Sườn heo (sườn lợn) là nguyên liệu quen thuộc trong nhiều món ăn, từ sườn rim, sườn hầm đến canh sườn. Tuy nhiên, nếu không biết cách xử lý đúng, sườn có thể bị hôi, cứng, khô hoặc không thấm gia vị. Không ít người than phiền rằng dù đã nấu lâu nhưng sườn vẫn dai hoặc có mùi lạ khó chịu. Bí quyết nằm ở cách sơ chế và nấu đúng chuẩn. Chỉ cần ghi nhớ nguyên tắc “1 thêm, 3 tránh”, bạn sẽ có món sườn hoàn hảo, mềm ngọt, thơm ngon.
Nhiều người thường rửa sườn qua nước rồi nấu ngay mà không chần sơ, khiến mùi hôi và tạp chất vẫn còn bám trên thịt, làm ảnh hưởng đến hương vị món ăn. Chần sườn là bước quan trọng giúp loại bỏ mùi tanh, cặn bẩn và làm sườn sạch hơn.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, bạn cũng không nên chần sườn quá lâu vì sẽ làm giảm dinh dưỡng và có thể khiến sườn khô hơn khi nấu xong. Cách làm đúng là chỉ chần sườn 2 - 3 phút khi nước sôi trên bếp và lửa không quá to - cũng không quá nhỏ, thấy bọt bẩn nổi lên thì vớt sườn ra rửa sạch bằng nước ấm nhẹ. Nên thêm vào nước 1-2 muỗng canh giấm hoặc nước cốt chanh để tăng hiệu quả khử mùi hôi, làm sạch cặn bẩn, giúp sườn mềm và ngấm gia vị hơn.
Ngoài việc chần sườn đúng cách, còn có một số việc bạn không nên làm để món sườn ngon và đẹp mắt, giữ được nhiều dinh dưỡng hơn:
Tránh cho sườn vào nước lạnh khi chần
Nhiều người có thói quen cho sườn vào nồi nước lạnh rồi mới đun sôi, nhưng cách làm này vô tình làm mất đi độ ngọt tự nhiên của thịt. Khi đun từ nước lạnh, sườn sẽ tiết dần chất ngọt ra nước, làm miếng thịt bị khô và nhạt. Nước luộc sẽ đục, có nhiều cặn bẩn hơn. Thay vào đó, hãy đun nước sôi rồi mới thả sườn vào để giữ được vị ngọt tự nhiên của thịt, nước dùng trong và màu sườn đẹp mắt hơn.
Tránh nấu sườn ở lửa lớn ngay từ đầu
Nhiều người nghĩ rằng nấu lửa lớn sẽ giúp sườn nhanh mềm, nhưng thực tế lửa lớn ngay từ đầu sẽ làm thịt co rút đột ngột, khiến sườn bị cứng và khó thấm gia vị. Bởi nhiệt độ cao làm protein trong thịt co lại nhanh, khiến miếng sườn dai và khó mềm. Nước dùng dễ bị đục, có nhiều bọt bẩn. Gia vị không kịp thấm vào thịt, làm sườn nhạt hơn.
Ví dụ như với món sườn hầm, sau khi chần và rửa sạch, nên xào qua sườn với hành, tỏi cho dậy mùi thơm trước khi hầm hoặc nấu canh. Khi thêm nước, nên dùng nước nóng thay vì nước lạnh để không làm thịt co rút đột ngột. Đun sôi xong, giảm nhỏ lửa và hầm từ từ để sườn mềm và thấm vị hơn.
Tránh nêm nước mắm, muối quá sớm khi nấu sườn
Ảnh minh họa
Gia vị là yếu tố quan trọng giúp món ăn đậm đà, nhưng nêm sai thời điểm có thể làm thịt sườn bị cứng, kém ngon. Nước mắm và muối có tính hút ẩm, nếu cho vào từ đầu, nó sẽ làm protein trong thịt co lại, khiến sườn dai hơn. Nước mắm nấu quá lâu có thể tạo vị chua nhẹ, làm mất hương vị tự nhiên của nước dùng.
Nêm muối khi sườn đã mềm để tránh làm thịt bị cứng, nhất là với món sườn hầm. Nước mắm chỉ cho vào trước khi tắt bếp khoảng 5 phút để giữ được hương thơm đặc trưng và không nên cho quá nhiều.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Eating Well