4 bất thường khi ngủ ban đêm cho thấy bệnh tim mạch đang “ẩn nấp” trong cơ thể

Ngọc Ái, Theo Phụ nữ Việt Nam 16:32 03/04/2023

Trái tim là một trong những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể người. Vì vậy, khi mắc bệnh tim mạch thì cơ thể sẽ phát ra nhiều tín hiệu bất thường, ngay cả trong giấc ngủ.

Chen Jiantian, cựu chủ tịch của Đại học Tim mạch Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết, dấu hiệu bệnh tim mạch thường rõ ràng hơn vào ban đêm nhưng lại bị nhiều người bỏ qua. Để lấy dẫn chứng, ông kể về một trường hợp bệnh nhân là một người phụ nữ trung niên họ Liu đi khám vì tức ngực, mất ngủ.

Cụ thể, bà thường bị tức ngực mỗi khi nằm xuống, thỉnh thoảng còn bị tỉnh giấc giữa đêm vì cơn tức ngực gây khó chịu. Bà vẫn âm thầm chịu đựng nó trong suốt mấy năm vì đơn giản cho rằng mình bắt đầu có tuổi nên hô hấp kém hơn. Cho đến khi cơn đau trở nên rõ ràng, ngày càng dữ dội và khiến bà Liu mất ăn mất ngủ bà mới chịu đi khám.

4 bất thường khi ngủ ban đêm cho thấy bệnh tim mạch đang “ẩn nấp” trong cơ thể - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bà luôn nghĩ rằng mình bị mắc bệnh gì đó liên quan đến phổi, nhưng thật không ngờ lại là bị hẹp động mạch vành. Lúc này, nhiều mạch máu trong tim của bà Liu đã bị hẹp nghiêm trọng, dẫn tới máu không đủ cung cấp cho cơ tim. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử cơ tim và tử vong.

May mắn là sau khi phẫu thuật kết hợp với kiên trì dùng thuốc, sức khỏe của bà Liu dần hồi phục. Qua trường hợp này, Tiến sĩ Chen Jiantian cũng muốn nhắc nhở tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi đều nên cẩn trọng với 4 bất thường khi ngủ rất có thể là dấu hiệu bệnh tim mạch sau đây:

1. Đau thắt ngực

Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra cơn đau thắt ngực, nhất là vào ban đêm khi ngủ.

Bởi vì đây là thời điểm máu trở nên nhớt hơn và khó lưu thông hơn. Nên nếu có bệnh về tim mạch vành thì quá trình này càng khó khăn hơn. Từ đó dẫn tới cơ tim bị ảnh hưởng, chức năng co bóp và bơm máu của tim bị rối loạn, gây ra những cơn đau thắt ngực, có thể đi kèm trạng thái tim đập nhanh.

Khi gặp trường hợp này lặp lại vài lần, chuyên gia y tế khuyến cáo cần nghỉ ngơi tuyệt đối, sau đó đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Vì nó cũng có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim cấp cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn tới đột tử.

2. Khó thở và cảm giác bị đè nén

Theo Tiến sĩ Chen, ban đêm ngoài việc máu trở nên nhớt hơn thì tư thế nằm cũng khiến tăng áp lực cho tim. Bởi vì khi nằm sẽ dẫn tới tăng lượng máu trở về tim, gây áp lực khiến tim phải co bóp mạnh hơn, đồng thời tăng mức độ tiêu thụ oxy của cơ tim. Với người khỏe mạnh sẽ không có vấn đề gì nhưng người có vấn đề tim mạch thì tim sẽ bị quá tải, dẫn tới cảm giác bị chèn ép vùng ngực và khó thở.

Các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch mô tả, đó là cảm giác giống như bị một tảng đá lớn đè lên ngực hoặc như bị ai đó dùng chân giẫm lên. Chưa đến mức đau đớn nhưng lại cực kỳ ngột ngạt, khó chịu. Đi kèm với nó thường là cảm giác khó thở, như thể bị tắc nghẽn ở cổ họng.

Triệu chứng này cũng là lý do khiến rất nhiều bệnh nhân tim mạch thường giật mình tỉnh giấc giữa đêm và rất khó để ngủ lại.

3. Khó ngủ, mất ngủ kèm lo lắng, toát mồ hôi

Trong khi những người có trái tim khỏe mạnh thường sẽ ngủ say, ngủ một mạch đến sáng thì người mắc bệnh tim mạch lại không thể như vậy. Họ sẽ thường gặp tình trạng khó đi vào giấc ngủ, hay tỉnh giấc bất ngờ hoặc tỉnh giấc nhiều lần, rất mệt mỏi khi thức dậy vào ngày hôm sau.

4 bất thường khi ngủ ban đêm cho thấy bệnh tim mạch đang “ẩn nấp” trong cơ thể - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Bởi tim sẽ phải đập nhanh hơn để bù đắp lại việc suy giảm chức năng bơm máu do vấn đề tim mạch. Đồng thời, chức năng tim mạch bị rối loạn cũng khiến việc bơm máu đến mọi cơ quan trên cơ thể bị rối loạn, nhất là não bộ. Đó là lý do nhiều người thường cảm thấy lo lắng, bồn chồn, hồi hộp bất thường chẳng vì lý do gì, đi kèm với nghe rõ nhịp tim đập của mình vào ban đêm như đánh trống.

Việc rối loạn bơm máu còn dẫn tới thiếu máu, toát mồ hôi. Chứng rối loạn thần kinh thực vật hay còn gọi là rối loạn lo âu, rối loạn thần kinh tim cũng khiến tay chân bị đổ mồ hôi nhiều hơn, phổ biến là từ bệnh suy tim. Từ đó khiến người mắc bệnh tim mạch khổ sở mỗi khi ngủ ban đêm.

4. Ho và buồn nôn, chân tay phù nề

Tiến sĩ Chen chia sẻ, nhiều người thường nhầm lẫn bệnh tim mạch với bệnh hô hấp là bởi chúng có một số triệu chứng ban đầu khá giống nhau. Bao gồm ho và khó thở, tức ngực.

Tuy nhiên, ho do bệnh tim mạch (phổ biến nhất là suy tim) sẽ không quá dữ dội nhưng lại dai dẳng, đi kèm buồn nôn. Ho cũng thường chỉ xuất hiện vào ban đêm, khi nằm xuống do bệnh tim mạch làm cho máu không được bơm đi nuôi cơ thể, đồng thời máu bị ứ lại ở phổi. Dịch, máu thoát mạch vào mô kẽ và vào các phế nang sẽ gây ra tình trạng ho. Cộng thêm tư thế nằm lại khiến tim khó hoạt động, chịu nhiều áp lực hơn trong khi máu thì trở nên nhớt hơn.

4 bất thường khi ngủ ban đêm cho thấy bệnh tim mạch đang “ẩn nấp” trong cơ thể - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Một số bệnh nhân tim mạch còn thường bị lạnh tay chân, phù nề tay chân mỗi khi ngủ ban đêm. Điều này cũng là do chức năng bơm máu đến các chi bị suy giảm. Trong khi nhiệt độ ban đêm thì thấp hơn ban ngày, hệ miễn dịch cũng thường suy yếu đi. Sưng, phù nề chi do bệnh tim thì thường xảy ra ở chân nhiều hơn so với tay. Thường liên quan đến hẹp động mạch, suy tim hoặc hở van tim. Nhưng dấu hiệu này sẽ tự suy giảm hoặc biến mất vào ban ngày do tư thế đứng thay vì nằm, vận động cũng nhiều hơn.

Nguồn vả ảnh: Aboluowang, World Heart Day, QQ