Takishima Mika đã trở thành một "anh hùng dân tộc" ở Nhật Bản và được vinh danh là huấn luyện viên thể hình cao tuổi nhất xứ sở hoa anh đào. Cụ vẫn tiếp tục chạy bộ, kéo giãn và uốn dẻo ở tuổi 92, và là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người.
Vậy bí quyết của cụ là gì, và chúng ta có thể học được gì từ những thói quen của cụ để tiến tới sống trường thọ?
Cụ bà Mika có thứ động lực mà người Nhật gọi là "ikigai", nó mang mục đích, lý do để thức dậy vào buổi sáng, lý do để tồn tại.
Phần lớn xã hội đang chờ đợi tuổi nghỉ hưu, chờ đến ngày mà họ có thể ngừng làm việc, sống chậm lại. Tuy nhiên, việc kết thúc cuộc đời làm việc của chúng ta cũng có thể dẫn tới việc đánh mất bản sắc, giá trị bản thân và ý nghĩa cuộc sống.
Vì vậy, nếu bạn có thể tìm thấy sự cân bằng khi làm công việc mà bạn yêu thích, hãy tận dụng thời gian và sự tự do tài chính mà tuổi nghỉ hưu có thể mang lại. Sau đó, có lẽ chúng ta có thể tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống và duy trì mục đích và ý nghĩa cho những năm cuối đời.
Sinh ra vào tháng 1 năm 1931, cụ bà Takishima vừa bước sang tuổi 92. Nhưng cụ tin rằng tuổi tác chỉ là một con số và thậm chí còn không bắt đầu tập thể dục mãi cho đến năm 65 tuổi, để rồi tự mình trở thành huấn luyện viên thể dục ở tuổi 87.
Hành trình rèn luyện sức khỏe của cụ bà Takishima bắt đầu sau khi chồng cụ nhận xét rằng cụ đang bị thừa cân. Cụ Takishima không thể quên điều đó, do đó quyết định tham gia tập gym để thay đổi cơ thể và giảm tới 15kg.
Giờ đây, cụ không chỉ trông thon thả và săn chắc mà còn cực kỳ linh hoạt và năng động.
Lịch trình của cụ Takishima rất bận rộn, nhìn chung khá nặng đối với một người trung niên, chứ đừng nói đến một người đã 92 tuổi. Nhưng điều này rõ ràng đang hiệu quả với cụ. Tuổi tác thực sự chỉ là một con số và cụ đang chứng minh điều đó.
Cụ bà Takishima nói rằng bản thân chỉ cần ngủ 3-4 tiếng. Cụ đi ngủ lúc 11 giờ tối và thức dậy lúc 4 giờ sáng.
Cụ cũng chia sẻ rằng thời điểm bắt đầu tập luyện càng sớm thì kết quả sẽ càng tốt.
4 giờ sáng - Cụ bắt đầu đi bộ 4km, sau đó chạy 3km trước khi đi lùi 1km. Cụ duy trì hàng ngày trừ khi trời mưa và tổng thời gian sẽ khoảng 2 tiếng.
7 giờ sáng - Cụ dùng bữa sáng với cơm gồm cá thu hoặc cá hồi nướng với trứng, nato, đậu phụ, kim chi và rau
Bữa trưa - đây là bữa ăn nhẹ sau bữa sáng thịnh soạn và cân bằng. Cụ bà Takishima sẽ chỉ ăn một quả chuối và dùng một thức uống có lợi cho sức khỏe. Cụ cảm thấy như vậy là đủ, vì nếu ăn quá nhiều sẽ dễ “căng da bụng, chùng da mắt”.
Nửa ngày tiếp theo cụ dành cho việc huấn luyện - Có thể là huấn luyện cá nhân, huấn luyện theo nhóm hoặc huấn luyện trực tuyến. Nếu không có lịch dạy ai, cụ sẽ tự rèn luyện sức khỏe cho mình.
Sau khi luyện tập hoặc huấn luyện xong, cụ dùng một bữa tối thịnh soạn - Súp gà, bắp cải hầm, nấm, khoai tây và cà rốt. Cụ luôn ăn một chế độ ăn uống cân bằng, tránh các chất phụ gia và chất bảo quản nhân tạo.
Sau bữa tối - cụ sử dụng thời gian rảnh để tự bồi dưỡng bản thân, nâng cao các kỹ năng như kỹ năng máy tính, điện thoại thông minh hoặc tham gia các tiết học tiếng Anh.
Trước khi đi ngủ, cụ tập một số bài tập đơn giản và tập kéo giãn.
Nhật Bản là một trong những quốc gia có số lượng người sống trên 100 tuổi lớn nhất, với ước tính hơn 90.526 người trên 100 tuổi. Số lượng người sống trăm tuổi cũng đang tiếp tục tăng lên mỗi năm.
Vậy người Nhật có gì giúp họ sống lâu và khỏe mạnh như vậy?
Người ta tin rằng nguyên nhân có thể là do “tỷ lệ tử vong thấp chủ yếu nhờ tỷ lệ béo phì thấp, ít tiêu thụ thịt đỏ, tiêu thụ nhiều cá và thực phẩm thực vật như đậu nành và trà”, Tiến sĩ Martin Juneau thuộc khoa tim mạch ở Montréal cho biết.
Nhật Bản có tỷ lệ béo phì chỉ 4,3% so với 32,5% ở Hoa Kỳ hoặc 27,8% ở Anh.
Bài học quý giá mà mỗi người có thể học được từ cụ bà mạnh mẽ Takishima Mika chính là:
- Ưu tiên duy trì cơ thể năng động, linh hoạt và mạnh mẽ
- Xây dựng một chế độ ăn uống giàu thực phẩm tự nhiên, cá, rau và thực phẩm lên men
- Sống có mục đích và ý nghĩa
- Hòa mình vào cộng đồng
Mặc dù lịch trình của cụ bà Takishma dày đặc, nhưng điểm mấu chốt là cụ không ép mình phải làm bất kỳ điều gì trong số này. Cụ chỉ làm điều đó vì nó mang lại niềm vui cho bản thân.
Đó thực sự là bước chuyển quan trọng trong suy nghĩ, cho phép bất kỳ ai trên hành trình chăm sóc sức khỏe hiểu rằng: cái đích cuối cùng là tìm kiếm những điều mang lại niềm vui cho những gì bạn đang làm.
Cụ bà Takishma vẫn muốn đi đây đi đó, giao du nhiều hơn. Cụ còn đặt mục tiêu đi khắp 47 vùng của Nhật Bản để truyền cảm hứng về sức khỏe và thể lực cho nhiều người hơn. Giờ đây, khi câu chuyện của bà đang được lan rộng, có lẽ bà sẽ còn truyền cảm hứng cho nhiều người nữa bên ngoài biên giới đất nước mình.