4 loại cá khoái khẩu của nhiều người nhưng dễ chứa cả “vựa” formaldehyde và kim loại nặng

Ngọc Ái, Theo Phụ nữ Việt Nam 00:00 17/03/2024
Chia sẻ

Ăn cá thường xuyên tốt cho sức khỏe nhưng không phải tất cả các loại cá hay mọi cách chế biến đều mang lại điều này.

Cá là thực phẩm lành mạnh chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng một số loại cá tiềm ẩn mối nguy hiểm đối với sức khỏe, chúng ta không nên ăn hoặc chỉ ăn ít. Ví dụ như những loại cá chứa nhiều kim loại nặng và formaldehyde.

4 loại cá khoái khẩu của nhiều người nhưng dễ chứa cả “vựa” formaldehyde và kim loại nặng - Ảnh 1.

Không phải tất cả các loại cá hay cách chế biến cá đều tốt cho sức khỏe (Ảnh minh họa)

Kim loại nặng là những loại kim loại có yếu tố nhiễm bẩn cao, dao động từ 3.5 đến 7g/cm3, những loại này rất độc hại hoặc độc ở nồng độ thấp. Phổ biến như thủy ngân, cadmium, asen, thallium, kẽm, niken, đồng, chì... Khi tiếp xúc hay xâm nhập vào cơ thể con người, chúng sẽ kìm hãm sự tăng trưởng và phát triển, tạo ra các tế bào ung thư, gây bệnh tự miễn dịch, tổn thương các cơ quan cũng như hệ thần kinh… nghiêm trọng hơn là gây ra tử vong.

Còn formaldehyde là một hợp chất hữu cơ, thường được dùng dưới dạng dung dịch trong sản xuất sản phẩm gia dụng, keo, vải chống nhăn, thuốc trừ sâu, thuốc sát trùng và diệt trùng, gỗ công nghiệp… Ở mức độ ít và nồng độ thấp, nó có thể không gây hại ngay tức thì, nhưng tích tụ lâu ngày sẽ tác động xấu tới sức khỏe con người. Phổ biến như tấn công và gây bệnh về hô hấp, bệnh về mắt, bệnh về bạch cầu, dị tật thai nhi, ung thư…

Vì vậy, nếu không muốn rước bệnh tật vào người, tốt nhất nên ăn ít 4 loại cá dễ là “ổ chứa” kim loại nặng và formaldehyde sau đây:

1. Cá nước ngọt to hơn bình thường quá nhiều

Nhiều người cảm thấy thú vị, ngon miệng hơn, thậm chí phấn khích khi được thưởng thức những con cá nước ngọt có kích thước từ lớn tới khổng lồ. Tuy nhiên, xét ở góc độ sức khỏe thì đây lại là trải nghiệm không tốt chút nào.

Formaldehyde hiện diện tự nhiên trong mô của cá biển và cá nước ngọt như một sản phẩm phụ của quá trình phân hủy trimethylamine oxide (TMAO). Một nghiên cứu tại Mỹ năm 2017 cho thấy mức độ formaldehyde trung bình trong cá nước ngọt cao tới mức 39,68 mg/kg. Mặc dù nồng độ này sẽ có sự khác nhau tùy theo loài nhưng các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cá nước ngọt càng lớn đột biến thì nguy chứa hàm lượng formaldehyde càng cao.

Chưa kể, mùi vị của những con cá nước ngọt quá to so với kích thước trung bình loài của chúng cũng không có vị hấp dẫn như nhiều người lầm tưởng. Ngoài formaldehyde còn tích tụ nhiều kim loại nặng và chất độc khác, nhất là nếu sống ở nguồn nước ô nhiễm.

4 loại cá khoái khẩu của nhiều người nhưng dễ chứa cả “vựa” formaldehyde và kim loại nặng - Ảnh 2.

Cá nước ngọt to bất thường dễ ẩn chứa formaldehyde và kim loại nặng (Ảnh minh họa)

2. Cá có mùi lạ

Nếu bắt được hoặc mua phải cá có mùi lạ, đặc biệt là mùi dầu hỏa thì bạn đừng tiếc rẻ mà rước bệnh vào thân. Tốt nhất là nên vứt bỏ ngay.

Bởi nếu cá có mùi dầu hỏa thì rất có thể do chúng sinh trưởng trong môi trường nước thải công nghiệp, có chứa nhiều kim loại nặng, dẫn đến việc cơ thể chúng chứa một lượng độc tố lớn. Chưa kể, nhiều người buôn bán cá còn sử dụng formaldehyde để cá trông tươi ngon hơn. Bởi chất này có tác dụng khử trùng và làm tăng màu sắc. Thường dùng để biến cá ươn thành cá tươi, bất chấp sức khỏe và đạo đức vì lợi nhuận.

Trong khi đó, ăn phải cá có ướp formaldehyde dù dùng trực tiếp lên cá hay trong nước đều có thể gây đau bụng dữ dội, nôn mửa, hôn mê, chấn thương thận và có thể tử vong. Do đó, ngoài mùi dầu hỏa, nếu thấy cá nhìn tươi mà có mùi hôi tanh khác thường, mùi hóa chất, thậm chí là cả mùi thơm khó hiểu thì cũng nên né xa ra và đừng ăn. Chúng có thể tiềm ẩn nhiều chất độc hại tàn phá sức khỏe của bạn cũng như cả gia đình.

3. Cá lớn ăn thịt sống dưới biển sâu

Một số loài cá biển sâu lớn như cá ngừ, cá hồi… tuy rất tốt và quý nhưng cũng nên ăn vừa phải, không ăn quá nhiều và hạn chế những con kích thước to lớn bất bình thường. Đặc biệt là không nên ăn hoặc chỉ ăn ít những loài cá hoang dã, ăn thịt dưới đáy biển.

Những loại cá này đứng đầu chuỗi thức ăn trong đại dương, ăn nhiều loại cá nhỏ và các sinh vật biển khác. Trong nước biển có một lượng thủy ngân và các kim loại nặng nhất định, cơ thể của từng loài cá cũng sẽ hấp thụ chúng. Do đó, các con cá ăn thịt lớn dưới biển sâu khi ăn cá nhỏ sẽ vô tình tích tụ thêm vào cơ thể chúng hàm lượng thủy ngân và các kim loại nặng cao hơn.

Các nhà khoa học tại Trường Y tế Công cộng Harvard (Mỹ) cũng đã thực hiện nghiên cứu về lợi ích của cá đối với sức khỏe và nhận thấy, các loài cá hoang dã như cá mập, cá kiếm, cá ngói, cá thu... thường chứa hàm lượng thủy ngân cao có hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu nhận thấy những loại cá này có khả năng chứa cả các chất ô nhiễm công nghiệp như dioxin, polychlorinated biphenyls (PCB)...

4. Cá sống trong bùn sâu

Nguyên nhân khiến cá nhiễm kim loại nặng không chỉ ở nguồn nước mà còn phụ thuộc vào thức ăn, môi trường cụ thể chúng sinh trưởng. Đó là lý do bạn nên hạn chế ăn các loại cá sống trong bùn lầy, sống càng sâu trong bùn nguy cơ gây hại cho sức khỏe khi ăn phải càng cao.

4 loại cá khoái khẩu của nhiều người nhưng dễ chứa cả “vựa” formaldehyde và kim loại nặng - Ảnh 3.

Ngoài kim loại nặng, cá sống ở bùn sâu dễ tiềm ẩn nguy cơ nhiễm ký sinh trùng gây hại (Ảnh minh họa)

Bởi vì các loại cá khác nhau sinh trưởng trong môi trường khác nhau và có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng cũng khác biệt. Những loại cá thích sống trong bùn đất như cá trình, cá trê... tuy có mùi vị thơm ngon nhưng chúng tiếp xúc lâu, thậm chí ăn cả bùn đất - nơi kim loại nặng tích tụ nhiều nhất.

Chưa kể, những loại cá sống ở bùn cũng dễ nhiễm ký sinh trùng hơn. Ngoài ăn điều độ, hãy nhớ luôn chế biến kỹ, hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi để đảm bảo sức khỏe.

Nguồn và ảnh: Aboluowang, Eat This, MSN

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày