Có 2 loại hạt được ví như "vua chống lão hóa" mà phụ nữ nên ăn hàng ngày. 2 loại hạt này không chỉ tốt cho làn da, mái tóc mà còn có nhiều lợi ích đáng ngạc nhiên khác đối với sức khỏe như tốt cho tim, huyết áp, sức khỏe xương và hệ miễn dịch:
Năm vừa qua, kẹo táo đỏ kẹp sữa lạc đà hay táo đỏ kẹp hạt điều "nổi lên" được rất nhiều người săn đón như một thức ăn vặt tốt cho sức khỏe. Táo đỏ là vị thuốc quen thuộc trong y học cổ truyền. Theo đó, các tài liệu đông y ghi nhận dược liệu đại táo có vị ngọt, tính bình có công dụng bổ trung, cường lực, ích khí, trừ phiền muộn, dưỡng tỳ, bình vị khí, giải độc...
Y học hiện đại chỉ ra rằng, táo đỏ giàu vitamin, khoáng chất nhưng lại ít calo và là nguồn cung cấp dồi dào các hợp chất có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ như flavonoid, polysaccharides và axit triterpenic.
Chất chống oxy hóa là những chất có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm các loại tổn thương tế bào, bao gồm cả tổn thương do các hóa chất gọi là gốc tự do gây ra. Cơ thể, làn da chúng ta tiếp xúc với các gốc tự do từ ô nhiễm không khí, khói thuốc lá và ánh sáng mặt trời đồng thời cũng tạo ra các gốc tự do trong quá trình trao đổi chất bình thường.
Như vậy có thể thấy ăn táo đỏ có lợi trong việc làm chậm tốc độ lão hóa của cơ thể do các gốc tự do gây ra. Kết hợp với vitamin C trong đó, ăn táo đỏ giúp làn da trở nên sáng bóng, khỏe mạnh, giảm nếp nhăn hiệu quả.
Một ngày nên ăn mấy quả táo đỏ để tốt cho sức khoẻ? Mỗi ngày bạn chỉ nên ăn từ 3 - 4 quả táo đỏ kích cỡ trung bình, 4 - 5 quả nếu quả nhỏ. Táo đỏ có thể ăn trực tiếp hoặc để pha trà táo đỏ kết hợp với kỷ tử cũng rất tốt cho sức khỏe và sắc đẹp.
Hạt vừng đen nổi tiếng là loại hạt giàu khoáng chất đa lượng và vi lượng cùng nguồn chất chống oxy hóa phong phú. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, hạt vừng thông thường đều chứa các chất chống oxy hóa và hóa chất thực vật lành mạnh, nhưng dường như hạt vừng đen lại là nguồn chất chống oxy hóa đặc biệt phong phú hơn. Các hợp chất này có thể kể đến như các phenylpropanoid, nhất là các lignans gồm hai thành phần sesamin, sesamolin và sesamol.
Tất cả các hợp chất có đặc tính chống oxy hóa này đều được chứng minh là có lợi cho việc ngăn ngừa các tổn thương cơ thể do gốc tự do gây ra, làm chậm quá trình lão hóa, ngăn ngừa bệnh tim mạch, giảm huyết áp, chống ung thư,...
Bên cạnh đó, các khoáng chất có nhiều trong hạt vừng đen như kẽm, sắt, axit béo không bão hòa omega-3 và omega-6 đều có lợi trong việc duy trì tình trạng khỏe mạnh của tóc và da như cải thiện độ ẩm cho tóc, giảm tình trạng khô yếu tóc, kích thích nang tóc phát triển; sản xuất collagen cần thiết cho sự đàn hồi và cấu trúc của da cũng như giảm nguy cơ bị mụn trứng cá.
Ăn bao nhiêu vừng đen mỗi ngày là đủ? Điều quan trọng là vừng đen rất dễ dàng được thêm vào chế độ ăn. Chính bởi các lợi ích tốt cho sức khỏe của hạt vừng đen nên một số người có xu hướng tiêu thụ nhiều vừng đen hơn trong chế độ ăn hàng ngày. Tuy nhiên, theo Đông y hạt vừng đen có tính bình (có sách ghi là tính hàn), vị ngọt. Mỗi ngày chỉ nên tiêu thụ từ 15 - 20 gam vừng đen. Ăn quá nhiều vừng đen có thể dẫn tới tiêu chảy, mất cân bằng dinh dưỡng,...
Nguồn: WebMD, Healthline