Đại tiện là một hoạt động của hệ tiêu hóa, nhằm đẩy hết chất cặn bã từ ruột già qua hậu môn. Một người có đại tiện trơn tru đồng nghĩa rằng hệ tiêu hóa và sức đề kháng hoạt động tốt, có khả năng phòng ngừa được nhiều loại bệnh tật. Đại tiện tưởng chừng chỉ là một nhu cầu sinh lý bình thường của mỗi người nhưng lại có thể gây nguy hại đối với sức khỏe nếu như chúng ta mắc phải những thói quen nguy hiểm dưới đây.
Cuộc sống bận rộn khiến chúng ta ngày càng có ít thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi, giải trí. Đó là lý do vì sao nhiều người thường tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi khi đi vệ sinh để sử dụng điện thoại, đọc vài tờ báo. Tuy nhiên, theo The Healthy, ngồi trên bồn cầu quá lâu có thể tạo áp lực nặng nề cho tĩnh mạch trực tràng, khiến các tĩnh mạch sưng lên vào tạo ra bệnh trĩ, bệnh sa niêm mạc trực tràng. Đặc biệt, phụ nữ khi ngồi lâu trên bồn cầu sẽ làm tăng cơ hội cho nhiều vi khuẩn xâm nhập gây nên các bệnh viêm nhiễm phụ khoa.
Trong nhiều trường hợp, bệnh trĩ thường chỉ xuất hiện trong vòng một tuần, có thể gây ngứa, khó chịu. Nhưng nếu bạn nhận thấy có máu đỏ tươi lẫn bên trong phân hoặc giấy vệ sinh, bạn cần gặp bác sĩ để chắc chắn rằng đó không phải là dấu hiệu của ung thư ruột kết hoặc một tình trạng nghiêm trọng khác.
Theo bác sĩ Yao Wei, Bệnh viện Đại học thứ ba Bắc Kinh, thời gian đi vệ sinh chỉ nên kéo dài trong vòng 3 phút. Không nên mang sách báo, điện thoại di động, máy tính bảng... vào nhà vệ sinh.
Rặn và nín thở để tống phân ra ngoài không chỉ làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch trực tràng, mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ, nứt hậu môn... vô cùng đau đớn.
Để giúp việc đại tiện diễn ra trơn tru hơn, Bệnh viện Mayo Clinic (hệ thống bệnh viện tốt nhất ở Mỹ) khuyên bạn nên tăng cường lượng chất xơ, uống nhiều nước và tăng cường hoạt động thể chất để làm tăng hoạt động của cơ trong ruột.
Các bệnh về đường ruột đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là ung thư với tỉ lệ mắc đứng đầu trong những căn bệnh nguy hiểm nhất. Thế nhưng bạn đã bao giờ để ý tới phân của mình chưa?
Phân màu vàng, mùi phân bình thường và có hình dáng cụ thể là dấu hiệu đường tiêu hóa tốt. Ngược lại nếu xuất hiện các dải phân mỏng, phẳng thì bạn nên cẩn thận. Rất có thể polyp hay các khối u đang dần xâm chiếm không gian ruột, làm không gian lưu trữ phân ít hơn và khiến phân bị thay đổi hình dạng. Ngoài ra, nếu bạn đi ngoài ra nhiều nước thì có thể bạn đang mắc các bệnh về đường tiêu hóa, ví dụ như viêm dạ dày ruột cấp tính và chứng khó tiêu.
Nếu thuộc nhóm người mắc bệnh tim, mạch máu não, huyết áp cao... bạn không nên đứng dậy ngay sau khi khi đại tiện vì dễ xảy ra hiện tượng thiếu máu não tạm thời, gây choáng, hoa mắt, té ngã, vô cùng nguy hiểm.
Nhiều người nghĩ rằng việc lau giấy vệ sinh từ sau ra trước hay trước ra sau đều không quan trọng, xong thực tế làm sai sẽ dễ dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu cho nữ giới. Thao tác lau vùng kín cho chị em đúng cách nhất là nên lau từ trước ra sau, điều này sẽ ngăn không cho vi khuẩn từ hậu môn di chuyển sang niệu đạo, âm đạo của phụ nữ.
Một số lưu ý cần nhớ để đi vệ sinh khoa học
1. Rửa tay ít nhất 30 giây sau khi đi vệ sinh: Cố gắng rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 30 giây để loại bỏ sạch sẽ vi khuẩn. Tay ướt dễ làm lây lan vi sinh vật, vì vậy tốt nhất bạn nên sử dụng khăn giấy khô dùng một lần để hút ẩm trên bề mặt da sau khi rửa tay.
2. Tốt nhất không nên đi vệ sinh quá 3 phút.
3. Cần đóng nắp các chai tẩy rửa. Nhiều gia đình cho rằng có nhà vệ sinh là kho chứa chất tẩy rửa, vì vậy thoải mái tích trữ, thậm chí không đóng nắp sau mỗi lần dùng. Thực tế, nhà vệ sinh là môi trường kín, nếu những chai tẩy rửa không được đóng nắp sẽ sinh khí độc, nguy hiểm cho người dùng.
(Nguồn: Aboluowang, The Healthy)