Điểm chung dễ nhận thấy nhất của cơm và mì là đều giàu tinh bột (carbohydrate) và nhiều calo, cung cấp nhiều năng lượng. Do đó, chúng ảnh hưởng rất lớn tới quá trình tăng cân hay giảm cân.
Tiểu Minh (Bắc Kinh, Trung Quốc) là một sinh viên đại học 22 tuổi, có thể trạng thừa cân. Anh muốn giảm cân nên quyết định cắt giảm dầu mỡ, các loại thịt và thậm chí cơm trắng trong 3 tháng nhưng cân nặng không giảm còn tăng lên. Cuối cùng phát hiện, do nhịn ăn nên anh thường đói vào ban đêm và phải ăn mì gói mỗi ngày.
Ngược lại Tiểu Hồng, 21 tuổi, cũng là một sinh viên đại học tại Bắc Kinh (Trung Quốc) thì quá gầy gò và muốn tăng cân. Cô rất chăm tập thể dục nhưng lại không thích ăn các món nhiều tinh bột vì cảm thấy nặng nề, khó tiêu hóa. Kết quả, cô mãi không thể tăng cân, thậm chí gầy hơn vì chế độ dinh dưỡng mất cân bằng. Ngoài ra còn rối loạn tiêu hóa, hay mệt mỏi, rụng tóc nhiều.
Qua trường hợp của Tiểu Minh và Tiểu Hồng, chúng ta hiểu rằng ăn quá ít hay quá nhiều tinh bột đều không tốt cho việc kiểm soát cân nặng và sức khỏe tổng thể. Mặc dù cả cơm và mì đều nhiều tinh bột, calo nhưng mức độ tác động tới cân nặng của chúng khác nhau. Giống như Tiểu Minh, rất nhiều người thường cho rằng cơm trắng dễ gây béo hơn mì nhưng điều này lại sai lầm.
Trên thực tế, nhìn chung là ăn mì (đặc biệt là mì ăn liền) dễ tăng cân hơn ăn cơm. Lý do là lượng dinh dưỡng cụ thể, chỉ số đường huyết của chúng khác nhau, cảm giác no, quá trình tiêu hóa và ngay cả cách kết hợp thực phẩm khi ăn cũng khác nhau.
Mì, đặc biệt là mì ăn liền hoặc các loại mì qua chế biến, thường chứa nhiều calo hơn so với cơm trắng. Trong khi cơm trắng chứa khoảng 130 - 150 calo trong một bát, một gói mì ăn liền thông thường có thể chứa đến 300 - 500 calo, tùy theo loại. Điều này là do mì thường được chiên qua dầu trong quá trình sản xuất, làm tăng lượng calo và chất béo.
Các loại mì ăn liền thường chứa nhiều muối, chất bảo quản và chất béo bão hòa. Gây tích nước, tăng cân nếu dùng thường xuyên. Bên cạnh đó, mì ăn liền thường ít chất xơ và dinh dưỡng hơn cơm. Đặc biệt là khi không ăn kèm với rau hoặc protein giống như khi ăn cơm. Mì cũng chứa nhiều tinh bột tinh chế, ít chất xơ, nhiều chất phụ gia hơn nên cơ thể nhanh tiêu hóa, nhanh đói hơn. Dẫn đến việc kích thích thèm ăn, ăn nhiều hơn mức cần thiết để no bụng và dễ tăng cân.
Thêm một lưu ý nữa khi muốn kiểm soát cân nặng là bạn nên ưu tiên các loại tinh bột chưa qua tinh chế như gạo lứt hoặc gạo nguyên cám. Dù là mì hay cơm thì đều cần kiểm soát lượng ăn, nên ăn kèm với rau xanh, protein để cân bằng dinh dưỡng và giảm nguy cơ tăng cân, bảo vệ sức khỏe.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Beauty321