9 dấu hiệu lão hóa tim khi còn trẻ được bác sĩ nhắc nhở, nhiều người đang gặp mà không hay

Ngọc Ái, Theo Phụ nữ Việt Nam 07:51 11/01/2024
Chia sẻ

Giống như nhiều cơ quan khác, tim cũng lão hóa theo tuổi tác. Nhưng lão hóa tim có thể xuất hiện từ rất sớm, ở những người trẻ tuổi do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau.

Đó là những điều được Tiến sĩ y khoa Lý Quý chia sẻ. Bà hiện đang là Giám đốc Phòng khám Y học cổ truyền Chengxing và bác sĩ điều trị tại một số phòng khám y học hiện đại, y học cổ truyền khác tại Trung Quốc.

Bà nói thêm rằng: “Mỗi mùa đông chúng ta lại thấy rất nhiều tin tức về đột tử do bệnh lý tim mạch, điều này có sự tác động của yếu tố thời tiết. Tuy nhiên, điều đáng lo hơn cả là trong số đó có những người còn rất trẻ, đang khỏe mạnh - nghĩa là bệnh lý về tim mạch đang trẻ hóa rất nhanh. Nguyên nhân phổ biến nhất là do ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh, môi trường sống và làm việc nhiều yếu tố độc hại - bao gồm cả áp lực về mặt tinh thần”.

9 dấu hiệu lão hóa tim khi còn trẻ được bác sĩ nhắc nhở, nhiều người đang gặp mà không hay - Ảnh 1.

Thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh được cho là nguyên nhân chính gây lão hóa tim sớm (Ảnh minh họa)

9 dấu hiệu cảnh báo lão hóa tim sớm ở người trẻ tuổi

Bản thân Tiến sĩ Lý cũng thường xuyên gặp các bệnh nhân tim mạch ở độ tuổi 20, 30 trong những năm hành nghề của mình. Trong số đó, nhiều người trẻ bị lão hóa tim sớm. Thậm chí, có những người ở độ tuổi đôi mươi nhưng có trái tim lão hóa sớm như ở người ngoài 50, 60 tuổi. Càng đáng lo hơn khi bản thân họ không hề nhận ra hoặc không quá chú tâm đến điều đó. Phải đến tim bị quá tải, sức khỏe xuống cấp nặng nề mới tìm tới bác sĩ.

“Lão hóa tim ở đây chính là lão hóa hệ tim mạch, lão hóa sớm chỉ tình trạng trái tim yếu hơn, có thể chưa hình thành bệnh lý rõ ràng nhưng thuộc nhóm nguy cơ cao và gây nhiều khó chịu trong cuộc sống” - bà nói. Bà cũng chỉ ra 9 dấu hiệu lão hóa tim sớm ở người trẻ phổ biến nhất, bao gồm:

- Tức ngực và đau ngực (có thể kèm theo đau bụng, buồn nôn và nôn).

- Đánh trống ngực (cảm giác hoặc nghe thấy nhịp tim của bạn, hoặc thậm chí bị mất nhịp).

- Cảm thấy khó thở mỗi khi di chuyển (mức độ nặng nhẹ khác nhau ở mỗi người).

- Dễ mệt mỏi, ngủ không đủ giấc, thậm chí bị ngất xỉu thoáng qua một cách đột ngột.

- Má thường ửng đỏ mà không liên quan tới da liễu, đặc biệt dễ thấy khi thời tiết lạnh.

- Khuôn mặt tối sầm, xỉn màu, sưng tấy khác lạ.

- Đổ mồ hôi nhiều hơn, nhất là ban đêm.

- Căng và đau ở bên trong xương bả vai một cách khó hiểu.

- Thường xuyên bị tê, đau hoặc khó chịu từ cằm đến vai trái, cổ và cánh tay trái.

Tiến sĩ Lý chia sẻ thêm rằng, những dấu hiệu này vốn xuất hiện ở người ít nhất trên 50 tuổi, thậm chí cao hơn nếu có lối sống lành mạnh và được coi là lão hóa theo đúng tuổi tác. Cũng có không ít bệnh nhân trẻ của bà khi phát hiện ra chúng đều nghi hoặc về tình trạng sức khỏe được chẩn đoán của mình. Họ cho rằng mình còn quá trẻ, thậm chí chỉ số huyết áp hay mỡ máu đều bình thường nên tim yếu, lão hóa sớm là không thể. Thường có xu hướng cho rằng đó là bởi mình đang quá mệt mỏi, quá sức, dinh dưỡng chưa cân bằng.

9 dấu hiệu lão hóa tim khi còn trẻ được bác sĩ nhắc nhở, nhiều người đang gặp mà không hay - Ảnh 2.

Rất nhiều người trẻ lầm tưởng các dấu hiệu lão hóa tim sớm là do mệt mỏi, căng thẳng quá mức (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lỹ cũng nhấn mạnh rằng: “Trên thực tế, bệnh nội tạng đều có các giai đoạn. Bệnh tim sẽ không đột ngột chuyển sang nhồi máu cơ tim hay suy tim, mà ban đầu sẽ có một số dấu hiệu khó chịu, nhưng khám sức khỏe có thể bình thường, sau nhiều tháng đến nhiều năm, các triệu chứng nghiêm trọng sẽ dần xuất hiện.

Mọi thứ bên trong đều phải phản ánh ra bên ngoài. Nếu trong cơ thể có triệu chứng thì có nghĩa là bên trong cơ thể có vấn đề gì đó, nhưng mức độ có thể nhẹ hoặc nặng. Điểm mạnh của y học cổ truyền nằm ở chỗ chữa bệnh trước khi quá muộn, tức là chữa bệnh trước khi triệu chứng xuất hiện nhưng trước khi bệnh thực sự hình thành. Tôi mong mọi người sẽ chú ý đến cơ thể mình hơn để tránh căn bệnh tim mạch thực sự đang ập đến trước cửa nhà”.

Cải thiện lão hóa tim sớm bằng thể dục thể thao được không?

Một vấn đề nữa mà Tiến sĩ Lý thường được yêu cầu tư vấn từ bệnh nhân của mình là mối liên hệ giữa tập thể dục thể thao với lão hóa tim sớm. Bà thường nhận được các câu hỏi như lười tập thể dục có phải là nguyên nhân gây lão hóa tim sớm hay khi bị lão hóa tim sớm có thể cải thiện bằng cách tăng cường thể dục thể thao lên hay không.

“Về cơ bản, tập thể dục thể thao có lợi trong bảo vệ và cải thiện sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, nó là con dao hai lưỡi với những người có hệ tim mạch yếu, lão hóa sớm. Bởi bạn còn trẻ, bạn cảm thấy mình khỏe và dễ rơi vào vận động quá sức, sai cách. Trong khi đó, thể dục thể thao không đúng cách sẽ có hại cho tim.

Vì vậy, nếu như đã được chẩn đoán bệnh tim mạch hay lão hóa tim sớm, một là chỉ tập luyện theo đúng hướng dẫn của chuyên gia sức khỏe - thể hình, hai là không nên tập luyện mà chỉ cần lưu ý về vận động. Ví dụ như không ngồi lâu một chỗ, tranh thủ đi bộ nhẹ nhàng khi di chuyển, không bật dậy quá nhanh và nằm trên giường giãn cơ vào buổi sáng”.

Tiến sĩ Lý nhấn mạnh, nếu bạn có các triệu chứng về lão hóa tim đã đề cập ở trên, tức là cần chú ý 4 điểm khi tập thể dục thể thao:

- Kiểm soát cường độ tập luyện: Dừng tập hoặc giảm cường độ nếu bạn thấy chóng mặt, nôn mửa, khó thở, choáng váng trong khi tập. Cũng nên điều chỉnh theo tham vấn của chuyên gia nếu cảm thấy mệt mỏi hoặc suy sụp sau khi tập luyện thay vì cảm thấy vui vẻ và thư giãn.

- Hãy chú ý đến thời gian tập luyện: Không nên tập vào sáng sớm hay buổi tối, đặc biệt là đêm muộn. Bởi đây là khi nhiệt độ thấp, máu cũng trở nên nhớt hơn nên gây áp lực lớn cho tim mạch, dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm. Nếu cả ngày bạn bận rộn không thể tập luyện thì ít nhất hãy tập cách thời gian đi ngủ 3 tiếng, không nên tập liên tục nhiều giờ.

9 dấu hiệu lão hóa tim khi còn trẻ được bác sĩ nhắc nhở, nhiều người đang gặp mà không hay - Ảnh 3.

Tập thể dục thể thao đối với những người tim mạch yếu cần lưu ý nhiều điều và tham khảo ý kiến bác sĩ (Ảnh minh họa)

- Chú ý đến lượng mồ hôi, bài tiết: Những người thường xuyên đổ mồ hôi, có cảm giác muốn đi tiểu, đi tiểu rất ít, tiểu ra máu hoặc cảm thấy rất yếu và mệt mỏi nên tránh các bài tập gây ra mồ hôi cũng như xông hơi, tắm bồn, tập yoga nóng… Bởi chúng có thể khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, thậm chí gây nguy hiểm.

- Khởi động là vô cùng quan trọng: Tất cả các bài tập nên được thực hiện từ từ, khởi động đúng cách. Đặc biệt với những người ngủ không ngon hoặc không có thói quen tập thể dục trước đó thì phải khởi động thật kỹ để tránh chấn thương. Khởi động giúp tim dần dần thích ứng với cường độ hoạt động và cải thiện khả năng chịu đựng khi tập thể dục thể thao, bao gồm cả trái tim.

Cuối cùng, Tiến sĩ Lý nhắc nhở, tập thể dục theo kế hoạch và từ từ thực sự có thể rèn luyện chức năng tim phổi của cả người khỏe mạnh lẫn lão hóa tim sớm. Nhưng hãy nhớ lắng nghe phản ứng của cơ thể, hướng dẫn từ chuyên gia để bạn trở nên khỏe mạnh hơn và không tự “rước họa vào thân”.

Nguồn và ảnh: Good Morning Health, QQ, Daily Mail

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày