Xem Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè, ngoài việc được nhìn thấy những cảnh thiên nhiên đẹp ngút ngàn ở thị trấn ảnh Higashikawa, xôn xao những cảm xúc cùng câu chuyện nhiều bước ngoặt của cô gái Nhật Hạ trên xứ anh đào thì còn có thứ khiến khán giả nước ta ngạc nhiên: văn hóa ứng xử của người Nhật Bản.
Không phải tự dưng mà Nhật lại là quốc gia có cái gọi là "tài nguyên con người". Ở một xứ sở nghèo nàn về tài nguyên khoáng sản, lại còn bị ảnh hưởng bởi năng lượng hạt nhân từ những vụ đánh bom nguyên tử chấn động lịch sử nhưng đất nước vẫn phát triển mạnh thì chắc chắn thứ tài nguyên có tên là "con người" kia phải cực kì quan trọng.
Chúng ta vẫn hay nghe mọi người bảo rằng người Nhật rất có ý thức, luôn biết xếp hàng, luôn rất trật tự và kỉ cương. Không sai! Điều này vẫn có thể thấy khá nhiều trong các video phóng sự, những bài báo, thậm chí là những bộ phim. Nhưng, đó chưa phải là tất cả.
Nếu đã từng sang Nhật, hoặc giao tiếp với người Nhật, bạn sẽ thấy bất ngờ với văn hóa ứng xử của họ trong từng cử chỉ, hành động rất nhỏ. Chính cái ý thức rất lớn về cộng đồng, sự nề nếp trong sinh hoạt, biết tôn trọng sự riêng tư của người khác đã tạo nên những điều cực kì văn minh mà ban đầu có thể bạn sẽ thấy... hơi kì lạ!
Trong Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè, biên kịch và đạo diễn đã rất khéo léo truyền tải những điều này mà có thể bạn đã từng ngạc nhiên khi lần đầu tiên xem phim.
(Lưu ý, phần nội dung bên dưới có tiết lộ tình tiết phim. Cân nhắc trước khi đọc)
Ở phân đoạn Akira đưa Hạ đến nhà của bác Adachi - một nghệ nhân gốm - có chi tiết Hạ muốn chụp lại cảnh bác Adachi đang nặn một món đồ gốm, vì khung cảnh này cha của cô đã từng chụp lúc sinh thời. Nhưng khi Hạ vừa đưa máy lên, Akira đã ngăn lại và gọi bác Adachi để xin phép. Khi bác gật đầu, Akira mới để cho Hạ chụp.
Chắc chắn chi tiết này sẽ tạo ra 2 luồng phản ứng của khán giả nước ta trong rạp. Bản thân tôi đã từng nghe đâu đó tiếng hỏi "Chi vậy?" khi Akira xin phép Adachi vang lên trong rạp, đó là phản ứng đầu tiên. Thứ hai, chính là sự ngưỡng mộ về ý thức tôn trọng quyền riêng tư của người khác một cách nghiêm túc của người Nhật. Một số bạn bè của tôi cho biết họ muốn đứng lên và vỗ tay trong rạp ngay lập tức bởi chi tiết đó.
Cũng có lý do cả, hầu như người Việt Nam không được giáo dục kĩ lưỡng về vấn đề hình ảnh cá nhân. Chúng ta hay tự tiện chụp ảnh ai đó ngoài đường rồi đăng lên facebook, kể cả là để khen ngợi thì vẫn là chuyện không đúng. Chính những chuyện tưởng như bình thường đó mới dẫn đến những hệ quả xấu xí khác như chụp ảnh, quay phim trong rạp.
Clip: Akira xin phép trước khi chụp ảnh
Hãy như người Nhật nhé, chúng ta không muốn bị xâm phạm đời tư thì người khác cũng thế. Một câu xin phép chả mất gì.
Câu chuyện vứt rác lung tung ở nước ta chắc không phải nói nhiều nữa. Thảm cảnh cả "rừng rác" sau những buổi tụ tập cộng đồng luôn là hình ảnh đáng xấu hổ mà dường như chúng ta đang bất lực với việc diệt trừ nó. Bởi vì sao? Vì mỗi người chúng ta vẫn chưa có ý thức bảo vệ môi trường và cảnh quan mà chúng ta sống.
Đường sá Nhật lúc nào cũng sạch đẹp không có rác
Chúng ta vẫn nghĩ rằng mình chỉ cần giữ vệ sinh trong nhà cửa, cá nhân là đủ. Còn phố xá hay mấy khu vực công cộng thì có phải của mình đâu, mình không xả rác thì cũng sẽ có người khác xả! Chính vì thế mà ở bất cứ đâu ta vẫn có thể nhìn thấy rác!
Trong khi lúc Hạ đưa cho Akita tờ khăn giấy để lau tay xong thì anh chàng mở ngay chiếc túi đeo trước bụng để bỏ vào. Một cử chỉ nhỏ nhưng rất bình thường của người Nhật, không ai muốn làm phiền ai, rác của tôi thì tôi tự vứt, kể cả khi phải bỏ nó vào trong túi. Tôi còn nhớ trong một series truyền hình từng xem đã quên tên của Nhật, khi cô gái đứng trên cầu và tháo chiếc nhẫn cầu hôn của người yêu cũ ra, theo quán tính ai cũng nghĩ cô ấy sẽ vứt xuống sông (cũng rất nhiều bộ phim đã làm thế). Nhưng không, cô ấy xoay người lại và ném vào sọt rác.
Clip: Akira lau tay rồi bỏ khăn giấy vào túi
Mượn đồ đạc của ai đó là một chuyện khá thường nhật trong đời sống. Có thể chỉ đơn giản là mượn cây bút, mượn chiếc thẻ thang máy, hoặc chiếc điện thoại cầm tay. Nhưng có lẽ trong chúng ta ít ai có thói quen lau chùi món đồ ấy trước khi trả lại cho khổ chủ.
Trong phim, có cảnh Akira mượn chiếc điện thoại từ anh Kata để gọi, trước khi trả lại anh chàng lau sạch màn hình điện thoại. Đơn giản vì khi bạn áp phần kính điện thoại vào bề mặt tai, chắc chắn sẽ có mồ hôi, lau chùi sạch sẽ trước khi trả lại là một điều rất nên làm.
Clip: Akira lau điện thoại trước khi trả lại
Hãy để ý đến từng việc nhỏ nhặt như thế, nó sẽ khiến chúng ta trở nên đáng mến hơn trong mắt người khác đấy.
Bên cạnh những nét ứng xử rất văn hóa nói trên, Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè còn thể hiện khá rõ những cách thể hiện khá là đặc trưng của người Nhật Bản mà có thể nếu chưa quen, bạn sẽ thấy thật... rườm rà. Tất nhiên, đây không hẳn là những thứ mà chúng ta nên học theo, nhưng hiểu về nó thì sẽ thuận lợi hơn khi bạn phải giao tiếp hoặc sinh hoạt với người Nhật. Ví dụ như bản tính "ngoài lạnh, trong nóng".
Đây không phải là một nét ứng xử văn hóa hay ho đáng ca ngợi gì đâu, nhưng rất nhiều người Nhật có tính cách này, họi gọi là tsundere. Nhân vật Akira trong Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè chính là một người như thế.
Ví lý do cá nhân, vì chuyện buồn trong quá khứ mà Akira sắm cho mình một lối sống khép kín, lạnh lùng với mọi người xung quanh. Anh chàng không dùng điện thoại, không thích chụp ảnh người và chỉ rửa ảnh trắng đen. Lý do vì sao thì trong phim đã nói đến. Điều đang nói ở đây chính là bên trong sự vô tình đến nỗi "máu lạnh" của Akira (để một cô gái dắt 2 chiếc xe đạp chạy bộ theo mình cả con đường không "máu lạnh" thì là gì!?) là một trái tim ấm nóng, rất quan tâm người khác.
Thấy Hạ kéo vali chạy theo mình cả buổi, anh chàng đã xiêu lòng và quay lại giúp đỡ. Thấy Hạ không thích ăn hành, anh chàng đã lẳng lặng gắp hết hành sang tô mì của mình lúc cô nàng đi vệ sinh. Không chỉ thế, cái sự "ngoài lạnh, trong nóng" của anh chàng còn thể hiện một cách phức tạp thông qua nhân vật Duy Anh.
Không biết tiếng Việt, không dùng điện thoại, không thích giao tiếp, thế nên Akira chẳng biết làm cách nào để nói cho Hạ biết rằng cha cô ấy muốn ở lại Nhật, không cần đưa hài cốt về Việt Nam. Cho nên anh chàng đã cố tình đưa Hạ đến với cửa hàng tiện lợi mà cậu học trò người Việt môn nhiếp ảnh tên Duy Anh đang làm việc như một sự tình cờ, để Hạ "vô tình" gặp cậu chàng, nhờ cậu chàng làm thông dịch rồi Akira sẽ "mượn" miệng của Duy Anh để nói điều mà anh muốn nói.
Sự quan tâm của Akira thực sự hơi lòng vòng và phiền phức, còn dễ dàng tạo ra rất nhiều những hiểu lầm nhưng đó lại là tính cách rất phổ biến của người Nhật. Họ tôn trọng bạn nhưng sẽ luôn cố gắng giữ khoảng cách, vì họ tôn trọng cả sự riêng tư của bạn nữa. Cho nên thay vì gắp hành ra khỏi tô trước mặt Hạ, Akira mới tranh thủ lúc cô nàng vắng mặt là vậy đấy. Anh chàng không cần nhận công trạng "biết quan tâm", chỉ là vì anh quan tâm Hạ mà thôi.
Nếu Akira là một mẫu người Nhật điển hình vì sự thầm lặng thì Kata, anh chủ nhà trọ nơi Hạ tá túc, lại là một người Nhật nhiệt thành, sôi nổi. Anh thích nói đùa, hay làm những cử chỉ tếu táo nhưng vẫn là một người cực kì tinh tế, biết quan sát tình huống rồi mới hành động.
Kata-san
Trong văn hóa giao tiếp của Nhật Bản, có một quy tắc gọi là T-P-O (time: thời gian - place: nơi chốn - occasion: hoàn cảnh). Tức là khi nói chuyện với ai đó, bạn phải quan tâm đến thời điểm, nơi chốn và hoàn cảnh của người đối diện. Ví dụ, khi thấy đối phương đang có chuyện buồn thì bạn không thể hồn nhiên rủ họ đi vào bar, club. Có thể với người Việt chúng ta thì như vậy hơi cứng nhắc nhưng đó lại là cách mà người Nhật vẫn giao tiếp hằng ngày, họ luôn giữ sự riêng tư.
Dù Kata là một người vui tính, tếu táo nhưng khi thấy Akira cõng Hạ về nhà trong một đêm mùa hè, rồi ở lại chăm sóc vì cô nàng đang bị bệnh thì vừa sáng ra, Kata đã tìm cớ để ra ngoài, chừa cho hai người không gian riêng. Đến tầm trưa, khi về đến nhà, anh chàng cũng đứng bên ngoài chưa dám vào vì sợ làm phiền đôi trẻ dù căn nhà kia chính là của mình.
Hay như lúc Hạ hỏi địa chỉ của một ông lão đi ngang qua đường. Ông lão không biết nói tiếng Anh nên đã rất nhiệt tình dẫn Hạ đi đến tận nơi mà Hạ cần.
Clip: Hạ được ông lão dẫn đường
Văn hóa ứng xử, cách giao tiếp là những thứ chỉ thể tỏ tường nếu ta tìm hiểu về nó hoặc sống với nó đủ lâu. Chưa kể văn hóa Nhật còn là thứ rất khác biệt với những quốc gia khác. Thành thử, có nhiều chi tiết khiến khán giả cảm thấy thật phiền phức, khó hiểu khi xem Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè.
Nhưng Nhật Hạ chính là đôi mắt của khán giả, cô nàng cũng bất ngờ với con người Nhật Bản, những người bạn cô gặp ở Higashikawa để rồi thông qua Hạ, chúng ta thấy được cách mà người Nhật vận hành cuộc sống của họ và đối với người xung quanh.
Tất nhiên mỗi quốc gia mỗi nền văn hóa, người Nhật cũng có những tính xấu và không tốt. Nhưng những điểm tốt của họ thì chúng ta nên hiểu và học hỏi, chỉ để cuộc sống mình tốt lên mà thôi.
Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè đang công chiếu trên toàn quốc.