1. Tài liệu CDC (Hoa Kỳ) nói rằng, triệu chứng của cúm Covid-19 là sốt, ho và khó thở. Báo Abcnews của Mỹ nêu ra thêm sự khác biệt về triệu chứng so với cúm mùa (season flu), đó là cúm mùa ngoài sốt, ho và khó thở, còn nhức đầu, nghẹt mũi, ớn lạnh (chill), đau nhức mỏi cơ, với trẻ em có khi còn ói mửa, tiêu chảy. Có thể dùng những triệu chứng phụ thêm này để phân biệt Covid-19 và cúm mùa không?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Các triệu chứng phụ giúp gợi ý cho các bác sĩ nghĩ tới Covid-19 hay cúm mùa chứ không đủ để giúp chẩn đoán 2 bệnh này. Hiện tại khẳng định chẩn đoán Covid-19 vẫn phải dựa trên xét nghiệm RT-PCR.
2. Thời gian ủ bệnh (thời gian từ khi nhiễm cho tới khi có biểu hiện triệu chứng) của Covid-19 là bao lâu?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Thời gian ủ bệnh trung bình là 5,1 ngày. Khoảng 97,5% các bệnh nhân sẽ có triệu chứng xuất hiện trước 11,5 ngày và có 2.5% các bệnh nhân có triệu chứng trước 2,2 ngày sau khi nhiễm.
3. Bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong thời gian ủ bệnh có thể lây nhiễm cho người khác không?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Thời gian ủ bệnh là giai đoạn virus nhiễm vào cơ thể. Virus cần có thời gian để xâm nhập vào bên trong tế bào đường hô hấp của người, nhân lên trước khi phá vỡ tế bào đó và rồi lại xâm nhập vào tế bào khác của người đó hoặc phát tán ra ngoài. Khi phát tán ra ngoài virus mới có thể gây lây nhiễm cho người khác. Đối với SARS-CoV-2, đã có 2 nghiên cứu quan sát cho thấy, virus có thể lây nhiễm trong giai đoạn cuối của thời kỳ ủ bệnh.
4. Thời gian cuối của giai đoạn ủ bệnh cụ thể là bao nhiêu?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Khá nhiều các virus có thể lây bệnh trong thời gian cuối của giai đoạn ủ bệnh. Với các virus này, theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm thì tối đa 2 ngày trước khi phát ra triệu chứng có thể có hiện tượng lây nhiễm xảy ra. Đối với SARS-CoV-2 hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng hiện tại các chuyên gia vẫn thống nhất cần một đến một vài ngày từ khi nhiễm tới khi virus có thể được phát tán.
5. Như vậy tại sao phải cách ly đến 14 ngày?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Như trên đã nói thời gian ủ bệnh trung bình là 5,2 ngày, trong đó 95% có thời gian ủ bệnh từ 2,2 ngày tới 11,5 ngày. Do vậy các nhà dịch tễ học quyết định lấy 14 ngày để đảm bảo cách ly gần như tuyệt đối tất các ca nhiễm mà chưa có triệu chứng.
6. Có những trường hợp xét nghiệm đến lần thứ tư mới có kết quả dương tính, những lần xét nghiệm trước là âm tính, nhưng là âm tính giả. Tại sao lại có kết quả âm tính giả, vì độ tin cậy của phương pháp hay do số lượng virus lúc lấy mẫu chưa đủ?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Xét nghiệm RT-PCR có độ nhạy và có độ đặc hiệu rất cao. RT-PCR có thể phát hiện sự hiện diện vật liệu di truyền của virus kể cả khi trong mẫu bệnh phẩm có lượng virus rất thấp. Do vậy khả năng xét nghiệm sai thường rất thấp.
Có 2 trường hợp trong câu hỏi này có thể xảy ra.
- Nếu một người đang được cách ly và được làm liên tục nhiều lần xét nghiệm vẫn âm tính và tới lần thứ tư mới có kết quả dương tính, nhiều khả năng cả 3 xét nghiệm âm tính trước đó được làm trước giai đoạn virus được phát tán. Do vậy mọi xét nghiệm có kết quả âm tính trước thời hạn 14 ngày cách ly đều không đảm bảo người đó sẽ KHÔNG nhiễm bệnh và phát bệnh sau đó. Đó là lý do ta phải cách ly đủ 14 ngày.
- Nếu một người đã được chẩn đoán Covid-19 (đã có xét nghiệm RT-PCR dương tính trước đó với các biểu hiện lâm sàng điển hình) nay xét nghiệm nhiều lần âm tính, rồi làm lại lần thứ 4 mới dương tính, thì nhiều khả năng ở đây là xét nghiệm dương tính giả (dù rất hiếm). Nguyên nhân dương tính giả ở đây có thể là do tạp nhiễm tại phòng thí nghiệm dù khả năng này cũng rất hiếm.
7. Việt Nam hiện nay đang áp dụng biện pháp cách ly với những người bị nhiễm (F0), người đến từ vùng dịch, người tiếp xúc gần với người bị nhiễm (F1), người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với người bị nhiễm (F2, F3…). Điều kiện cách ly F1, F2, F3 này có khác nhau không, có khả năng bị nhiễm chéo tại nơi cách ly?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: F0 là những người đã được xác định là bị nhiễm được cách ly tại bệnh viện để tiện chăm sóc và cấp cứu khi cần thiết
F1 được cách ly tập trung tại bệnh viện, nhưng được cách ly riêng với những người đã nhiễm (F0). Những người F1 sẽ được nhanh chóng làm xét nghiệm ngay, nếu xét nghiệm âm tính (-) thì không cần cách ly F2 nữa.
F2, nghĩa là những người tiếp xúc gần với F1, hiện tại được cách ly tại nhà.
8. Nếu F1 có kết quả âm tính thì sao? Dương tính thì sao?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Nếu F1 âm tính, họ vẫn phải cách ly tập trung tại bệnh viện cho đủ 14 ngày. Trường hợp F2 của nhánh này không cần phải cách ly nữa.
Nếu F1 dương tính, thì trường hợp này trở thành ca khẳng định và sẽ được điều trị tại bệnh viện. Còn F2 bị "nâng cấp" thành F1 và được cách ly tập trung. Và F3 trở thành F2 và cần được cách ly tại nhà.
9. Hiện nay nhiều nước để nhóm người nghi nhiễm (F1), thậm chí đã được xác định bị nhiễm (F0) vẫn được cách ly tại nhà để theo dõi. Nếu biến chứng nặng sẽ được nhập viện để điều trị tích cực. Việt Nam có thể áp dụng biện pháp cách ly này không?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Có 2 loại cách ly:
Cách ly ca nhiễm (cách ly phòng bệnh lây truyền vào cộng đồng) và cách ly các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao (cách ly bảo vệ).
Trong giai đoạn đầu chống dịch xâm nhập vào một quốc gia nào đó, cách ly ca nhiễm sẽ là biện pháp ưu tiên để ngăn dịch xâm nhập. Tại thời điểm này, có thể tiến hành cách ly tập trung giống như ở Việt Nam hoặc tiến hành cách ly tại nhà như nhiều nước khác trên thế giới đang làm.
Cách ly tại nhà đòi hỏi tính tự giác rất cao của người dân, đặc biệt là khi cách ly được áp dụng với nhóm ca khẳng định hoặc ca nghi nhiễm (bao gồm F1). Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân tôi, cách ly tại nhà dù ở các quốc gia mà người dân có tính tự giác cao cũng không có hiệu quả như cách ly tập trung mà chúng ta đang làm, thể hiện qua việc dịch đang bùng phát rất mạnh ở hầu hết các nước đã áp dụng biện pháp cách ly tại nhà trong giai đoạn chống dịch xâm nhập. Hàn Quốc là một nước đã khống chế tốt tốc độ lây lan của dịch bằng cách ly tại nhà nhưng họ cũng là nước đã áp dụng các phần mềm giám sát ca nhiễm qua điện thoại rất hiệu quả.
Giai đoạn 2 khi dịch đã lan tràn phổ biến ra ngoài cộng đồng, các biện pháp cách ly bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao có thể mang lại nhiều lợi ích hơn. Đây chính là một phần trong chiến lược của người Anh khi họ tiến hành cách ly bảo vệ nhóm người cao tuổi (>70 tuổi) khi họ không thể ngăn được dịch lan tràn mạnh trong cộng đồng.
Chú ý khi dịch đã lan tràn ra ngoài cộng đồng, lúc này cách ly ca bệnh rất ít có giá trị. Việc các nước ở giai đoạn này khuyến cáo người dân bị Covid-19 nhẹ (chiếm 80% số ca) ở nhà không cần đến viện không phải là biện pháp cách ly tại nhà để giảm lây nhiễm mà là biện pháp giảm áp lực, tránh quá tải cho các bệnh viện, để các bệnh viện có thể tập trung vào chữa bệnh cho các bệnh nhân nặng (20% số ca).
10. Số liệu ghi nhận hiện nay (ngày 20/3/2020) Hàn Quốc đã có tổng cộng 8.652 ca nhiễm, với 87 ca nhiễm mới trong ngày, giảm rất đáng kể so với đỉnh điểm là 909 ca ghi nhận vào ngày 29/02/2020.
Để kéo lùi được tốc độ lây nhiễm đáng nể này, chính phủ Hàn Quốc ngoài việc mở rộng xét nghiệm đại trà, còn theo dõi định vị GPS điện thoại, xe hơi, giao dịch thẻ tín dụng, các thông tin cá nhân của người bị nhiễm (F0), thậm chí còn công khai những thông tin này để những ai tiếp xúc với họ chủ động tới xét nghiệm.
Như thế, cho phép F0 được cách ly tại nhà của HQ xem ra là giải pháp "mềm" mà thật ra lại rất "cứng", có khi còn "cứng" hơn giải pháp cách ly tập trung của Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về giải pháp chống dịch của Hàn Quốc?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Hàn Quốc bỏ lỡ giai đoạn đầu khi có thể ngăn dịch xâm nhập và để lây lan mạnh trong cộng đồng dẫn tới bùng phát dịch. Sau đó, họ mở rộng xét nghiệm, cho phép làm đại trà và áp dụng giải pháp kỹ thuật để theo dõi ca nhiễm. Chính những biện pháp này đã làm giảm tốc độ lây truyền của Covid-19 tại Hàn Quốc.
Theo tôi kết quả này là rất ấn tượng. Tuy nhiên đây mới chỉ là những nhận xét từ quan sát bên ngoài. Chúng ta cần đợi chính người Hàn Quốc sau này nói về các biện pháp mà họ đã áp dụng để có cái nhìn chính xác hơn.
11. Có ý kiến cho rằng Việt Nam nên áp dụng giải pháp của Hàn Quốc, ý kiến ông thế nào?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Tình hình ở Việt Nam và Hàn Quốc khác nhau nên so sánh rất khó. Hiện tại, Việt Nam vẫn ở giai đoạn chống dịch xâm nhập và bắt đầu ngăn dịch ra cộng đồng, nên các biện pháp chống dịch có khác Hàn Quốc, chủ yếu vẫn là phát hiện ca nhiễm và cách ly. Trong giai đoạn tới, nếu dịch lan mạnh trong cộng đồng (dù tôi không muốn điều đó xảy ra với Việt Nam) thì tôi cũng hy vọng chúng ta cũng sẽ áp dụng một số kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc.
12. Tính đến ngày 20/3/2020) con số tử vong vì Covid-19 ở Ý đã lên đến 3.405 trong tổng số 41.035 người được xác nhận là nhiễm, tỉ lệ tử vong là 8,3%. Trong khi ở Hàn Quốc chưa tới 0,8% và ngay ở Trung Quốc cũng chỉ khoảng hơn 4%. Vì sao tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Ý lại cao như thế, có điều gì khác thường chăng?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Ngoài việc mất kiểm soát dịch trong giai đoạn đầu thì tỉ lệ người già ở Ý rất cao. Đây là yếu tố góp phần làm cho tỷ lệ tử vong cao. Hơn nữa, hệ thống y tế ở Ý dù hiện đại, nhưng quá tải cũng là những yếu tố góp phần làm tử vong cao.
13. Có ý kiến cho rằng, Việt Nam lúc này cần phải làm xét nghiệm đại trà. Ông có cho rằng điều đó là cần thiết không?
BS Bùi Nghĩa Thịnh: Việc mở rộng để làm xét nghiệm đại trà luôn có ích trong giai đoạn dịch lan tràn trong cộng đồng. Tuy nhiên việc nâng công suất của các labo RT-PCR không hề dễ dàng, không chỉ đơn giản là mua hệ thống RT-PCR cồng kềnh đắt tiền đòi hỏi an toàn sinh học mức 3, mà còn phải đào tạo đủ chuyên viên kỹ thuật để sử dụng hệ thống này. Hơn nữa xét nghiệm này rất tốn thời gian. Hiện tại chúng ta cần 4-6 giờ để cho ra kết quả.
Hiện tại thế giới đã có nhiều xét nghiệm nhanh, xác định kháng thể IgM của SARS-CoV2 trong vòng 15 phút. Cách tiến hành xét nghiệm này đơn giản, là xét nghiệm máu và có mức yêu cầu an toàn sinh học thấp hơn. Tôi nghĩ đây có thể là hướng để Việt Nam cân nhắc mở rộng xét nghiệm chuẩn bị cho giai đoạn dịch lan tràn trong cộng đồng.