Ai đó không còn trên đời, sẽ đi về đâu trên Facebook: Họ vẫn ở đó, để ta tua ngược cuộc đời, trong bình yên và nhẹ nhõm

Skye, Theo Helino 10:28 31/05/2019

Câu chuyện trên tờ New York Times gợi mở ra một khía cạnh khác của Facebook, nơi những kết nối online giữa chúng ta như gửi gắm nhiều thông điệp tích cực, nơi chúng ta tìm thấy sự an ủi và hiện diện của những người thân yêu đã ra đi trong mỗi khoảnh khắc của cuộc sống này.

"Đừng lo lắng", tôi nhìn lại bức ảnh bìa trên Facebook chị gái mình. "Mọi thứ rồi cũng sẽ ổn thôi".

Trong ánh đèn Neon xanh và đỏ, dòng chữ nổi lên trên màn hình như lời nhắn từ một thế giới xa xôi mà chị tôi gửi gắm lại. Khi cuộc sống đầy áp lực, tôi mở lại Facebook chị, nhìn vào bức hình đó và thở sâu.

Trên dòng thời gian Facebook, mọi người để lại những lời nhắn và nhiều bức hình. "Tớ nhớ cậu lắm", "tớ yêu cậu nhiều", "tớ không thể ngừng nghĩ về cậu". Nếu có thể đặt một bó hoa lên Facebook, tôi nghĩ rằng họ cũng sẽ làm; nhưng những gì mọi người có thể gửi lại trên dòng thời gian chị tôi chỉ là những emoji trái tim.

Thỉnh thoảng có ai đó tua ngược lại dòng thời gian trên Facebook chị, phản hồi lại những bình luận từ cách đây vài năm. Với tôi nó như một phép màu của Facebook - cuộc trò chuyện từ bao lâu rồi bỗng trở lại trong hiện tại, như thể chị tôi vẫn còn ở đây. Trang Facebook ấy như một câu chuyện không có hồi kết, kể cả khi chị tôi đã qua đời.

Ai đó không còn trên đời, sẽ đi về đâu trên Facebook: Họ vẫn ở đó, để ta tua ngược cuộc đời, trong bình yên và nhẹ nhõm - Ảnh 1.

Trên Facebook, những câu chuyện, lời nói của chị được lưu giữ, ngưng đọng dù thời gian có trôi chảy như những bức hình. Cả tuổi trẻ của chị như được kể lại trong từng tấm ảnh; tôi thấy cô bé ngày nào hay cười khúc khích mà chỉ vài năm sau đã trở thành một người mẫu trẻ ở tuổi 18. Những bức hình vẫn còn đó để người ta nhớ về chị: Cô gái trẻ với đôi chân dài rám nắng, mái tóc vàng xoăn nhẹ, những đốm tàn nhan như những chòm sao trên sống mũi. Và trong ánh mắt hoang dại nhưng đầy sức sống, tôi thấy cả những hạt mầm của sự nổi loạn, đang chờ đợi vươn mình cho những năm tháng sau này.

Thỉnh thoảng, tôi mở lại những đoạn video trên Facebook ghi lại hình ảnh chị và những người bạn lái xe qua trạm thu phí. Tôi nghe đi nghe lại tiếng chị cười; mờ mờ và tối, đoạn video khiến tôi không nhìn ra được gương mặt ai cả nhưng tiếng cười của chị đặc trưng quá đỗi khiến tôi có thể nhận ra ngay.

Khi chị tôi biến mất, tôi thường gọi vào điện thoại của chị, dù biết rằng sẽ chẳng ai nghe - những tiếng tút tút như vang vọng vào hư vô, chỉ còn tiếng hộp thư thoại trả lời tự động. Khi nào muốn nghe giọng của chị, tôi sẽ quay số điện thoại và nghe thấy giọng chị nói để lại lời nhắn.

Có đôi lúc, tôi để lại lời nhắn như thể có ai đó sẽ nghe thấy. Tôi kể cho chị một ngày trôi qua hay hỏi chị có ổn không. Thỉnh thoảng, tôi chỉ ngồi đó và khóc, sự im lặng để lại một khoảng trống sau tiếng beep.

Ai đó không còn trên đời, sẽ đi về đâu trên Facebook: Họ vẫn ở đó, để ta tua ngược cuộc đời, trong bình yên và nhẹ nhõm - Ảnh 2.

Những lúc nỗi nhớ trào dâng, tôi rút điện thoại ra nhắn tin cho chị. Công nghệ cho phép tôi có thể thực hiện những giao tiếp đời thường, như một góa phụ ngồi ôm bia mộ thủ thỉ với chồng. Tôi kể cho chị nghe về gia đình Kardashian, về dự định trường đại học tôi sẽ nộp, dăm ba câu chuyện tầm phào về trường đại học, cũng như việc bố mẹ ly thân. Những câu chuyện kỳ quặc, đôi ba thứ ngớ ngẩn; những thứ mà bạn chỉ có thể kể cho các bà chị gái nghe.

Những lời nhắn tự động đó như một cách để tôi tự nhìn lại bản thân mình, một cách để tự an ủi và xoa dịu nỗi đau. Cho đến một ngày, trong lúc đang ra ngoài chơi với bạn bè tại Boston, tôi nhận được một lời nhắn lại.

Đó là khoảng hai năm kể từ ngày chị tôi biến mất; hai năm đầy mệt mỏi của ba mẹ và những thám tử. Đã không biết bao lần, họ ngồi xem lại đoạn video an ninh với hình ảnh chị gái tôi đi bộ về phía đỉnh của cây cầu Benjamin Franklin nhưng biến mất không dấu vết. Hai năm tìm kiếm chỉ trả về sự vô vọng và tuyệt vọng. Dù gia đình tôi chưa bao giờ chính thức nói rằng chị đã qua đời nhưng hiện thực đớn đau ấy chất chứa đầy trong tâm trí tôi, như lớp bụi phủ trong căn phòng lâu ngày đóng kín của chị.

Ban nhạc trong quán bar lúc đó chơi một bản nhạc yêu thích của chị. Tôi nhắn tin: "Em nhớ chị".

"Ai đó?", có tin nhắn hồi đáp.

Khi điện thoại rung lên và tên của chị xuất hiện trên màn hình, tôi run cầm cập và đánh rơi điện thoại. Tim tôi đập thình thịch trong hoảng sợ. Tôi chạy vào nhà vệ sinh, ngồi sụp xuống sàn và lẩm bẩm, "Chị ấy còn sống, chị ấy còn sống".

Run rẩy cầm chiếc điện thoại, tôi bấm nút gọi.

"Xin chào?", một giọng nói vang lên. Của một người phụ nữ, nhưng già dặn hơn giọng chị tôi. Cô ấy nói rằng mới đăng ký điện thoại và người ta đưa cho cô dùng số này.

Tôi khóc, trong khoảnh khắc nhận ra một sự hụt hẫng và mất mát; mấy cô bạn cùng phòng an ủi và động viên, "Dù hắn ta là ai cũng không xứng đáng những giọt nước mắt ấy, tin bọn tớ đi".

Tôi chỉ muốn nói rằng, "Không phải "anh ấy", là "cô ấy".

Tôi tự hỏi bản thân; nếu tôi vẫn có thể nhìn thấy chị, lắng nghe và nhắn tin, liệu chị tôi có thực sự biến mất? Nếu Facebook gợi nhắc tôi mỗi năm về ngày sinh nhật chị, nói rằng chị tôi đã bao nhiêu tuổi, vậy có lẽ cái chết đó không phải là một giai đoạn hay hồi kết mà có lẽ là một dấu ba chấm…

Khi một người thân yêu đột ngột biến mất, chẳng có một cái kết rõ ràng, những điều bạn có thể mường tượng chỉ là việc người đó không còn hiện diện trong cuộc đời. Đầy hoài nghi và mơ hồ, chẳng ai có thể giúp bạn khẳng định một sự thật gì cả. Vấn đề nằm ở đó: Nắm trong tay những hy vọng nhạt nhòa có lẽ đau khổ hơn việc biết được một sự thật đớn đau.

Đã 5 năm kể từ ngày chị tôi biến mất và tôi giữ trong mình chút hy vọng,rằng một ngày nào đó tôi sẽ nhìn thấy chị nơi đường phố đông người, vẫn gương mặt quen thuộc ấy. Tôi sẽ chạy thật nhanh và cứu chị lần này.

Ai đó không còn trên đời, sẽ đi về đâu trên Facebook: Họ vẫn ở đó, để ta tua ngược cuộc đời, trong bình yên và nhẹ nhõm - Ảnh 3.

Nhiều năm trước, mẹ tôi gợi ý rằng chúng tôi có thể xóa tài khoản Facebook của chị. Nhưng cuối cùng, chúng tôi quyết định cứ để như vậy. Với tôi, đó là một nơi chốn của sự bình yên.

Giờ đây, khi đã bằng tuổi chị - thời điểm chị biến mất khỏi cuộc đời này, tôi hiểu hơn những điều chị chia sẻ trên Facebook, từng ca khúc nằm trong chiếc iPod của chị và cả đôi dòng bình luận chị để lại trên những bức hình. Nó giống như việc bạn nhìn rõ về ai đó hơn thông qua một ô cửa, nhưng như vậy còn hơn là không hiểu gì.

Và có lẽ, tôi hiểu dự định của mẹ tôi. Việc nhìn thấy ai đó trên Facebook mỗi ngày, dù người đó không còn tồn tại, như chạm tay vào một vết thương hở; mọi thứ ở đó sống động quá. Tất cả những điều ấy, từng bức hình chụp màn hình Facebook, selfie, những trò đùa, lời bình luận sao cứ như chị tôi vẫn còn ở đâu đó.

Gần đây, tôi có đọc được về công nghệ chatbot bắt chước những kiểu hình nói chuyện của con người. Giải pháp này có thể giúp chúng ta trò chuyện, trao đổi với người thân qua tin nhắn nhờ việc sử dụng dữ liệu cá nhân, các tin nhắn cũ của người đó. Họ có thể sử dụng những câu nói yêu thích của người thân và cả những lời yêu thương, "chị cũng nhớ em".

Câu hỏi của công nghệ giờ không còn nằm ở tính khả thi hay không mà ở việc, nó có được phép về mặt đạo đức hay không. Giữa việc buông bỏ và níu giữ, ta phải thực sự tỉnh táo và biết điểm dừng để không đẩy bản thân vào sự tuyệt vọng của công nghệ.

Ai đó không còn trên đời, sẽ đi về đâu trên Facebook: Họ vẫn ở đó, để ta tua ngược cuộc đời, trong bình yên và nhẹ nhõm - Ảnh 4.

Những ký ức dường như không bao giờ là đủ cho những người giữ trong mình khổ đau - có giữ bao nhiêu đi nữa ta vẫn thấy buồn bã, tuyệt vọng. Công nghệ có thể đưa chúng ta tới gần người thân yêu hơn, bằng một cách nào đó, nhưng rồi ta sẽ nhận ra sự hụt hẫng trong mình.

Giờ đây, bạn bè chị không đăng nhiều câu chuyện, chia sẻ nhiều trái tim trên Facebook chị nữa. Khi Instagram ngày càng phát triển, nhiều người dẫn bỏ quên Facebook. Nghĩ đến việc những quan tâm dành cho chị tôi bị phụ thuộc vào sự phổ biến của nền tảng mạng xã hội khiến tôi chạnh lòng.

Ai đó không còn trên đời, sẽ đi về đâu trên Facebook: Họ vẫn ở đó, để ta tua ngược cuộc đời, trong bình yên và nhẹ nhõm - Ảnh 5.

Facebook không thể bắt chước được nét chữ viết tay của chị, cũng không thể gợi tôi nhớ tới mùi nước hoa quen thuộc khi chị ôm tôi vào lòng. Nhưng dòng tin nhắn chị từng viết lên tường của tôi vẫn còn hiện hữu trên Facebook.

"Chị yêu em".

Và thế là đủ.