Rau là thực phẩm không thể thiếu để tạo nên chế độ ăn uống cân bằng và tốt cho sức khỏe. Ngoài chất xơ, chúng còn cung cấp đa dạng dinh dưỡng, khoáng chất và nhiều chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, những dưỡng chất này có thể bị suy giảm, thậm chí “biến mất” nếu bạn rửa hay nấu sai cách. Sau đây là 3 sai lầm khi rửa rau khiến càng rửa càng bẩn, lãng phí dinh dưỡng nhưng gần như ai cũng từng mắc phải một lần:
Nếu cho rằng ngâm rau củ lâu sẽ sạch hơn thì bạn đã sai lầm. Thực chất, đây là sai lầm càng làm rau củ càng bẩn, hao hụt dinh dưỡng.
Không chỉ rau củ, trái cây khi ngâm quá lâu cũng dễ làm hao hụt chất dinh dưỡng (Ảnh minh họa)
Bởi vì, không ít vitamin có trong rau dễ bị hòa tan trong nước. Như vậy khi chúng ta ăn rau chỉ là ăn chất xơ chứ không còn dinh dưỡng nữa. Bên cạnh đó, việc ngâm rau lâu trong nước có thể sẽ tạo điều kiện cho một số vi khuẩn, các loại chất bảo quản thực vật ở mặt ngoài xâm nhập ngược lại vào rau, gây ra nguy hiểm cho sức khỏe.
Thay vì ngâm rau lâu trong nước, chúng ta chỉ nên rửa rau dưới vòi nước, cọ nhẹ những phần có bám bùn đất cho đến khi rau sạch hẳn, làm như vậy vừa giúp loại bỏ chất bẩn và một phần dư lượng thuốc trừ sâu, vừa có thể hạn chế khiến rau bị mất chất.
Vì muốn đảm bảo vệ sinh hoặc đơn giản là thói quen, nhiều người thường cắt nhỏ rau củ rồi mới rửa khi nấu nướng. Nhưng ít ai biết rằng vitamin trong rau củ đã bắt đầu mất đi kể từ khi cắt, nhất là nếu bạn cắt quá nhỏ, băm nhuyễn.
Không nên cắt rau củ, đặc biệt là cắt quá nhỏ hoặc băm nhuyễn rồi mới rửa (Ảnh minh họa)
Với rau củ chưa cắt, chất dinh dưỡng đều được bọc trong thành tế bào, nếu rửa trực tiếp bằng nước lúc này chất dinh dưỡng sẽ không bị mất đi. Ngược lại, quá trình cắt thái, băm nhỏ làm nhiều tế bào bị vỡ, các vitamin bên trong không chỉ bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí và oxidase mà còn hòa tan vào nước và bị cuốn đi khi rửa.
Lượng vitamin bị hao hụt khi cắt rau rồi mới rửa, nhất là các loại rau giàu vitamin C là khoảng 20%. Con số này có thể tăng gấp nhiều lần sau khi cắt nhỏ bạn lại rửa kỹ hoặc ngâm trong nước lâu. Thay vào đó, hãy rửa sạch trước khi cắt và nấu ngay sau khi cắt để không lãng phí dinh dưỡng.
Đúng là ngâm rau củ trong nước muối loãng làm tăng hiệu quả làm sạch, rau củ giòn hơn so với nước thường nhưng nếu ngâm lâu, nước muối đặc thì lại phản tác dụng. Bản thân việc ngâm rau trong nước muối không có hiệu quả nhiều trong việc loại bỏ các hóa chất độc hại có trong rau, cũng không giúp diệt giun, sán hiệu quả bằng rửa rau dưới vòi nước chảy.
Ngoài ra, việc ngâm rau củ quả trong nước muối quá lâu hoặc trong nước muối quá đặc còn gây ra tác dụng ngược là nước muối hút lại các chất độc hại gây ảnh hưởng cho sức khỏe hay làm rau bị nhiễm mặn. Rau ngâm trong nước muối vô tình làm tăng hàm lượng muối bạn đưa vào cơ thể, về lâu dài không tốt cho tim mạch, gây tăng huyết áp. Nó cũng có thể khiến nhiều loại rau củ, nhất là rau lá xanh dễ bị nát, thay đổi mùi vị, thất thoát hết dinh dưỡng.
Thay vì ngâm lâu dù nước muối hay nước thường, hãy rửa rau củ dưới vòi nước chảy (Ảnh minh họa)
Để sử dụng nước muối đúng cách khi rửa rau củ quả, chúng ta nên pha loãng nước muối ở nồng độ khoảng 5% đặc biệt là với rau ăn sống. Dung dịch muối loãng sẽ giúp loại trừ những độc tố có trong rau tốt hơn nước muối đặc, và chỉ nên ngâm khoảng 3 - 5 phút. Sau đó vẫn nên rửa lại dưới vòi nước chảy để đảm bảo sức khỏe.
Nguồn và ảnh: Sohu, Family Doctor, Kknews