Xã hội hiện đại mang đến nhiều tiện ích nhưng cũng dẫn tới nhiều mối lo sức khỏe hơn. Do thay đổi từ môi trường tới lối sống, nhịp làm việc, thói quen ăn uống và vận động… Giữa guồng quay hối hả, những bài học sức khỏe từ quá khứ lại trở nên quý giá hơn bao giờ hết.
Theo Josephine Connolly-Schoonen, phó giáo sư lâm sàng về y học gia đình và giám đốc điều hành bộ phận dinh dưỡng tại Stony Brook Medicine (Mỹ), có 5 “bài học vàng” về sức khỏe từ những năm 1950 mà chúng ta có thể áp dụng dễ dàng trong cuộc sống hiện đại:
Trong những năm 1950, các gia đình thường trồng rau quả trong vườn nhà và cùng nhau chuẩn bị bữa ăn. Việc ăn ngoài chỉ dành cho các dịp đặc biệt. Ngày nay, thói quen ăn ngoài thường xuyên không chỉ làm tăng chi phí mà còn có nguy cơ tiêu thụ thực phẩm kém chất lượng. Connolly-Schoonen nhận định: “Khi ăn ngoài, chúng ta không kiểm soát được chất lượng nguyên liệu. Nhà hàng thường sử dụng dầu hạt rẻ tiền và chất làm đặc công nghiệp, làm giảm giá trị dinh dưỡng”.
Ảnh minh họa
Giải pháp không quá khó: Hãy bắt đầu bằng việc nấu ít nhất 2-3 bữa ăn tại nhà mỗi tuần. Không cần phải cầu kỳ, chỉ cần chọn nguyên liệu tươi ngon và chế biến đơn giản. Việc này giúp bạn kiểm soát lượng đường, muối và dầu mỡ, đồng thời gắn kết gia đình khi cùng nhau chuẩn bị bữa ăn.
Những năm 50, thực phẩm chủ yếu được chế biến tại nhà từ nguyên liệu tươi. Tuy nhiên, từ những năm 1970, thực phẩm siêu chế biến (UPF) bắt đầu phổ biến, chứa nhiều đường, muối và chất bảo quản. Các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn chứa nhiều UPF có thể tăng nguy cơ bệnh tim, tiểu đường và ung thư.
Để áp dụng bài học này, bạn có thể hạn chế thực phẩm đóng gói và chọn thực phẩm tươi sống. Connolly-Schoonen gợi ý: “Hãy chọn trái cây, rau củ, thịt cá tươi thay vì đồ ăn đóng gói sẵn. Nếu cần đồ ăn nhanh, hãy thử các loại hạt không tẩm gia vị hoặc sữa chua không đường” . Việc thay đổi này không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp vị giác trở nên tinh tế hơn khi quen với hương vị tự nhiên của thực phẩm.
Những năm 50, khẩu phần ăn nhỏ gọn và hợp lý hơn rất nhiều. Hiện nay, kích cỡ khẩu phần đã tăng đáng kể, đặc biệt là trong ngành công nghiệp thức ăn nhanh. Ví dụ, bánh mì kẹp thịt hiện tại lớn gấp ba lần so với những năm 50, và lon nước ngọt đã tăng từ 6,5 ounce lên 12 ounce.
Connolly-Schoonen nhấn mạnh: “Mọi người cần nhận ra giá trị của sức khỏe thay vì chạy theo sự tiện lợi của các phần ăn lớn” . Để thực hiện điều này, bạn có thể sử dụng đĩa nhỏ hơn khi ăn, chia bữa ăn thành nhiều phần nhỏ, hoặc đơn giản là dừng ăn khi cảm thấy vừa đủ no. Điều chỉnh khẩu phần không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn cải thiện tiêu hóa và giảm nguy cơ các bệnh mạn tính.
Những năm 50, trẻ em thường ra ngoài chơi và vận động nhiều hơn thay vì dán mắt vào màn hình. Ngày nay, ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ mà còn gây ra nhiều vấn đề về tâm lý và sức khỏe. Connolly-Schoonen cảnh báo: “Việc sử dụng thiết bị điện tử quá mức có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ tự nhiên và tăng nguy cơ béo phì”.
Ảnh minh họa
Để áp dụng bài học này, bạn có thể đặt thời gian sử dụng thiết bị mỗi ngày và duy trì ít nhất một giờ không màn hình trước khi đi ngủ. Thay vào đó, hãy thử đọc sách, đi dạo, hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời. Điều này không chỉ cải thiện giấc ngủ mà còn giúp giảm căng thẳng hiệu quả.
Vào những năm 50, gần một nửa số công việc yêu cầu lao động chân tay, giúp mọi người vận động nhiều hơn. Ngày nay, phần lớn công việc là ngồi văn phòng, đặc biệt sau đại dịch COVID-19 khi họp trực tuyến trở thành xu hướng phổ biến. Connolly-Schoonen lưu ý: “Việc ngồi quá lâu có thể dẫn đến các vấn đề về tim mạch và cơ xương khớp”.
Bạn có thể áp dụng bằng cách đứng dậy vận động sau mỗi giờ làm việc, đi bộ trong giờ nghỉ hoặc thậm chí sử dụng bàn làm việc đứng. Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể thực hiện các bài tập căng cơ đơn giản ngay tại bàn làm việc. Sự thay đổi nhỏ này có thể mang lại tác động lớn cho sức khỏe lâu dài.
Nguồn và ảnh: New York Post, Daily Mail