6 thói quen khi ngủ thường thấy ở những người trẻ lâu, sống thọ

Ngọc Ái, Theo Phụ nữ mới 19:03 27/06/2024

Giấc ngủ tác động rất lớn tới sức khỏe, tốc độ lão hóa và tuổi thọ của mỗi người.

Khi chúng ta ngủ, cơ thể sẽ được nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng, các cơ quan tự sửa chữa, tế bào được thay mới. Giấc ngủ cũng đảm bảo duy trì sự ổn định của đồng hồ sinh học, giải phóng hormone. Trong thời gian này, cơ thể sản sinh ra các cytokine, là các protein chống viêm. Nó cũng tạo ra một số kháng thể và tế bào miễn dịch giúp ngăn ngừa bệnh tật bằng cách tiêu diệt các vi trùng có hại. Đó là lý do mà giấc ngủ tác động rất lớn tới sức khỏe, tốc độ lão hóa và tuổi thọ.

Tuy nhiên, hoạt động ngủ ở mỗi người lại khác nhau. Những người khỏe mạnh, trẻ lâu, sống thọ thường có 6 thói quen khi ngủ sau đây:

1. Ngủ đủ giấc

Theo một nghiên cứu năm 2024 trên tạp chí QJM, giấc ngủ chất lượng có thể kéo dài tuổi thọ thêm 4,7 năm cho nam giới và 2,4 năm cho nữ giới. Trong đó, yếu tố hàng đầu của giấc ngủ chất lượng là phải ngủ đủ giấc. Nghiên cứu này kết luận bạn cần ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm, không tỉnh giấc giữa đêm ít nhất năm ngày mỗi tuần để sống thọ, trẻ lâu.

6 thói quen khi ngủ thường thấy ở những người trẻ lâu, sống thọ - Ảnh 1.

Ngủ sớm và ngủ đủ giấc là những yếu tố quan trọng nhất của giấc ngủ tốt cho sức khỏe, tuổi thọ (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, cũng không nên ngủ quá nhiều vì sẽ phản tác dụng, gây mệt mỏi và tăng nhiều nguy cơ bệnh tật khác. Tốt nhất là thời gian ngủ không nên vượt quá 10 tiếng mỗi ngày, bao gồm cả ngủ trưa ngắn.

2. Ngủ sớm, ngủ và thức dậy vào thời gian cố định

Các chuyên gia về sức khỏe cho rằng từ 21 giờ trở đi là thời gian cơ thể nên được nghỉ ngơi. Vì vậy, thời gian đi ngủ tốt nhất cho sức khỏe, tuổi thọ là sau 21 giờ và trước 23 giờ mỗi ngày. Đặc biệt là đối với sức khỏe tim mạch và hệ miễn dịch.

Đồng thời, hãy duy trì sự ổn định của đồng hồ sinh học bằng cách đi ngủ và thức dậy đều đặn vào một khoảng thời gian trong ngày. Tốt nhất là làm việc này kể cả cuối tuần và ngày nghỉ lễ, tránh ngủ nướng. Cơ thể sẽ càng biết ơn nếu bạn ngủ trước 23 giờ mỗi tối và thức dậy vào khoảng 6 - 7 giờ hàng ngày.

3. Không ăn trong 2 giờ trước khi đi ngủ

Theo các chuyên gia sức khỏe, không nên ăn tối quá muộn hoặc ăn khuya, tốt nhất là không ăn gì trong vòng 2 giờ đồng hồ trước khi đi ngủ. Nếu khoảng cách giữa lần ăn cuối cùng và giấc ngủ nhỏ hơn 2 giờ sẽ mang lại rất nhiều tác hại.

Đầu tiên, nó gây khó chịu, khó ngủ, mất ngủ do thức ăn chưa tiêu hóa hết. Tiếp theo là dễ bị trào ngược dạ dày, lâu dài có thể dẫn đến ung thư dạ dày. Hay làm tăng nguy cơ béo phì, rối loạn lipid máu, tăng đường huyết, bệnh tiểu đường, huyết áp cao và nhiều hội chứng chuyển hóa khác. Để trẻ lâu, sống thọ, tốt nhất hãy ăn tối trước 20 giờ và không ăn gì sau 21 giờ, để đảm bảo có thể ngủ vào khoảng 23 giờ mỗi ngày.

4. Chỉ ngủ sau khi đã chăm sóc răng miệng

Lười đánh răng, nhất là trước khi đi ngủ không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe răng miệng mà còn tác động xấu tới tim mạch do vi khuẩn, nhiễm trùng. Đồng thời, nó cũng có thể gây ra viêm viêm mãn tính và viêm mãn tính kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng với bệnh tật và chống lão hóa của hệ thống tự miễn dịch. Khi không thể đối phó với bệnh tật, nó có thể tăng tốc đẩy nhanh quá trình lão hóa của cơ thể.

Do đó, những người lão hóa chậm, sống thọ thường rất chú trọng tới vệ sinh răng miệng. Họ sẽ không bao giờ đi ngủ ban đêm nếu chưa làm sạch khoang miệng của mình với chỉ nha khoa, đánh răng, chải lưỡi và súc miệng.

5. Môi trường ngủ tối và thoáng

Môi trường ngủ rất quan trọng với giấc ngủ ban đêm nhưng lại ít người quan tâm tới vấn đề này. Trong đó, có 2 yếu tố quan trọng nhất là tối và thông thoáng nếu bạn muốn ngủ ngon, cơ thể khỏe mạnh.

6 thói quen khi ngủ thường thấy ở những người trẻ lâu, sống thọ - Ảnh 2.

Không nên ngủ với ánh sáng đèn hoặc thiết bị điện tử vì gây hại cho sức khỏe (Ảnh minh họa)

Hãy đảm bảo tối ưu cho môi trường ngủ càng tối càng tốt. Bạn không nên bật đèn ngủ hay để sáng màn hình thiết bị điện tử khi ngủ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ánh sáng khi ngủ, bao gồm cả ánh đèn được hắt vào cửa sổ cũng có thể tác động xấu tới sức khỏe. Trước khi đi ngủ ít nhất 1 tiếng, hãy tránh xa ánh sáng xanh. Cũng nên để phòng ngủ thông thoáng, nhất là vào mùa hè để không khí lưu thông. Không trồng cây, hoa trong phòng ngủ.

6. Có giấc ngủ trưa ngắn

Trong một ngày bận rộn, giấc ngủ trưa giúp nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng. Giấc ngủ trưa cũng giúp chúng ta khỏe mạnh hơn về cả thể chất lẫn tinh thần.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngủ trưa có thể làm giảm huyết áp, giảm gánh nặng cho tim và cải thiện khả năng miễn dịch. Đối với người cao tuổi, ngủ trưa còn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, chỉ nên ngủ 15 - 30 phút mỗi ngày và không ngủ ngay sau khi ăn trưa kẻo phản tác dụng.

Nguồn và ảnh: Sohu, Sleep Foundation

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày