Một trường hợp đáng chú ý vừa được ghi nhận tại Đài Trung (Đài Loan, Trung Quốc) khi người đàn ông họ Lý, 64 tuổi, vốn yêu thích câu cá biển và ăn hải sản trong suốt 30 năm, được chẩn đoán mắc bệnh thận mãn tính trung bình do nhiễm arsen - một kim loại nặng độc hại thường xuất hiện trong môi trường biển. Điều đáng nói, trước đó, ông không có bất kỳ triệu chứng ngộ độc rõ rệt nào.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đài Trung Vinh Dân, ông Lý thường xuyên đi câu cá ở biển và ăn các loại hải sản đánh bắt được. Tuy nhiên, trong lần khám sức khỏe định kỳ mới đây, bác sĩ phát hiện chức năng thận của ông chỉ còn khoảng 50%, tương đương mức độ tổn thương trung bình của bệnh thận mãn tính.
Kết quả xét nghiệm nước tiểu càng gây sốc hơn: nồng độ arsen lên đến 586,9 microgram/lít - vượt xa mức an toàn cho phép.
Đáng lưu ý, ông Lý hoàn toàn không có các biểu hiện ngộ độc thông thường như buồn nôn, nôn mửa, vàng da hay mệt mỏi. Điều này khiến ông và các bác sĩ càng thêm bất ngờ, bởi tổn thương thận đã diễn ra âm thầm trong thời gian dài.
"Đây là ví dụ điển hình cho thấy arsen có thể âm thầm gây hại thận mà không để lại dấu hiệu cảnh báo sớm nào", bác sĩ Du Dong-Min, Trưởng khoa Thận của bệnh viện, cho biết.
"Khi người bệnh bắt đầu thấy triệu chứng, thường là lúc tổn thương đã nghiêm trọng. Do đó, việc tầm soát kim loại nặng trong cơ thể là rất quan trọng, đặc biệt với những ai thường xuyên tiêu thụ hải sản hoặc tiếp xúc với môi trường có nguy cơ nhiễm độc".
Ảnh minh hoạ.
May mắn, nhờ phát hiện sớm, ông Lý được điều trị kịp thời bằng thuốc giải độc. Sau 2 tháng, chức năng thận của ông phục hồi đáng kể, gần như trở lại bình thường.
Trường hợp này được xem là lời cảnh báo rõ ràng về mối nguy tiềm ẩn từ kim loại nặng, đặc biệt là arsen trong thực phẩm và môi trường sống hàng ngày. Arsen vốn là chất có trong tự nhiên nhưng khi tích tụ trong cơ thể ở mức cao sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng: tổn thương gan, thận, thần kinh, thậm chí là ung thư. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên thận trọng khi sử dụng hải sản đánh bắt tự nhiên, đồng thời nên thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ và xét nghiệm sàng lọc kim loại nặng nếu có nghi ngờ.
-Thận trọng khi ăn các loại hải sản lạ
Đừng quá háo hức thưởng thức những loại hải sản lạ vì một số loại có hàm lượng độc tố rất cao. Bạn nên chắc chắn rằng loại hải sản đó đã được cư dân địa phương ăn thường xuyên nếu như bạn đang du lịch đến vùng đất mới.
-Không ăn hải sản đã chế biến từ lâu
Hải sản nói chung là các loại thực phẩm nguồn gốc từ động vật rất giàu chất đạm (protein). Khi bị chết hoặc bảo quản ở nhiệt độ thông thường chúng rất nhanh chóng bị các vi khuẩn xâm nhập và phát triển nên dễ gây bệnh
Với một số loại hải sản như cá ngừ, cá thu, vi khuẩn thậm chí biến thịt của cá thành chất độc (chuyển một loại axit amin là histidin trong thịt cá thành chất độc histamine) gây ngộ độc (đỏ da, nóng bừng, trống ngực, đau đầu, khó thở…).
-Không ăn hải sản chưa được nấu chín kỹ
Trong hải sản có chứa vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, có khả năng chịu nhiệt cao, ít nhất phải hơn 80 độ C. Ngoài ra, nước chưa đun sôi có thể chứa vi khuẩn cũng gây ô nhiễm ngược. Nói chung, khi chế biến hải sản cần đun sôi nước khoảng 4-5 phút để khử trùng đầy đủ.
-Lựa chọn hải sản tươi sống
Các loại hải sản như tôm, cua, sò, hến chết có tốc độ ô nhiễm và xuống cấp protein cao hơn rất nhiều so với thịt, thậm chí có nguy cơ sản xuất độc tố đe dọa sức khỏe con người, khi ăn vào càng dễ bị ngộ độc. Vì vậy khi mua hải sản chế biến cần lựa chọn kỹ những con tươi sống.
-Cẩn trọng khi cho trẻ em dùng hải sản
Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh, vì thế nguy cơ ngộ độc của trẻ cũng cao hơn bình thường. Tuyệt đối không cho bé thử những loại hải sản lạ. Ngay cả với những loại hải sản thông thường, bố mẹ cũng chỉ nên cho bé tập ăn thử một ít, nếu sau đó thấy an toàn mới ăn tăng lên.
-Phát hiện sớm các dấu hiệu ngộ độc
Có nhiều loại hải sản với nhiều loại nguyên nhân gây độc khác nhau nên biểu hiện ngộ độc cũng rất đa dạng từ đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt đến các biểu hiện thần kinh như tê môi lưỡi, co giật, liệt, mờ mắt,...
Khi ăn hải sản, nếu thấy có một trong số các biểu hiện trên cần nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.