Giữa những biến động không ngừng của nền kinh tế toàn cầu, một số ngành nghề đang vươn lên mạnh mẽ như những "mảnh đất vàng" đầy hứa hẹn, vừa mang lại thu nhập hấp dẫn, vừa mở ra cơ hội việc làm rộng mở. Nổi bật trong đó là nhóm ngành Xây dựng và Kiến trúc – trụ cột vững chắc của tiến trình đô thị hóa và phát triển hạ tầng, giữ vai trò then chốt trong sự chuyển mình và vươn lên của mỗi quốc gia.
Nhu cầu nhân lực tăng trưởng nóng
Theo TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực Xây dựng và Kiến trúc đang tăng trưởng mạnh mẽ, mỗi năm cần bổ sung khoảng 400.000 – 500.000 lao động. Dự kiến đến năm 2030, tổng số lao động ngành xây dựng có thể đạt 12-13 triệu người, trong khi lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng cũng cần thêm gần 3 triệu nhân sự.
Không dừng lại ở số lượng, bài toán nhân lực của nhóm ngành còn nằm ở chất lượng. Các doanh nghiệp hiện nay ngày càng chú trọng tìm kiếm những kỹ sư, kiến trúc sư có tay nghề cao, thành thạo công nghệ, kỹ năng quản lý tốt và thích nghi nhanh với môi trường làm việc hiện đại. Tuy nhiên, nguồn cung lao động chất lượng cao hiện vẫn chưa đáp ứng đủ, khiến cuộc cạnh tranh giữa các công ty trong việc thu hút và giữ chân nhân tài ngày càng trở nên gay gắt.
Thu nhập hấp dẫn, có thể vượt mốc 100 triệu đồng
Ngành Xây dựng và Kiến trúc từ lâu được biết đến là lĩnh vực có mức lương ổn định, thậm chí thuộc nhóm cao so với mặt bằng chung. Theo thống kê từ TopCV, thu nhập trung bình của kỹ sư xây dựng hiện dao động quanh mức 15,5 triệu đồng/tháng.
Với kiến trúc sư, mức lương khởi điểm thường từ 8 - 10 triệu đồng, và có thể tăng lên 25 - 40 triệu đồng/tháng khi đã tích lũy kinh nghiệm. Đặc biệt, những kiến trúc sư giỏi, đảm nhận vị trí quan trọng có thể đạt thu nhập từ 40 triệu đến trên 100 triệu đồng mỗi tháng.
Hơn nữa, với các vị trí cấp cao như: quản lý dự án, Giám đốc công trình hay chủ thầu xây dựng,... thường nhận được mức lương dao động từ 70 - 120 triệu đồng/tháng. Thậm chí, những người đứng đầu các doanh nghiệp xây dựng lớn hoặc sở hữu công ty riêng có thể đạt thu nhập lên đến vài trăm triệu đồng/tháng.
Những con số này đã khẳng định sức hút mạnh mẽ của ngành Xây dựng và Kiến trúc, biến đây trở thành lĩnh vực có tiềm năng phát triển và cơ hội "hái ra tiền" hàng đầu trên thị trường lao động.
Cơ hội rộng mở và cơ sở đào tạo uy tín
Bên cạnh mức thu nhập hấp dẫn, nhóm ngành Xây dựng và Kiến trúc còn đem đến cơ hội việc làm rộng mở, đặc biệt với sinh viên mới ra trường. Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, hàng loạt dự án hạ tầng, khu đô thị và bất động sản liên tục được triển khai, nhu cầu tuyển dụng nhân sự luôn ở mức cao. Những bạn trẻ có tư duy sáng tạo, đam mê kỹ thuật và có khả năng làm việc nhóm tốt sẽ dễ dàng khẳng định vị thế trong ngành.
Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực đòi hỏi sự bền bỉ và tinh thần chịu khó. Người làm nghề này thường xuyên đối mặt với áp lực về tiến độ, làm việc dài ngày tại công trường, di chuyển xa, thậm chí đối diện với những rủi ro về an toàn lao động.
Và chính môi trường khắc nghiệt ấy lại là "lò luyện thép" rèn nên những con người bản lĩnh, dạn dày kinh nghiệm thực tế, thành thạo kỹ năng quản lý dự án và sở hữu tư duy chiến lược sắc bén. Cùng với đó đó, sự chuyển dịch công nghệ mạnh mẽ và nhanh chóng đặt ra những yêu cầu mới, buộc đội ngũ kỹ sư, kiến trúc sư không ngừng học hỏi để phát triển, đổi mới và bắt nhịp với thị trường.
Trước nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Xây dựng và Kiến trúc, việc lựa chọn cơ sở đào tạo uy tín được xem là bước khởi đầu mang tính quyết định đối với hành trình phát triển sự nghiệp.Tại Việt Nam, những cơ sở nổi tiếng như: Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Kiến trúc TP.HCM,... từ lâu đã trở thành "cái nôi" đào tạo ra nhiều thế hệ kỹ sư, kiến trúc sư tài năng, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển đất nước.
Năm 2024, điểm chuẩn vào Đại học Kiến trúc Hà Nội dao động từ 21,15 đến 30,2 điểm tuỳ theo ngành học. Tại Đại học Xây dựng Hà Nội, ngành Kiến trúc có mức điểm chuẩn là 21,9, trong khi ngành Kỹ thuật Xây dựng dao động từ 17 đến 23,2 điểm. Đại học Kiến trúc TP.HCM cũng công bố mức điểm xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT từ 15,95 đến 25,54 điểm, tùy theo từng chuyên ngành.
Với nhu cầu nhân lực không ngừng tăng cao, mức thu nhập cạnh tranh cùng cơ hội thăng tiến rộng mở, ngành Xây dựng và Kiến trúc thực sự là mảnh đất hứa cho những người trẻ.
Tổng hợp