng thời gian tới, ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, trong ngắn hạn, với việc giá vàng thế giới đã tiệm cận mốc 2.800 USD/ounce, giá vàng nhẫn trong nước sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng cao. Những bất ổn địa chính trị và chính sách nới lỏng tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn vẫn còn hiện hữu, tạo điều kiện cho vàng duy trì sức hấp dẫn như một tài sản an toàn.
Vàng miếng trong nước cũng sẽ có xu hướng tăng nhưng khó có đột biến do NHNN vẫn duy trì chương trình bình ổn giá và kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.
Trong trung hạn đến dài hạn, nếu tình hình địa chính trị ổn định trở lại và các nền kinh tế lớn bắt đầu phục hồi, giá vàng có thể hạ nhiệt khi dòng tiền chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán hoặc trái phiếu.
"Tuy nhiên, nếu các bất ổn địa chính trị kéo dài và chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục, giá vàng nhẫn sẽ duy trì ở mức cao, có thể còn tăng thêm do tâm lý phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư", ông Huy nhấn mạnh.
Cũng theo ông Huy, giá vàng thời gia qua tăng mạnh do chịu tác động từ nhiều yếu tố. Ngoài các yếu tố địa chính trị và lo ngại suy thoái kinh tế, giá vàng thế giới còn chịu ảnh hưởng lớn từ nhu cầu mua vào của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.
Trong nước, người dân cũng đang gặp khó khăn khi tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn và hiệu quả. Bất động sản yêu cầu vốn lớn, từ 4-5 tỷ đồng trở lên; thị trường chứng khoán thì chưa khởi sắc về thanh khoản và xu hướng; thị trường trái phiếu cần thêm thời gian để nhà đầu tư lấy lại niềm tin; lãi suất tiết kiệm ổn định nhưng không đủ hấp dẫn với những ai tìm kiếm lợi nhuận cao.
Vì vậy, vàng trở thành một kênh đầu tư dễ tiếp cận và “vừa túi tiền” cho người dân với chỉ vài triệu đồng đến vài trăm triệu đồng, và điều này khiến nhu cầu tích trữ vàng gia tăng đáng kể.
Dù giá vàng tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã làm tốt vai trò quản lý vĩ mô để giữ giá vàng trong nước bám sát giá vàng thế giới, hạn chế tối đa tình trạng chênh lệch giá lớn và đầu cơ. Điều này giúp thị trường vàng trong nước ổn định hơn so với trước đây, khi mà khoảng cách giá trong nước và thế giới từng rất lớn, gây ra các hệ lụy như đầu cơ, tích trữ quá mức và xuất lậu vàng.