Nếu cho rằng ăn uống “thả phanh”, theo sở thích mỗi dịp Tết chỉ khiến bạn hối hận vì tăng cân thì bạn đã lầm. Nó còn có thể mang tới rất nhiều hệ lụy sức khỏe khác, đặc biệt là đối với dạ dày. Đó là những gì Tiến sĩ Tu Ruisha, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa Bệnh viện Ung thư tỉnh Hải Nam, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán và Điều trị Phẫu thuật Xâm lấn Tối thiểu của Bệnh viện Chengmei Hải Nam (Hải Nam, Trung Quốc) nhắc nhở.
Trong đó, có 4 điều được xem là “cấm kỵ” với sức khỏe dạ dày, thậm chí có thể gây bệnh ung thư nhưng nhiều người làm hết ngày này qua ngày khác trong dịp Tết:
Ăn uống không đúng giờ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh dạ dày. Nhưng vì dịp nghỉ Tết Nguyên đán không bị bận rộn công việc, tiệc tùng nhiều… khiến nhiều người ăn uống thất thường, ăn không đúng bữa, bỏ bữa hoặc ăn quá nhiều bữa.
Nhiều người có thói quen ăn uống không đúng bữa, đúng giờ vào những ngày nghỉ Tết Nguyên đán (Ảnh minh họa)
Tiến sĩ Tu giải thích: “Khi ăn đúng giờ, dạ dày sẽ tiết dịch vị tiêu hoá thức ăn, nhưng nếu bạn ăn uống thất thường, dạ dày vẫn duy trì thói quen đó. Lặp lại khiến cơ chế cân bằng giữa sự tiết và bảo vệ bị rối loạn dẫn đến bệnh đau dạ dày. Chưa kể, sự thất thường về giờ giấc ăn này còn làm đồng hồ sinh học của toàn bộ cơ thể, khiến hệ miễn dịch suy yếu và dạ dày dễ bị mầm bệnh tấn công hơn.
Ngoài ra, khi axit dạ dày và enzyme có trong dịch vị không có thức ăn trung hòa, sẽ tự tiêu hóa chính niêm mạc dạ dày, gây hư hại niêm mạc dạ dày. Điều này dẫn tới các bệnh như đau dạ dày, viêm loét dạ dày, lâu ngày còn có thể gây ung thư dạ dày”.
“Rất khó để tránh xa hoàn toàn rượu bia trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng nên uống có giới hạn và tránh một số sai lầm khi uống gây hại dạ dày khác. Ví dụ như uống rượu bia khi bụng đói, pha trộn rượu bia theo sở thích, lạm dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc giải rượu…” - Tiến sĩ Tu nhắc nhở.
Bà giải thích, rượu bia làm phá hủy lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Không chỉ vậy, chúng làm tăng tiết acid gây phá hủy niêm mạc dạ dày, gây viêm loét và các triệu chứng như ợ hơi, ợ chua, đầy chướng, nóng rát, mất cảm giác thèm ăn. Theo WHO, đồ uống có cồn làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư khoang miệng, hầu họng, thanh quản, thực quản, gan và ung thư vú, ung thư dạ dày. Trong đó, rượu là loại đồ uống có cồn tỉ lệ gây ung thư cao nhất.
Điều quan trọng nhất là phải kiểm soát lượng rượu bia tiêu thụ. Theo các nghiên cứu, một người bình thường chỉ nên uống trong khoảng từ 10-30g cồn 1 ngày thì cơ thể hoàn toàn có thể tiêu hóa được, còn nếu uống trên 50g cồn thì sẽ gây hại cho cơ thể.
Tiến sĩ Tu chia sẻ: “Mặc dù các thực phẩm muối chua rất được ưa chuộng trong dịp Tết Nguyên đán nhưng việc tiêu thụ quá nhiều chúng rất hại cho đường tiêu hóa, nhất là dạ dày. Bởi hàm lượng muối trong thực phẩm muối chua cao, ăn quá nhiều sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày và dễ dẫn đến viêm dạ dày. Ngoài ra, các chất như nitrit, nitrosamine trong thực phẩm muối chua, nhất là rau củ muối cũng có thể gây tổn hại cho cơ thể và làm tăng nguy cơ ung thư.
Những món muối chua giúp chống ngán, tăng hương vị ngày Tết nhưng không nên ăn quá nhiều (Ảnh minh họa)
Không chỉ có vị chua, chúng còn chứa axit, khi vào cơ thể khiến dạ dày bị tăng dịch, nồng độ axit, gây viêm, sau đó là loét dạ dày. Thực phẩm chứa nhiều muối như đồ muối chua cũng nằm trong danh sách các loại thực phẩm gây ung thư dạ dày. Giải thích cho điều này, các nhà khoa học cho rằng, ăn mặn tạo điều kiện cho vi khuẩn HP phát triển, là nguyên nhân gây bệnh ung thư dạ dày hàng đầu”.
Vì vậy, bà khuyến nghị rằng nên kiểm soát lượng thực phẩm muối chua ăn mỗi ngày. Nếu muốn dùng nó để “chống ngán” khi Tết quá nhiều thịt cá, có thể dùng thêm rau củ tươi với các cách chế biến ít dầu mỡ.
Thêm một thói xấu hại dạ dày nhiều người mắc phải dịp Tết nữa là không tập trung khi ăn. Bởi những ngày này, chúng ta thường quây quần bên gia đình, tiệc tùng với bạn bè và trò chuyện trong khi ăn. Hoặc chỉ đơn giản là không thể bỏ lỡ chương trình hấp dẫn trên vô tuyến, sự giải trí thú vị trên chiếc điện thoại di động mà không thể tập trung ăn.
Nhưng theo Tiến sĩ Tu, đây là thói quen tưởng vô hại mà hại không tưởng với dạ dày. Bà nói: “Không tập trung vào bữa ăn khiến bạn bị giảm cảm giác ngon miệng, không nhai kỹ thức ăn nên không tốt cho tiêu hóa. Đồng thời, điều này gây ảnh hưởng đến quá trình tiết axit và enzyme để tiêu hóa thức ăn và khiến dạ dày của bạn gặp nhiều rắc rối, dễ mắc bệnh hơn.
Không tập trung khi ăn ngoài gây hại dạ dày còn dễ gây tăng cân (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, việc không tập trung vào bữa ăn có thể khiến bạn ăn nhiều hơn mà không biết. Những người không tập trung khi ăn cũng thường ăn vặt nhiều hơn sau bữa chính. Điều này có thể là do bản thân họ không nhận ra rằng mình đã ăn nhiều bao nhiêu trong suốt bữa ăn. Như vậy không những làm dạ dày quá tải, suy yếu mà còn làm tăng nguy cơ tăng cân, béo phì”.
Nguồn và ảnh: Sohu, Health 2.0, Lifetime