3 bí quyết đơn giản từ cựu đặc nhiệm SEAL có thể xua tan căng thẳng đầu óc, rất cần cho ai mệt mỏi, chán nản vì dịch Covid-19

Ngọc Hà, Theo Báo Dân Sinh 02:00 12/04/2020

Cảm giác căng thẳng và ngột ngạt khi ở trong một chiếc tàu ngầm mini cũng giống như những gì mà đại dịch Covid-19 đang khiến chúng ta cảm nhận lúc này. Cựu đặc nhiệm Hải quân SEAL và nhà khoa học thần kinh dưới đây sẽ tiết lộ cho bạn những nguyên tắc đơn giản nhằm xua tan cảm giác lo lắng, bất an.

Phải đứng chen chúc phía sau một chiếc tàu ngầm mini cùng với 3 đặc nhiệm SEAL cao to, cùng hàng loạt vũ khí, radio và đồ dùng, bạn sẽ không có chỗ để cử động, chứ đừng nói đến chuyện thoải mái. Mọi thứ thật ẩm ướt, lạnh lẽo, tối tăm và chật chội. Bạn không biết chuyến đi này sẽ kéo dài bao lâu. Khoảng 1 tiếng sau, bạn cảm thấy say sóng, và nơi duy nhất để bạn nôn ra chính là bên trong chiếc mặt nạ mà bạn đang dùng để thở.

Sau 2 tiếng không thể duỗi tay chân, bạn chỉ có thể chịu đau và chờ đợi nó hết. Sau 3 tiếng, bạn bắt đầu nghĩ mọi thứ đang nhảy múa trước mắt mình. Sau 4-5 tiếng, tàu ngầm xuống tới đáy biển, cách đất liền hàng trăm mét và đây mới là lúc bạn được ra ngoài và làm việc.

Áp lực khi mang thai cặp sinh đôi suốt 9 tháng 10 ngày, khi bắt đầu gây dựng công ty, hay khi phải đối phó với đại dịch Covid-19 đang rình rập xung quanh cũng bức bối không kém gì cảm giác của tôi trong chiếc tàu ngầm ấy. Không ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra vào tuần sau, tuần sau nữa, thậm chí là 2 tháng sau nữa. Muốn giảm thiểu bớt áp lực, bạn sẽ cần tới một tư duy đặc biệt.

Đặc nhiệm hải quân SEAL là những người sở hữu tư duy này, nhưng họ không phải tự nhiên mà có. Có một nghịch lý trong quá trình huấn luyện SEAL, đó là những ứng viên to con nhất, nhanh nhất, mạnh khỏe nhất thường là những người đầu tiên bỏ cuộc. Tương tự, sức mạnh thể chất hay năng lực bẩm sinh không thể giúp bạn vượt qua thời kỳ khó khăn này. Thay vào đó, bạn nên học tập những nguyên tắc dưới đây của SEAL - thứ không chỉ giúp bạn sống sót qua thời điểm thử thách này mà còn trưởng thành hơn trong nhiều tuần, nhiều tháng hay thậm chí là nhiều năm tới.

Khi cảm thấy quá sức chịu đựng, hãy thay đổi mục tiêu đề ra

3 bí quyết đơn giản từ cựu đặc nhiệm SEAL có thể xua tan căng thẳng đầu óc, rất cần cho ai mệt mỏi, chán nản vì dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Cảm giác choáng ngợp là hậu quả của việc thực hiện quá nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Bằng cách giảm số lượng nhiệm vụ, bạn có thể giải phóng áp lực đang đè nặng lên vỏ não trước (khu vực chịu trách nhiệm lên kế hoạch và hành động), cũng như giảm bớt cảm giác hoảng loạn.

Quan trọng không phải là bạn làm được bao nhiêu, mà bạn hoàn thành đúng những gì bạn biết mình có thể thực hiện. Một thử thách không tưởng có thể trở nên dễ dàng hơn nếu bạn biết chia nhỏ nó ra. Nhiệm vụ càng nhỏ, bạn càng dễ hoàn thành và não bộ cũng bớt cũng bớt bị quá tải.

Đây cũng chính là những gì các ứng cử viên SEAL sẽ làm trong “Tuần lễ Địa ngục” - nơi họ được yêu cầu phải tỉnh táo trong cái lạnh và ướt suốt nhiều ngày liên tiếp. Nhìn tổng thể, Tuần lễ Địa Ngục là một thứ quá áp lực. Tuy nhiên, những người biết chia nhỏ tuần lễ này ra thành các khoảng thời gian có kiểm soát sẽ dễ thành công hơn cả. Đôi khi, họ chỉ cần cố gắng vượt qua ngày hôm đó, hoặc cố gắng đến bữa ăn tiếp theo, hoặc chỉ đơn giản là cố tồn tại thêm 5 phút nữa.

Thay vì nghĩ xem mình nên làm gì cả ngày, bạn hãy tập trung vào nhiệm vụ mà bạn biết mình có thể hoàn thành trong 5-10 phút nữa. Nguyên tắc này có thể áp dụng trong bất cứ tình huống khó xử nào, dù là bạn phải làm việc xung quanh con cái, hay vợ chồng, cha mẹ bạn cảm thấy lo lắng, hoặc bạn bị giảm thu nhập…

Khi cảm thấy bất lực, hãy hành động 

3 bí quyết đơn giản từ cựu đặc nhiệm SEAL có thể xua tan căng thẳng đầu óc, rất cần cho ai mệt mỏi, chán nản vì dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Cảm giác bất lực bắt nguồn từ sự thiếu kiểm soát trong nhận thức. Dopamine phân tử - nổi tiếng với vai trò đem lại cảm giác dễ chịu - cũng góp phần làm gia tăng mức năng lượng và ý thức về khả năng. 

Dopamine không chỉ được giải phóng khi bạn hoàn thành tốt một công việc mà cả khi bạn cảm thấy phấn khích và hoàn thành mục tiêu. Khi bạn mất kiểm soát trong tích tắc, điều này cản trở quá trình giải phóng dopamine, khiến bạn càng thêm bất lực. Do đó, khi cảm thấy bất lực, bạn phải tiến về phía trước. Bằng cách hành động, bạn huấn luyện não bộ lặp lại hành vi giải phóng dopamine, tăng cường mức năng lượng và tác động đến cách bạn suy nghĩ, từ đó khiến cho bạn lấy lại cảm giác kiểm soát.

Khi đặc nhiệm SEAL mất kiểm soát, họ sẽ tự giác hành động, chuyển toàn bộ sự chú ý vào một nhiệm vụ nào đó trong tầm tay, chẳng hạn như kiểm tra lại trang thiết bị 3 lần trước khi nhảy dù khỏi máy bay vào buổi đêm. Hoặc theo Đô đốc William McRaven - Cựu Chỉ huy Đội Tác chiến Đặc biệt, khi bị kẹt trong bùn, hãy hát.

Chỉ cần đọc một tin tức tiêu cực về Covid-19 là đủ để bạn cảm thấy bất lực, chưa nói đến chuyện mất việc, bị kẹt trong nhà nhiều ngày, phải làm việc trong môi trường thiếu an toàn… Để thay đổi tâm trạng và lấy lại cảm giác kiểm soát, bạn nên thực hiện những việc đơn giản như đọc sách cho con, uống cà phê, nhắn tin với bạn, giặt quần áo. Sau đó, bạn mới tính đến bước tiếp theo. 

Khi cảm thấy cô đơn, hãy giúp đỡ người khác

3 bí quyết đơn giản từ cựu đặc nhiệm SEAL có thể xua tan căng thẳng đầu óc, rất cần cho ai mệt mỏi, chán nản vì dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Cảm giác cô đơn bắt nguồn từ việc não bộ tiêu tốn quá nhiều năng lượng để tích tụ cảm xúc và suy nghĩ nội tại của bạn. Việc giúp đỡ người khác sẽ giúp bạn cân bằng lại sự chú ý dành cho bản thân và thế giới bên ngoài. Ngoài ra, việc này cũng sẽ kích hoạt các mạng nơ-ron có chức năng giải phóng các chất hóa học như oxytocin hay serotonin (có tác dụng tạo cảm giác hạnh phúc, yêu thương), cũng như ngăn ngừa các chất hóa học gây tổn hại hệ miễn dịch và gia tăng cảm giác sợ hãi.

Càng căng thẳng, các đặc nhiệm SEAL lại càng tập trung vào nhu cầu của nhóm và đồng đội. Dù đang chen chúc trong tàu ngầm mini, vác một khúc gỗ to bằng cái cột điện thoại hay đối mặt với cái chết của đồng đội, họ cũng tập trung đáp ứng nhu cầu của người khác để giúp đội hoạt động hiệu quả hơn, cũng như giảm bớt sự căng thẳng mà bất cứ đồng đội nào đang cảm thấy.

Dù đang ở một mình hay chỉ là cô đơn trong những ngày cách ly xã hội, chúng ta đang cảm thấy bị cô lập hơn bao giờ hết. Vì thế, hãy cố gắng giúp đỡ người khác, dù là qua điện thoại, tin nhắn, hay thư tay, hoặc thậm chí là nướng bánh quy rồi mang sang đặt trước cửa nhà hàng xóm. Giúp đỡ mọi người không chỉ làm sâu sắc thêm mối liên kết về mặt tinh thần, mà còn cả về mặt hóa học. Những chất hóa học trong não sẽ làm thay đổi cách bạn nhìn nhận bản thân và thế giới này.

Bài chia sẻ của Andrew Huberman - GS ngành sinh lý học thần kinh tại Trường ĐH Y Stanford - và Pat Dossett - cựu đặc nhiệm Hải quân SEAL, kiêm CEO của Madefor.

(Theo Fast Company)