Mùa hè là thời điểm tuyệt vời để thưởng thức các thức ăn tươi ngon, nhưng bạn có biết rằng đây cũng là thời điểm dễ gây ngộ độc nhất trong năm? Nguyên nhân là bởi mùa hè thời tiết nóng ẩm, vi khuẩn có xu hướng sinh sôi nhanh hơn. Theo CDC Hoa Kỳ, cứ 6 người lại có 1 người từng bị ngộ độc thực phẩm vào mùa hè và hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra do khuẩn Salmonella, Toxoplasma, Listeria và Norovirus.
Ngộ độc thực phẩm có thể gây ra triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt. Nguy hiểm hơn, vi khuẩn thương hàn Salmonella sẽ tạo nên các biến chứng nguy hiểm như chảy máu đường ruột, thủng ruột hoặc nhiễm trùng huyết.
1. Thịt xay
Thịt xay là món dễ hỏng nhất trong những ngày nóng bức, và nó cũng có nguy cơ cao đe dọa tính mạng của bạn do thịt có thể chứa vi khuẩn E. coli. Năm 2014, ở Mỹ có một đợt "làn sóng" ngộ độc thực phẩm liên quan đến thịt bò xay nhiễm vi khuẩn E. coli khiến 12 người từ 4 bang khác nhau gặp nạn.
GS. TS. Michael Schmidt, Khoa Vi sinh và Miễn dịch học tại Đại học Y Nam Carolina (MUSC) cho biết: "Thịt xay là phần thịt có nguy cơ ôi thiu, hỏng mốc cao hơn hẳn so với các loại thịt khác. Càng để lâu với số lượng nhiều thì thịt càng dễ hỏng".
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, thịt bò và thịt heo xay phải được nấu chín ở nhiệt độ thấp nhất là 71 độ C.
2. Rau mầm
Các loại rau mầm, rau sống thường được người Việt sử dụng chung với món gỏi, salad... ăn chống ngán ngày hè rất tốt, tuy nhiên loại rau này có thể tạo tiền đề cho ngộ độc thực phẩm xuất hiện.
Rau mầm luôn cần môi trường ấm và ẩm để phát triển, đây cũng là điều kiện lý tưởng cho sự sinh sôi của vi khuẩn, bao gồm cả Salmonella, Listeria và E. coli. Ngay cả những loại rau mầm được trồng trong điều kiện vệ sinh cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn có hại.
Chuyên gia cho rằng, các gia đình muốn sử dụng rau mầm cho món salad hoặc ăn kèm bánh mì, hãy cân nhắc việc xào hoặc hấp qua chúng. Rau mầm có thể dễ dàng chứa vi khuẩn và khi nó được bảo quản trong môi trường nóng ẩm của mùa hè, nguy cơ ngộ độc thực phẩm sẽ tăng lên gấp bội.
3. Hàu
Trong những chuyến du lịch mùa hè, hầu hết các gia đình đều háo hức thưởng thức món hàu nướng, hàu tươi sống béo ngậy. Tuy nhiên hãy cảnh giác vì món ăn này có thể gây ngộ độc thực phẩm. Hàu có thể bị nhiễm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus và Vibrio vulnificus.
Cả hai loại vi khuẩn này đều gây tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng ở những người khỏe mạnh. Đối với những người bị bệnh gan, tiểu đường, ung thư, rối loạn chức năng dạ dày hoặc bất kỳ bệnh nào khác ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, việc vi khuẩn Vibrio vulnificus đi vào cơ thể, xâm nhập vào máu đều nguy hiểm đến tính mạng. Một nửa số trường hợp nhiễm khuẩn huyết do Vibrio vulnificus đã tử vong.
4. Thịt gà
Một phân tích của Báo cáo Người tiêu dùng năm 2014 (Mỹ) cho thấy 97% tất cả các phần ức gà, kể cả loại hữu cơ, đều bị nhiễm vi khuẩn có hại nếu để quá lâu bên ngoài nhiệt độ phòng. Vi khuẩn trong thịt gà có thể nhân đôi sau mỗi 20 phút ở nhiệt độ phòng.
Lời khuyên của các chuyên gia là tốt nhất không trữ thức ăn trong khoảng nhiệt độ phòng, mùa hè nếu để thịt gà bên ngoài tủ lạnh hơn 2 giờ, tốt nhất nên vứt bỏ để tránh ngộ độc.
5. Sữa
Tờ Agroweb cho biết, sữa là một trong những thực phẩm rất dễ ôi thiu trong mùa hè, chúng có chứa vi khuẩn có tên Lactobacillus hoạt động và sinh sôi nhanh hơn vào mùa hè, có khả năng gây ngộ độc rất cao.
6. Trứng
Trứng là một trong những món ăn lành mạnh nhất hành tinh, nhưng nó cũng tiềm ẩn rủi ro ngộ độc rất cao vào mùa hè. Vỏ trứng có thể chứa Salmonella, loại vi khuẩn có thể khiến bạn ngộ độc, ngay cả khi vỏ trứng trông sạch sẽ và không bị vỡ. Salmonella khiến người bệnh bị tiêu chảy, nôn, sốt, chuột rút... và phải nhập viện cấp cứu. Để tránh nguy cơ này, CDC Hoa Kỳ khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng trứng và các sản phẩm từ trứng đã được nấu chín.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm và mắc bệnh lây truyền qua thực phẩm trong mùa hè, người tiêu dùng nên lưu ý trong việc lựa chọn thực phẩm, sơ chế, bảo quản và chế biến thực phẩm.
Hãy lựa chọn những thực phẩm còn tươi, có nguồn gốc, còn hạn sử dụng. Sau khi mua về, cần sơ chế, phân chia và bao gói thành các đơn vị nhỏ đủ dùng từng bữa trước khi cất trữ trong tủ lạnh.
Giữ tất cả thịt và rau sống của bạn trong tủ lạnh. Bảo quản thực phẩm sống và thực phẩm nấu chín ở các khu vực khác nhau của tủ lạnh vì vi khuẩn trên thực phẩm sống có thể làm hỏng các món ăn đã nấu chín.
Sữa tươi cần được cất vào tủ lạnh và để ở nhiệt độ từ 4 - 6 độ C. Khi để trong tủ lạnh, bạn cũng cần đậy chặt nắp bình sữa mỗi khi dùng xong, bởi sữa rất dễ bị nhiễm khuẩn.
Kiên quyết ném bỏ những quả trứng bị nứt vỏ hoặc có bề ngoài bẩn. Bảo quản trứng trong tủ lạnh ở 4 độ C hoặc lạnh hơn. Ăn trứng ngay sau khi nấu, không giữ trứng hoặc thực phẩm làm từ trứng ở nhiệt độ phòng trong hơn 2 giờ (hoặc 1 giờ nếu nhiệt độ phòng từ 32 độ C trở lên).
Nguồn: CDC, Agroweb, Huffpost