19 tháng, 126 người đàn ông bị bướu tinh hoàn đến bệnh viện ở TP.HCM cầu cứu

Hoàng Lê, Theo Trí thức trẻ 18:05 09/04/2018

Chỉ từ tháng 1/2016 đến tháng 10/2017, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) ghi nhận đến 126 trường hợp bệnh nhân đến khám vì bướu tinh hoàn. Đáng chú ý, đa phần trong số họ còn rất trẻ.

Thông tin này được bác sĩ Lê Vũ Tân, khoa Nam học, Bệnh viện (BV) Bình Dân cung cấp trong báo cáo khảo sát các trường hợp bướu tinh hoàn tại BV.

Cụ thể, ghi nhận từ tháng 1/2016 đến tháng 10/2017, có 126 trường hợp bướu tinh hoàn đến BV Bình Dân thăm khám, độ tuổi trung bình là 30,6 tuổi.

Trong đó 14 trường hợp đến khám vì bìu trống, có thể có hoặc không kèm theo khối u ở bụng. Kết quả giải phẫu bệnh là ung thư tinh hoàn ẩn. 112 người còn lại đến BV vì sờ thấy khối to, không đau bên trong bìu.

19 tháng, 126 người đàn ông bị bướu tinh hoàn đến bệnh viện ở TP.HCM cầu cứu - Ảnh 1.

Ung thư tinh hoàn ngày càng trẻ hóa.

Đa phần các trường hợp này đến khám ở giai đoạn sớm, bao gồm 86 người chẩn đoán ở giai đoạn 1, 24 người giai đoạn 2 và 16 trường hợp giai đoạn 3.

Theo bác sĩ Tân, bướu tinh hoàn khá hiếm gặp. Tuy nhiên đa phần bướu tinh hoàn ác tính và thường phát sinh ở độ tuổi từ 20-40.

"Ung thư tinh hoàn chiếm 1% tất cả các khối u ác tính và khoảng 5% trong ung thư đường niệu sinh dục ở nam giới. Các nghiên cứu ghi nhận nam giới có tinh hoàn ẩn có nguy cơ ung thư gấp 4 đến 6 lần so với các trường hợp bình thường. Nguy cơ ung thư sẽ giảm còn gấp 2 và 3 lần nếu các trường hợp này được phẫu thuật hạ tinh hoàn xuống bìu trước khi dậy thì" – bác sĩ phân tích.

19 tháng, 126 người đàn ông bị bướu tinh hoàn đến bệnh viện ở TP.HCM cầu cứu - Ảnh 2.

Một ca phẫu thuật thị phạm được truyền tiếp từ phòng mổ tại Hội nghị Khoa học công nghệ, BV Bình Dân (TP.HCM).

Dù vậy các bác sĩ cho biết, ung thư tinh hoàn có khả năng chữa khỏi rất cao, đặc biệt là ở giai đoạn sớm. Các bác sĩ khuyên nam giới để phát hiện sớm bệnh có thể tự "khám" tinh hoàn.

Đồng thời theo dõi các triệu chứng nghi ngờ ung thư tinh hoàn như: tăng kích thước của bìu, nặng bìu, sờ thấy khối u tinh hoàn không đau, nổi hạch bất thường vùng bẹn, hạch cổ, đau bụng (đối với những trường hợp có tinh hoàn ẩn). Từ đó đến cơ sở y tế có chuyên khoa nam học để thăm khám và can thiệp kịp thời.

Cách "khám" tinh hoàn để phát hiện bất thường:

- Đứng trước gương xem có sưng ở vùng tinh hoàn không. Có thể kiểm tra bất cứ lúc nào cảm thấy thuận lợi, đơn giản nhất là kiểm tra sau mỗi lần tắm.

- Kiểm tra tinh hoàn bằng hai tay, ngón giữa ở dưới và ngón cái ở trên tinh hoàn.

- Nắn nhẹ nhàng hai bên tinh hoàn, đừng quá lo lắng nếu thấy tinh hoàn hai bên không đều nhau vì đó là bình thường.

- Kiểm tra mào tinh hoàn. Đây là một ống mềm nằm phía sau tinh hoàn có nhiệm vụ chứa tinh trùng.

- Vị trí phổ biến nhất của u tinh hoàn là phía hai bên, cũng có thể ở phía trước.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày