Chỉ còn nửa tháng nữa thế hệ iPhone 2019 sẽ chính thức ra mắt, fan hâm mộ toàn thế giới đang rất nóng lòng diện kiến thiết kế cuối cùng của Apple. Bên cạnh những niềm mong mỏi của nhiều rich kid sẵn sàng bỏ hàng chục triệu tậu ngay iPhone mới một cách nhanh nhất, rất nhiều người lại coi đây là dịp thích hợp để chọn cho mình một chiếc iPhone thuộc đời cũ hơn, bởi chắc chắn giá thành của chúng sẽ giảm mạnh đáng kể.
Tuy nhiên, giá rẻ hơn cũng không đồng nghĩa với một tương lai màu hồng rộng mở, bởi đó chỉ là một phần rất nhỏ mở đầu cho những góc tối lừa gạt dễ dụ của nhiều tay buôn gian xảo. Nếu có ý định mua một chiếc iPhone đời 2019 trở về trước
1. Máy trả bảo hành giả danh máy hàng chuẩn
iPhone trả bảo hành là những chiếc iPhone gặp lỗi trong thời hạn đổi trả hợp lệ, được Apple đồng ý hỗ trợ sửa chữa và thay thế. Nếu gặp lỗi không thể sửa hoặc khắc phục theo cách nhanh chóng thông thường, họ sẽ ngay lập tức đổi máy mới nguyên. Tuy vậy, trong trường hợp lỗi có thể sửa (bao gồm cả thay thế linh kiện như màn hình, camera...), Apple sẽ thực hiện và tiến hành lắp ráp lại "nguyên seal" như máy mới từ đầu, sau đó hoàn lại cho khách hàng. Đó là định nghĩa dễ hiểu nhất của những chiếc iPhone đổi/trả bảo hành.
Dĩ nhiên, iPhone trả bảo hành sẽ mất ít nhiều giá trị so với một mẫu iPhone mới tinh khi đem buôn bán. Không phải do iPhone trả bảo hành vẫn còn lỗi, mà bởi cái mác nghe không lọt tai, đồng thời cũng chịu tai tiếng bị tháo mở kể cả khi đó là tay nghề của Apple đảm bảo. Nhưng nếu là một tay buôn dày dạn kinh nghiệm, họ sẽ khó tiết lộ điều này cho người mua, chỉ nói sương sương rằng đây là hàng dùng lướt, còn rất mới và không vấn đề. Khi đó, giá trị thực sự của máy trả bảo hành sẽ được đẩy lên như hàng chuẩn, lời lãi đáng kể vào túi kẻ bán.
2. Máy Lock giả danh quốc tế
iPhone Lock trước đây từng là mặt hàng khá hot khi giá thành rẻ mà vẫn mang chất lượng chuẩn của Apple, nhưng chức năng lại bị hạn chế đôi phần do bị khoá mạng quốc tế. Hiện tại, Apple có khá nhiều động thái phát giác và chặn người dùng cố tình qua mặt họ dùng iPhone Lock trái phép nên sở thích mua iPhone Lock đã giảm rõ rệt. Thế nhưng, bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để dập tắt hết nhu cầu của một bộ phận người dùng vì mức giá nay còn bị ép rẻ hơn nữa do bị Apple gây áp lực, các tay buôn muốn đẩy hàng thanh lý nhanh hơn.
SIM ghép là cách thức mở khoá iPhone Lock phổ biến, ngoài ra vẫn còn một biện pháp "fake quốc tế" nữa tinh vi hơn.
Nhưng một rủi ro nữa lại ngấm ngầm ập đến, hướng vào những con mồi kém hiểu biết khi tìm mua iPhone. Một số trường hợp cho biết đã gặp phải những thợ bán không hề có tâm, rao hàng iPhone quốc tế chuẩn nhưng mua về mới vỡ ra đó là iPhone Lock trá hình - hay còn gọi với thuật ngữ "fake quốc tế" quen thuộc của dân buôn. Đến lúc đó thì mọi cách liên lạc đã bị chặn hết, gọi thì "thuê bao", nhắn tin thì đã block, chỉ còn biết trách mình không biết kiểm tra kỹ, bị lừa mua giá cao như hàng chuẩn trong khi lẽ ra iPhone Lock gốc rẻ hơn cả vài triệu đồng.
3. Máy đã thay mở, tráo đổi linh kiện
Trường hợp rủi ro cuối cùng này đã tồn tại từ nhiều năm nay, không kể thời điểm mỗi lần cận kề ra mắt iPhone mới hay khi giữa năm ảm đạm. Rất nhiều tay buôn có khả năng tự thay thế linh kiện iPhone khi có sự cố hỏng hóc nhất định, phổ biến nhất là màn hình và pin. Dù có rơi vào trường hợp nào đi nữa, giá trị và độ bền của máy sau khi thay sửa chắc chắn không thể đảm bảo nguyên vẹn 100% như máy mới. Nếu là một người mua "gà mờ", việc mua máy dựng tinh vi với giá như hàng chuẩn chắc chắn sẽ dễ xảy ra, là một cái bẫy ưa thích của nhiều kẻ bán kiếm lời.
- Với iPhone trả bảo hành được rao "khống":
Apple luôn có một động thái tác động vào thông tin máy đối với bất kỳ sản phẩm nào của mình. Tới khâu kiểm tra máy khi mua hàng, chỉ cần vào phần "About" (Giới thiệu) của iPhone trong Settings và tìm Model Number là câu trả lời sẽ được làm sáng tỏ. Việc còn lại là đối chiếu ký tự đầu tiên và so sánh với những quy tắc sau đây:
MxxxYY/A - ký tự M là hàng thương mại mới (hàng chính hãng).
NxxxYY/A - ký tự N là hàng Apple đổi trả bảo hành.
FxxxYY/A - ký tự F là hàng Refurbished hay còn gọi là CPO (đây là hàng Apple tân trang lại).
3xxxYY/A - ký tự đầu tiên nếu là Số (3) là hàng trưng bày tại các Store.
Ví dụ: Nếu iPhone có mã model MT7J3LL/A, vậy đây là hàng chính hãng gốc Mỹ (M: hàng thương mại chính hãng; LL: gốc thị trường Mỹ) và có thể tin tưởng. Còn với 3 trường hợp còn lại, hãy ngay lập tức dè chừng và đừng vội tin nếu người bán một mực khẳng định rằng đó là hàng chuẩn.
Hàng trưng bày mẫu trong các cửa hàng (ký tự mã số 3 đứng đầu) cũng không hề đáng tin để mua bởi chất lượng đã bị hao mòn trong quá trình bày hàng dùng thử.
- Với iPhone Lock giả danh quốc tế:
iPhone Lock hiện nay rất kị việc reset máy hoàn toàn, khôi phục cài đặt gốc. Lý do là bởi điều đó sẽ phá hỏng những quy trình qua mặt Apple được các tay buôn cài đặt vào trước đó để giúp sử dụng máy Lock thoải mái và tự do gần như máy quốc tế chính hãng. Vì vậy, chỉ cần thử reset máy ở mức độ cao nhất (dòng reset thứ 2 từ trên xuống trong Settings) và xem phản ứng sau khi hoàn thành là có thể chắc chắn mình chọn nhầm hàng Lock trá hình hay không.
- Với iPhone hàng dựng đã thay sửa:
Khía cạnh này tưởng như quen thuộc nhất nhưng lại là bài toán đau đầu nhất, bởi không có bất kỳ một biện pháp đảm bảo chắc chắn sẽ giúp phát hiện 100% hàng rủi ro. Tất cả phụ thuộc vào mắt nhìn tinh nhạy, kinh nghiệm mua bán cũng như cả uy tín người bán được lựa chọn từ trước. Tốt hơn hết, hay đi cùng một người có hiểu biết cao về lĩnh vực này nếu như không tự tin về tay nghề tự thân kiểm tra của mình khi mua hàng.
(Tổng hợp)