Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông Y Hà Nội) cho biết, trong y học cổ truyền thịt gà có vị ngọt, tính ấm, không độc, có tác dụng ôn trung ích khí, bổ tinh tủy...
Nhắc đến gà là nhắc đến những phần thịt thơm ngon nhất ở phần đùi và ức, nhưng bên cạnh đó còn có rất nhiều bộ phận khác bổ dưỡng, bán giá rẻ hơn mà bạn đang bỏ qua ví dụ như mề gà, chân gà, tim gà...
Các bộ phận này tuy ít được để ý nhưng chúng được ví rằng "bổ bằng 3 vị thuốc", rất tốt cho các cơ quan bên trong cơ thể chúng ta. Không những vậy, tận dụng các bộ phận này của gà để chế biến thành các món đảm bảo rất ngon và thích hợp để đón khách vào dịp Tết này.
1. Mề gà - "tốt bằng 3 vị thuốc"
Mề gà (phần dạ dày của gà) là bộ phận ít được để ý nhưng chúng chứa một nguồn dinh dưỡng rất cao. Trong y học cổ truyền Trung Hoa xưa còn có câu nói: "Một mề gà bằng 3 vị thuốc".
Mề gà cung cấp lượng protein và axit amin dồi dào, rất có lợi cho sức khỏe. Bộ phận này của gà cũng rất giàu heme - loại sắt mà cơ thể dễ hấp thụ và xử lý nhất.
Mề gà là món ăn có lợi cho thận, nó có thể ngăn ngừa rối loạn chức năng thận. Đồng thời có lợi trong việc loại bỏ sỏi gan mật, trong các sách cổ Trung Quốc có ghi chép, mề gà khi đi qua bàng quang có thể giúp loại bỏ vật cứng và làm tiêu sỏi, điều trị bệnh tiểu lắt nhắt, tiểu không hết, gan mật có sỏi.
Lưu ý: Mề gà là bộ phận làm nhiệm vụ xay nhuyễn thức ăn để ruột tiêu hóa. Do đó, nó rất dễ tích tụ cặn bã, vi khuẩn, virus... Để phòng tránh bệnh tật thì cần làm sạch cho đúng, bằng cách dùng dao cạo sạch bẩn trên mề gà. Sau đó lấy muối trắng rửa sạch mề gà lần nữa. Nấu thật chín bộ phận này của gà trước khi sử dụng. Bệnh nhân gút cần kiêng ăn nội tạng gà vì thành phần có purin sẽ khiến bệnh thêm nghiêm trọng hơn.
Các món ngon từ mề gà: Mề gà xào sả ớt, mề gà xào hành tây, mề gà nướng, mề gà xào chua ngọt, mề gà xào bơ tỏi, mề gà chiên xù...
2. Tim gà - bộ phận bổ huyết, dưỡng khí
Nếu nhắc đến một bộ phận "độc nhất vô nhị" của con gà thì chắc chắn đó là tim. Mỗi con gà chỉ có một quả tim, vì thế đây là bộ phận rất quý báu và bổ dưỡng. Tim gà dễ chế biến, vị dai giòn ngọt, bạn có thể đem nướng, xào hoặc hầm đều rất ngon.
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, tim gà có tác dụng bổ huyết, dưỡng khí, có thể hỗ trợ điều trị chứng thiếu máu, da sạm, tay chân lạnh và nhiều bệnh khác.
Theo nghiên cứu của y học, tim gà chứa vitamin B12, một chất dinh dưỡng giúp hình thành tế bào hồng cầu và duy trì sự khỏe mạnh của hệ thần kinh. Bên cạnh đó, tim gà cũng chứa nhiều kẽm, hỗ trợ việc chữa lành vết thương và giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Tim gà cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa flavonoid, vitamin A... giúp chống lão hóa, làm giảm nếp nhăn, tăng độ đàn hồi cho da...
Lưu ý khi ăn tim gà: Nên chọn những quả tim có màu đỏ tươi, sáng, tránh mua tim gà màu quá nhợt nhạt hoặc thâm đen. Tim gà sau khi mua về cần rửa sạch với muối, phải loại bỏ lớp mỡ và lớp màng bọc bên ngoài tim trước khi chế biến. Người bệnh gút nên hạn chế ăn tim gà.
Các món ngon từ tim gà: Cháo tim gà, tim gà xào mướp, tim gà kho tiêu, hoa thiên lý xào tim gà, tim gà cháy tỏi, tim gà hấp, tim gà rim đậu hũ...
3. Chân gà - bộ phận giàu collagen bậc nhất
Với nguyên liệu là chân gà, các bà nội trợ có thể chế biến thành nhiều món ngon đãi khách như chân gà nướng, chân gà chiên mắm, chân gà rang muối… món nào cũng thơm ngon và khó có thể cưỡng lại.
Chân gà được bán giá rẻ, nhưng chúng cũng rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là hàm lượng collagen cao. Lượng collagen có từ chân gà có thể giúp giảm nguy cơ loãng xương bởi chúng có thể kích thích các tế bào tạo xương và giúp duy trì cấu trúc xương khỏe mạnh.
Khoa "Khoa học Động vật" tại Đại học Quốc gia Chung-Hsing ở Đài Loan cho rằng lượng collagen trong chân gà có tác dụng duy trì độ đàn hồi của da, giảm chảy xệ, tình trạng da khô và da nhăn nheo.
Lưu ý: Chân gà cần được sơ chế sạch sẽ trước khi ăn.
Món ngon ngày Tết từ chân gà: Chân gà rang muối, chân gà ngâm sả tắc, chân gà sốt cay Hàn Quốc, nộm chân gà rút xương, chân gà ngâm sả ớt, chân gà nướng sa tế, chân gà hấp tàu xì...