Bạn đã biết gì về "du học tại chỗ" với chương trình quốc tế ở các trường ĐH hiện nay?

Bikipmuathi.vn, Theo Trí Thức Trẻ 14:00 11/06/2016
Chia sẻ

Cùng trò chuyện với TS. Phan Thủy Chi - Phó viện trưởng Viện đào tạo quốc tế ĐH Kinh tế quốc dân để giải đáp những thắc mắc về "du học tại chỗ" nhé!

Việc theo học chương trình liên kết đào tạo quốc tế tại các trường ĐH hiện nay đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều học sinh, sinh viên. Nói riêng về học sinh lớp 12 - những bạn học sinh đang đứng trước ngưỡng lựa chọn thi vào đâu, học cái gì, học như thế nào thì không phải ai cũng đã có đủ các thông tin cần biết về chương trình đào tạo quốc tế.

Hôm nay, hãy cùng Bikipmuathi.vn trò chuyện với Tiến sĩ Phan Thủy Chi - Phó viện trưởng Viện đào tạo quốc tế ĐH Kinh tế quốc dân để giải đáp những thắc mắc về chương trình này nhé!

Xin chào TS. Phan Thuỷ Chi, cảm ơn cô đã tham gia đồng hành cùng Bikipmuathi.vn. Được biết chương trình IBD@NEU đã tuyển sinh được 11 khoá và năm nay là năm tuyển sinh thứ 12, vậy cô có thể cho biết điều gì khiến chương trình liên kết đào tạo quốc tế cũng như chương trình Cử nhân quốc tế tại trường Đại học Kinh tế quốc dân IBD@NEU vẫn liên tục giữ sức hấp dẫn tuyển sinh đối với học sinh cấp 3 được không?

Cảm ơn bạn về sự ghi nhận trong câu hỏi này. Đứng về phía những người làm chương trình, có thể nói đây chính là môi trường mà bản thân các thầy cô giảng dạy và quản lý chương trình luôn ao ước "giá ngày xưa khi đi học mình cũng được học như thế này".

Bạn đã biết gì về du học tại chỗ với chương trình quốc tế ở các trường ĐH hiện nay? - Ảnh 1.

TS. Phan Thuỷ Chi hiện đang là Phó viện trưởng Viện đào tạo quốc tế ĐH Kinh tế quốc dân.

Đối với các em sinh viên, có thể nói đây là một chương trình có nhiều thử thách, bởi các em phải học tập theo chuẩn quốc tế và hoàn toàn bằng tiếng Anh, đồng thời cũng là môi trường mà nhiều lúc các em phải đau đầu với các sự lựa chọn. Các em sẽ cần quyết định tham gia hay không tham gia một hoạt động nào đó, mà vẫn phải đảm bảo kết quả học tập, không tham gia thì dường như bỏ qua cơ hội, mà tham gia thì mình phải căng lên để cân bằng, phải nỗ lực đến hết mức.

Nhưng tất cả những điều đó lại chính là điều kiện giúp các em tích lũy hành trang cho mình: kiến thức, kỹ năng và phẩm chất, để sẵn sàng cho cuộc sống và môi trường làm việc sau này. Những thử thách làm cho các em phải nỗ lực và trải nghiệm được thành quả của sự nỗ lực, trong học tập và trong hoạt động. Các em cũng phải có trách nhiệm với bản thân và người khác, và đủ tự tin để cởi mở và học hỏi.

Cô có thể cho biết về lượng hồ sơ trung bình đăng ký vào chương trình IBD@NEU, số học sinh trúng tuyển cũng như chất lượng đầu vào trong những năm gần đây như thế nào không ạ?

Lượng hồ sơ đăng ký vào chương trình cũng thay đổi theo từng năm, thông thường gấp khoảng 2 lần số thí sinh trúng tuyển. Xét về tỷ lệ chọi thì con số có giảm đi, song điều quan trọng là chất lượng đầu vào của thí sinh tăng lên rõ rệt. Bởi với cách tuyển chọn và môi trường học tập rất rõ ràng, các em học sinh và gia đình đều biết được mức độ đòi hỏi cao trong quá trình học tập, cả về năng lực và nhất là về thái độ, do đó thận trọng suy nghĩ một cách nghiêm túc để lường xem có đạt mức yêu cầu hay không. Vì thế những em học lực hạn chế hoặc kém nỗ lực ít khi dự tuyển vào chương trình.

Các sinh viên theo học trong chương trình đại đa số đều từ các trường THPT top đầu của Hà Nội, như Chu Văn An, Thăng Long, Phan Đình Phùng, Kim Liên, Việt Đức, Trần Phú… hay các trường dân lập Lương Thế Vinh, Marie Curie…

Bạn đã biết gì về du học tại chỗ với chương trình quốc tế ở các trường ĐH hiện nay? - Ảnh 2.

Chương trình đào tạo quốc tế có ưu điểm gì hơn so với chương trình đào tạo chính quy? Sinh viên theo học chương trình này sẽ có những lợi thế gì ạ?

Hai điểm cơ bản mà mọi người có thể thấy ngay là sinh viên sẽ có bằng quốc tế, và khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt. Những điều đó rất quan trọng. Tuy nhiên, đạt được điều đó mới chỉ là ở mức đạt yêu cầu.

Có những lợi thế khác mà chương trình IBD@NEU hết sức chú trọng: đó là chương trình quốc tế với cách tiếp cận mở sẽ mang đến cho sinh viên nhiều cơ hội lựa chọn trong một môi trường học tập và hoạt động đa dạng, có nhiều thử thách song lại đi cùng với rất nhiều sự hướng dẫn, hỗ trợ, từ đó rèn luyện kỹ năng, phẩm chất và thái độ cho các em. 

Nói cách khác, quá trình học tập trong chương trình sẽ hình thành trong các em một cách tư duy mới, tư duy quốc tế, tư duy toàn cầu, cho phép các em có thể thích ứng được với bất cứ hoàn cảnh nào, gặp khó khăn không trốn tránh hay đổ lỗi, năng động và chủ động, sáng tạo, cởi mở để học hỏi, để giải quyết vấn đề, biến khó khăn hay thách thức thành các cơ hội để phát triển cho bản thân và tổ chức.

Bạn đã biết gì về du học tại chỗ với chương trình quốc tế ở các trường ĐH hiện nay? - Ảnh 3.

Năm 2016 là năm tuyển sinh thứ 12, chương trình IBD@NEU có những điểm gì mới và ngành nào mới đối với với thí sinh thi đại học năm nay thưa cô?

Năm nay sẽ là năm có bước tiến mới trong IBD@NEU khi chương trình đã tiếp nhận công nghệ đào tạo của nước ngoài trong hơn 10 năm qua và sẽ tiến tới hoàn tất chu trình quan trọng của liên kết đào tạo quốc tế: đưa ra một chương trình đào tạo của trường ĐH Kinh tế quốc dân đạt chuẩn quốc tế, liên thông được với các đối tác nước ngoài.

Chương trình này được phát triển trên nền tảng sử dụng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý của các chương trình quốc tế tại IBD@NEU và các hệ thống quản lý đào tạo: từ kiểm định chất lượng; hỗ trợ học tập, giảng dạy và hoạt động ngoại khóa trong chương trình.

Sự có mặt của chương trình này sẽ cho phép thúc đẩy mạnh hơn các hoạt động giao lưu trao đổi sinh viên theo cả hai chiều: từ nước ngoài vào Việt nam và từ Việt Nam ra quốc tế, đáp ứng một xu thế mới của giáo dục đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa đã xâm nhập sâu rộng vào Việt Nam.

Nếu theo quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ của năm nay, mỗi thí sinh chỉ được cấp 01 giấy chứng nhận kết quả thi, vậy liệu có thể tham gia tuyển sinh thêm IBD@NEU được hay không? Và cách thức tuyển sinh của IBD@NEU khác như thế nào với tuyển sinh thông thường?

Chương trình IBD@NEU được xây dựng với tinh thần đem thêm cơ hội cho sinh viên chứ không gây thêm áp lực cho các em. Ngay từ những năm đầu của chương trình, khi sinh viên chỉ có 2 giấy báo điểm để nộp cho 2 nguyện vọng thì IBD đã chỉ thu của các em bản sao Giấy báo điểm, để không lấy mất của các em một cơ hội nào. IBD muốn các em đến với Chương trình là một sự lựa chọn tự nguyện, bởi chỉ có như thế, các em mới có đủ niềm tin, hứng thú để nỗ lực đi hết chặng đường học tập của mình với một tinh thần tích cực nhất.

Điểm tuyển sinh được xét trên 3 căn cứ: Điểm trung bình lớp 12- thể hiện quá khứ; điểm xét tuyển đại học hoặc kỳ thi Kiến thức tổng hợp của Chương trình - thể hiện nỗ lực hiện tại; và bài luận kèm theo phỏng vấn - để đánh giá triển vọng phù hợp với chương trình của thí sinh, cả về năng lực lẫn định hướng nghề nghiệp sau này. Ngoài ra, thí sinh cũng phải trải qua một kỳ kiểm tra tiếng Anh để đánh giá trình độ nếu như chưa có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS hay TOEFL…

Bạn đã biết gì về du học tại chỗ với chương trình quốc tế ở các trường ĐH hiện nay? - Ảnh 4.

Vòng phỏng vấn trong tuyển sinh có phải giống như tuyển dụng việc làm, mục đích là để xem thí sinh có phù hợp với chương trình phải không thưa cô? Vậy làm sao để thầy cô biết được thí sinh có phù hợp hay không ạ?

Đúng là phỏng vấn tuyển sinh cũng có điểm giống với phỏng vấn xin việc, nhưng với một chương trình đào tạo, thì điều quan trọng nhất là sự phù hợp về mục tiêu tham gia chương trình của thí sinh và mục tiêu đào tạo. Điều này có thể được đánh giá qua những lí do khiến thí sinh đến với chương trình, qua hoàn cảnh và định hướng của gia đình, qua mức độ hiểu biết của thí sinh đối với chương trình, qua cách các em thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của mình trong bài luận và trong quá trình trao đổi trực tiếp với người phỏng vấn. 

Trong quá trình phỏng vấn, các em cũng được tiếp xúc với cán bộ chương trình, với giáo viên và với cả những nhà quản lý doanh nghiệp. Những người này có các góc nhìn khác nhau, do đó các em được bộc lộ các khía cạnh khác nhau để quá trình đánh giá cũng như chuẩn bị tâm thế của các em đối với chương trình được đầy đủ hơn.

Chắc chắn học phí tại IBD@NEU sẽ chênh lệch khá nhiều so với hệ chính quy, cô có thể cho biết khác biệt như thế nào và vì sao có những khác biệt như vậy được không?

Đúng vậy, học phí của chương trình thường cao hơn gấp 5-6 lần so với học phí học tập trong nước. Sở dĩ như vậy vì chương trình sẽ phải trả phí bản quyền nội dung chương trình đào tạo và các kiểm định chất lượng cho đối tác nước ngoài, và đặc biệt là các chi phí cho việc vận hành chương trình theo một cách hoàn toàn khác với các chương trình trong nước: chương trình thực hiện hoàn toàn bằng bằng tiếng Anh; có sự tham gia của giảng viên nước ngoài và các giảng viên hàng đầu của Việt Nam; cơ sở vật chất cho chương trình hiện đại hơn hẳn điều kiện bình thường; hệ thống hỗ trợ học tập và hoạt động phong phú…

Nếu chỉ nhìn qua số liệu, các em có thể cảm thấy chênh lệch chi phí rất lớn. Song nếu trong các yếu tố đầu vào chúng ta tính đến cả những năm tháng tuổi trẻ của các em thì câu chuyện lại hoàn toàn khác. Những năm tháng đẹp nhất, dồi dào năng lượng và sức bật đó cần được đầu tư xứng đáng để đem lại cho các em một hành trang tốt cho chặng đường tiếp theo trong cả cuộc đời. Tuổi trẻ của các em như hạt mầm quý giá, cần một vườn ươm tốt để có thể trở thành một cây xanh tốt và vững vàng, để có thể phát triển được hết tầm trong những chặng đường sau này. Một hạt mầm quý có thể bị thui chột hoặc phải lớn lên èo oặt trong một môi trường thiếu đất, thiếu dưỡng khí. Và đó mới là sự lãng phí hết sức lớn, cho bản thân mầm cây đó, và cho cả vườn cây.

Bạn đã biết gì về du học tại chỗ với chương trình quốc tế ở các trường ĐH hiện nay? - Ảnh 5.

Nếu đặt lên bàn cân so sánh giữa học liên kết hay du học tại chỗ với du học tại nước bản địa, rõ ràng chi phí là sự khác biệt lớn nhất nhưng đó liệu có phải là lợi thế duy nhất không thưa cô?

Lợi thế về chi phí là rất rõ. Nếu học tại IBD@NEU, chi phí sẽ thấp hơn đến 6 -7 lần so với việc theo học một chương trình giống hệt lấy bằng cấp quốc tế tại nước ngoài. Không chỉ có vậy, bên cạnh những điều "thiệt" hơn so với đi du học về một môi trường tiếng Anh hoàn hảo hay điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn của một trường đại học tại các nước phát triển thì học tập ở Việt Nam, đặc biệt là tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ có những lợi thế khác.

Trong một chương trình với quy mô nhỏ và được coi là bước đi chiến lược trong hội nhập quốc tế của nhà trường, sinh viên được quan tâm một cách đặc biệt và kỹ càng hơn. Chương trình có những hoạt động được thiết kế phù hợp và đáp ứng nhu cầu hoàn thiện các khiếm khuyết phổ biến của sinh viên Việt Nam khi học đại học đồng thời sinh viên được hòa nhập vào môi trường sinh viên rộng lớn của một trường đại học hàng đầu của Việt Nam.

Ngoài ra, học ở Việt Nam trong môi trường quốc tế cũng sẽ thuận lợi cho sinh viên khi ra làm việc ở tầm quốc tế song tại Việt Nam, bởi sinh viên sẽ không hoàn toàn bị xa rời với môi trường này. Và cuối cùng, sự gắn kết với gia đình thêm một số năm quan trọng trong giai đoạn từng bước trở thành "người lớn" cũng là những lợi ích đáng được tính đến mà khả năng rất lớn là những đứa con đó sẽ bay cao bay xa trong bối cảnh hội nhập quốc tế sau này.

Sau khi tốt nghiệp, cơ hội việc làm của các sinh viên theo học IBD như thế nào? Trên thực tế vẫn có một số doanh nghiệp trong nước nói không với sinh viên có bằng liên kết, cô nghĩ sao về điều này?

Hầu hết các sinh viên đều có cơ hội tốt, đặc biệt nếu so với bản thân các em ấy (so với các bạn đồng lứa tương đương). Thậm chí, có những cựu sinh viên của chương trình được nhận vào các công ty hàng đầu như Ernst and Young, Amway Vietnam hay Unilever khi chỉ đang là sinh viên năm hai hay năm ba và 95% sinh viên có việc làm trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp.

Đúng là một số doanh nghiệp vẫn còn có những định kiến với sinh viên theo học chương trình liên kết đào tạo. Có lẽ họ e ngại là sinh viên theo học các chương trình LKĐT là sinh viên trượt đại học. Tuy nhiên, có một thực tế là càng ngày càng có nhiều thí sinh đỗ các trường đại học top đầu của Việt Nam như trường đại học Ngoại thương, Bách khoa, Kinh tế Quốc dân... chủ động chọn theo học chương trình liên kết đào tạo. 

Bạn đã biết gì về du học tại chỗ với chương trình quốc tế ở các trường ĐH hiện nay? - Ảnh 6.

Ngoài ra, rất nhiều các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước đang lựa chọn một xu hướng mới trong tuyển dụng: chỉ coi bằng cấp là điều kiện cần tối thiểu, còn lại họ chú trọng đánh giá năng lực của người dự tuyển thông qua kỹ năng, thái độ bộc lộ qua các bài thi ở hình thức làm dự án hay làm việc nhóm. Với xu hướng này, các sinh viên của chương trình IBD thường rất thuyết phục đối với các nhà tuyển dụng do được chuẩn bị tốt ở cả kiến thức, kỹ năng và thái độ.

Theo cô thì những trường ĐH nào có chương trình đào tạo quốc tế dành cho sinh viên tốt nhất hiện nay? Các trường ĐH mở rất nhiều chương trình liên kết vậy làm sao để lựa chọn chương trình phù hợp nhất cho mình?

Hiện nay ngày càng có nhiều trường ĐH mở ra các chương trình đào tạo quốc tế, mang lại nhiều lựa chọn hơn cho học sinh – điều đó cũng đồng thời đòi hỏi các em phải có trách nhiệm hơn với lựa chọn của mình và phải biết tìm hiểu thông tin một cách chủ động và sáng suốt hơn. Lời khuyên của tôi với các em là phải lựa chọn sao cho phù hợp với nhu cầu của bản thân nhất, hiệu quả nhất về chi phí và lợi ích, đồng thời chú ý tới yếu tố đảm bảo chất lượng.

Đối với một chương trình đào tạo, những điều đó cần được đánh giá trên cơ sở xem xét các tiêu chí về danh tiếng của trường cấp bằng; của đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo; đội ngũ cán bộ giáo viên và nhất là uy tín thông qua kết quả đào tạo đã thực hiện.

Các tiêu chí tuyển chọn đầu vào và tỷ lệ tốt nghiệp đầu ra cũng cần được chú ý. Yêu cầu quá cao và chỉ chú trọng đến điểm số có thể sẽ chỉ chọn được các sinh viên "cùng màu": chăm chỉ và chỉ quan tâm đến học tập. Còn nếu yêu cầu quá dễ thì sẽ không đảm bảo chất lượng. Yêu cầu cao ở mức hợp lý sẽ đảm bảo một nguồn sinh viên tốt, đa dạng và tạo môi trường năng động, sáng tạo, hào hứng trong học tập.

Bạn đã biết gì về du học tại chỗ với chương trình quốc tế ở các trường ĐH hiện nay? - Ảnh 7.

Với IBD, Chương trình có kỳ thi đánh giá năng lực riêng song cũng đồng thời chấp nhận tổ hợp xét tuyển đại học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD và ĐT tổ chức với mức cao hơn mức điểm sàn của Bộ ít nhất 2 điểm; Chương trình cũng dự kiến chấp nhận thí sinh có điểm trong kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia từ 98 điểm trở lên, và chấp nhận điểm SAT với mức từ 1000/1600 điểm trở lên. Cần nói thêm là điểm đánh giá năng lực thí sinh cũng mới chỉ là một trong ba tiêu chí xét tuyển của Chương trình, song là tiêu chí quan trọng nhất. Hai tiêu chí kia là điểm trung bình lớp 12 và điểm phỏng vấn (có tính đến bài luận dự tuyển). Cách tuyển sinh này cho phép đánh giá được một cách toàn diện về năng lực cũng như sự phù hợp của thí sinh đối với chương trình.

Cảm ơn cô rất nhiều về bài phỏng vấn này!

Hãy chờ đón những video tiếp theo của Bikipmuathi.vn vào thời gian sắp tới. Không chỉ riêng khối tự nhiên, các môn xã hội như Văn, Sử, Địa, Tiếng Anh cũng sẽ có video chia sẻ rất nhiều bí quyết hay.

Bikipmuathi.vn - Hành trang cho các sĩ tử sắp bước vào kì thi Đại Học. Tất tần tật những gì bạn cần biết, muốn biết và nên biết về mùa thi năm nay đều sẽ được cập nhật một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất.Đừng bỏ lỡ điều gì nhé!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày