Yêu nhau nghĩa là con trai bắt buộc phải trả nhiều tiền hơn?

M416, Theo Trí Thức Trẻ 00:04 20/03/2021
Chia sẻ

Thế kỷ 21 rồi, không ai có nghĩa vụ phải trả tiền cho ai hết. Ai là người trả không quan trọng, quan trọng là trong lòng có cam tâm tình nguyện trả hay không.

Một khi 2 chữ "tình yêu" bị dính lấy chữ "tiền", nó dường như trở nên tầm thường hơn rất nhiều. Nhưng trong mỗi mối quan hệ, người ta vẫn thường mặc định con trai nên là người chủ động trả tiền, điều này đã và vẫn đang là một suy nghĩ cố hữu.

Một vài ngày trước, trên MXH từng xuất hiện topic: Các couple có nên sống chung không? Và nếu sống chung, tiền nhà có nên chia đều không?

Vấn đề này đã làm dấy lên rất nhiều tranh cãi bởi không chỉ sống chung mà những cặp đôi bình thường cũng khá tránh nhắc đến chuyện tiền bạc.

Có người nói: "Ê, tôi thấy GATO với cậu ghê luôn á, hai người sống chung nên tiết kiệm được cả đống tiền nhà nhỉ?".

Người còn lại phản bác: "Ai bảo ở chung với bạn trai mới tiết kiệm được tiền thuê nhà? Mọi chi tiêu của chúng tôi đều chia đều, không ai phải chi cho ai nhiều hơn, đơn giản chỉ như bạn cùng phòng bình thường thôi".

Trong rất nhiều trường hợp, người ta luôn nghĩ rằng đàn ông nên gánh vác nhiều hơn nhưng thực tế, đây không còn là thời đại mà người ta cần dựa dẫm vào bất kì bên nào nữa. Tuy nhiên nói gì thì nói, khi 2 người yêu nhau, những khoản tình phí vẫn xuất hiện liên tục. Ăn uống, hẹn hò, xem phim hay sống chung, tất cả đều cần đến tiền. Vì vậy, trong một mối quan hệ, ai là người cần móc ví nhiều hơn trở thành "tâm bệnh" của khá nhiều cặp đôi.

01. Nam (26 tuổi), đã đi làm 2 năm

Tôi và bạn gái yêu xa 2 năm, và mới chuyển về sống với nhau được gần 1 năm nay. Bạn gái tôi nói muốn chia tiền thuê nhà với tôi, nhưng tôi nghĩ cô ấy chính là người sau này sẽ ở bên tôi cả đời nên ai trả tiền thì cũng vậy thôi. Vì vậy, tôi sẽ tự chịu tiền thuê nhà còn cô ấy sẽ chịu mọi chi phí sinh hoạt ngoại trừ tiền thuê nhà. Cô ấy cũng thường xuyên mua quần áo, các thứ linh tinh cho tôi nữa.

Yêu nhau nghĩa là con trai bắt buộc phải trả nhiều tiền hơn? - Ảnh 2.

Tôi luôn nghĩ, đã là đàn ông nên trả nhiều tiền hơn một chút, đương nhiên không có quy định này, chỉ là vấn đề sĩ diện thôi. Tôi nghĩ để con gái phải trả nhiều tiền hơn thực ra là một hành động không galant cho lắm, ít nhất một quý ông sẽ không làm thế.

Nhưng con gái bây giờ không nghĩ vậy đâu. Bạn gái tôi bảo tôi rằng cô ấy không muốn mắc nợ tôi quá nhiều trong mối quan hệ này. Có một câu tôi nghĩ cô ấy nói khá đúng:

"Em ở bên anh vì em yêu anh, không phải vì anh đã cho em quá nhiều".

Vì vậy, không phải là tình yêu thì không thể nhắc đến tiền bạc, mà có thể nhắc đến dựa trên sự sẵn sàng cho đi của cả hai. Con trai không có nghĩa vụ phải gánh hết trách nhiệm tài chính, bởi cuộc sống là của 2 người thì nên do cả hai cùng vun đắp, trả giá và cho đi.

Anh hiểu nỗi khổ của em, em biết sự vất vả của anh, cứ thế tiền bạc sẽ chỉ là một hình thức thể hiện điều này ra ngoài thôi.

02. Nữ (27 tuổi), đã đi làm được 4 năm

Tôi từng yêu 2 người. Lần gần nhất yêu đương, tôi rất tận hưởng cảm giác khi anh ấy đứng ra chi trả tất cả. Tôi luôn nghĩ con trai thì nên chịu trách nhiệm nhiều hơn, lâu lâu tôi mới mua gì đó cho anh ấy. Nhưng thời điểm đó công việc của tôi chưa ổn định nên về cơ bản, anh ấy sẽ là người trả tiền nhà, tiền ăn.

Sau này khi chúng tôi chia tay, anh ấy nói với tôi: "Anh nuôi em suốt rồi. Sao mà em vẫn đòi hỏi nhiều thế?". Lúc đó, tôi gần như bị chặn họng và không thể nói được gì, có lẽ là thất vọng, cũng có lẽ là vì anh ấy nói đúng quá.

Nhờ vậy mà với mối quan hệ hiện tại, tôi thay đổi khá nhiều. Nếu tôi biết anh ấy trả món tiền gì đó cho tôi thì tôi sẽ tìm cách đáp lại anh ấy bằng những thứ khác. Bởi suy cho cùng trước khi kết hôn, chúng tôi đơn giản chỉ là 2 cá thể hoàn toàn không liên quan đến nhau. Anh ấy sẵn sàng chi tiền cho tôi vì anh ấy có lòng nhưng tôi cũng không thể chỉ biết ngồi mà nhận mãi.

Yêu nhau nghĩa là con trai bắt buộc phải trả nhiều tiền hơn? - Ảnh 3.

Một vài người nói rằng yêu nhau kiểu thế chẳng khác gì lúc nào cũng chuẩn bị sẵn tinh thần để chia tay. Một vài người khác thì nói yêu đương mà nhắc đến tiền nong là thô tục. Nhưng thực tế, cố tình lờ đi vấn đề tiền bạc mới là thô tục. Chúng ta không sống trong một thế giới mà tinh thần là tất cả, cái gì cũng cần vật chất để duy trì hết. Cho dù đó là thức ăn, quần áo, nhà ở, phương tiện đi lại hay củi, gạo, dầu muối thông thường, chúng ta đều cần một nguồn kinh tế nhất định. Nếu chỉ một bên phụ trách, sự mất cân bằng sẽ xảy ra.

03. Nữ (25 tuổi), đã đi làm 2 năm

Tôi không phải kiểu con gái thích dựa dẫm vào người khác, mọi thứ cần dựa trên tiền đề là sự tôn trọng lẫn nhau.

Tôi vừa chia tay bạn trai. Hồi còn yêu nhau, tôi luôn cho rằng sự cố gắng của chúng tôi trong mối quan hệ này là ngang nhau. Hồi mới yêu, anh ấy thường mời tôi đi xem phim, đi ăn, còn tôi sẽ tặng anh ấy đôi giày mà anh ấy thích rất lâu rồi. Khi ấy, mọi thứ đều tốt đẹp.

Tới lúc anh ấy đề nghị sống chung, tôi không từ chối. Nhưng từ ngày tôi chuyển tới, anh ấy bắt đầu phân chia rành mạch mọi thứ với tôi: tiền nhà chia đôi, tiền điện nước chia đôi, tất cả các khoản chi tiêu thường ngày cũng phải ghi chép cẩn thận và chia đều cho nhau.

Tôi thỉnh thoảng nói đùa: "Hai đứa mình cứ như bạn cùng phòng dạng ở ghép ấy nhỉ, còn xa lạ hơn cả người xa lạ".

Anh ấy nghiêm túc trả lời tôi: "Vì chưa kết hôn nên mình phải rõ ràng các khoản em ạ".

Tôi là một người rất tán thành quan niệm yêu đương thì cả đôi bên đều cần trả tiền, vậy nhưng tôi vẫn cảm thấy khó chịu khi mọi khoản đều phải chi li rạch ròi. Trong khi nếu hai người chân thành muốn ở bên nhau thì đâu cần bận tâm nhiều đến thế.

Em chưa bao giờ đòi hỏi anh thứ gì, tại sao anh phải rõ ràng mọi thứ như vậy?

Yêu nhau nghĩa là con trai bắt buộc phải trả nhiều tiền hơn? - Ảnh 4.

Con gái bây giờ hầu hết đều rất độc lập, không còn tình trạng "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" như quá khứ nữa. Một điều khá hài hước là con trai luôn cho rằng quan niệm con trai phải trả tiền khi yêu đương là định kiến cố hữu, nhưng cũng chính họ lại cho rằng con gái toàn sống nhờ vào họ.

Đây không phải là một định kiến, mà là một "tiềm thức" lâu dài.

Sở dĩ hai người có thể chung sống với nhau là vì họ muốn có tương lai với nhau. Phàm mọi thứ quá toan tính thì cuộc sống sinh hoạt sẽ trở nên vô cùng căng thẳng, khó thở, như thể bạn đang sống dưới cùng mái nhà với một người lạ vậy. Chia đôi tình phí là điều nên làm, nhưng bạn không cần phải quá quan tâm đến từng lợi ích hay mất mát trong mối quan hệ của mình.

04. Kết

Tôi vẫn thường nghe ai đó nói rằng: Người yêu bạn chắc chắn sẽ sẵn sàng chi tiền vì bạn.

Vì vậy, nhiều người sẽ hiểu lầm rằng trong quan hệ nam nữ, chỉ khi con trai chịu chi tiền thì mới được coi là tình yêu đích thực. Nhưng không phải vậy, một mối quan hệ tốt đẹp phải được xây dựng trên cơ sở hy sinh vì nhau và đối xử bình đẳng với nhau.

Tôi từng đọc được một câu thế này: "Tiền của ai chẳng phải do đổ mồ hôi nước mắt mới kiếm được. Cả tôi và anh ấy đều kiếm tiền, hai chúng tôi thay phiên nhau đứng ra gánh vác trách nhiệm, có thế kinh tế mới không vướng bận, tình cảm mới được trong sáng".

Yêu nhau nghĩa là con trai bắt buộc phải trả nhiều tiền hơn? - Ảnh 5.

Thực tế, không phân biệt nam nữ, điều mà ai cũng quan tâm không phải là tiền, mà là sự sẵn sàng cho đi. Anh mời em một bữa lẩu, em mời anh đi ăn ốc mấy bận; anh mời em ăn một bữa đồ Âu, em mời anh một bữa cơm Á.

Dù là đôi lứa hay là bạn bè cũng vậy, đều cần có đi có lại. Một số người coi mối quan hệ tình yêu như một thứ bùa hộ mệnh để có thể vô tâm, để có thể nghiễm nhiên chỉ biết nhận lấy mà chẳng hề biết cho đi.

Thế kỷ 21 rồi, không ai có nghĩa vụ phải trả tiền cho ai hết. Ai là người trả không quan trọng, quan trọng là trong lòng có cam tâm tình nguyện trả hay không.

Cho và nhận, cả hai phải cùng tồn tại, tình yêu cũng vậy, hôn nhân cũng thế.

Ảnh: Tổng hợp

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày