Ý kiến trái chiều về chuyện mẹ bầu tham gia chạy marathon: Bác sĩ cảnh báo nhóm người không nên thực hiện

Bảo Nam, Theo phunuso.baophunuthudo.vn 19:07 25/09/2024
Chia sẻ

Câu chuyện của bà bầu 29 tuần đang tạo ra hai luồng ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.

Trong sáng ngày 22/9, tại giải chạy VM Hạ Long, T.T.T (25 tuổi) - một mẹ bầu đang mang thai 29 tuần - đã gây chú ý khi hoàn thành chặng đường 5km với thời gian 41 phút (pace 8:09).

Được biết, T không phải là một người mới trong cộng đồng chạy bộ, T vốn là một runner cừ khôi của cộng đồng chạy Bắc Giang. Cô đã từng chinh phục cự ly half marathon (21km) với thành tích sub2 - được đánh giá là rất tốt đối với nữ giới. Ngoài ra, T còn tốt nghiệp ngành Y và có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa.

Trong lần này, tốc độ chạy của cô chỉ nhanh hơn đi bộ đôi chút. Sau khi về đích, rất nhiều runner (người chạy) khác đã đến bắt tay, chụp ảnh cùng cô.

Ý kiến trái chiều về chuyện mẹ bầu tham gia chạy marathon: Bác sĩ cảnh báo nhóm người không nên thực hiện- Ảnh 1.

Hình từ mạng xã hội.

Khi mang thai 29 tuần, ban đầu T không có ý định tham gia giải chạy này vì lo lắng về tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng và tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm, bà bầu nhận ra rằng chạy bộ nhẹ nhàng không chỉ an toàn mà còn mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ mang thai.

Câu chuyện của T đã tạo ra hai luồng ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng bà bầu không nên tham gia chạy bộ đường dài vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, một số khác lại ủng hộ, cho rằng việc vận động đúng cách mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ mang thai.

Mẹ bầu có nên tham gia chạy bộ đường dài không?

Ths Bs Khổng Thị Vân (Bác sĩ lâm sàng, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, IVF Bảo Sơn) chia sẻ: "Các mẹ bầu có thể tham gia tập vận động được tuy nhiên không nên tập luyện quá mức. Tuy chạy bộ là 1 môn thể thao tốt cho sức khỏe nhưng không phải bà bầu nào cũng có thể thực hiện, còn phải phụ thuộc vào sức khỏe của người mẹ.

- Những mẹ bầu có cơ thể dẻo dai, cường tráng, trước đó đã tập luyện thường xuyên thì có thể thực hiện dưới sự quan sát của nhân viên y tế...

- Nhưng những bà mẹ trước đây ít vận động, không chạy bộ quen thì không nên thực hiện vì có thể xảy ra tình trạng khó thở, suy thở, ảnh hưởng đến mẹ và con... Đặc biệt những bạn có tiền sử sảy thai, sinh non, đang ra máu dọa sảy, có cổ tử cung ngắn, mang song thai, đa thai... thì càng không nên tập vận động quá mức như thế".

Ý kiến trái chiều về chuyện mẹ bầu tham gia chạy marathon: Bác sĩ cảnh báo nhóm người không nên thực hiện- Ảnh 2.

Ths Bs Khổng Thị Vân

Ths Bs Khổng Thị Vân nhấn mạnh: "Nhìn chung vận động khi mang thai là nên nhưng tập như thế nào còn tùy vào cơ địa của mỗi người, không nên làm theo bất cứ ai hay tập luyện quá sức với mình".

Những lưu ý quan trọng nếu mẹ bầu muốn chạy bộ

- Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo rằng việc chạy bộ là an toàn trong trường hợp của mình.

- Chạy vào những giờ mát mẻ, tránh nhiệt độ quá cao hoặc khi trời mưa.

- Chọn những con đường phẳng, ít người qua lại và có bề mặt mềm mại để tránh chấn thương. Tránh chạy trên địa hình không bằng phẳng hoặc có nhiều chướng ngại vật.

- Chạy với tốc độ nhẹ nhàng và không cố gắng để đạt thành tích cao. Mục tiêu là giữ cho cơ thể khỏe mạnh, không phải để thi đấu.

- Đảm bảo uống đủ nước trước, trong và sau khi chạy để tránh mất nước, đặc biệt trong thời tiết nóng.

- Chọn giày chạy có đệm tốt và thoải mái, cùng với trang phục rộng rãi, thoáng khí để dễ dàng vận động. Ngoài ra, mẹ bầu có thể sử dụng đai đỡ bụng đầu để việc di chuyển dễ dàng hơn.

- Nếu đang trong giai đoạn thai kỳ khó khăn (ví dụ: bị nghén hoặc đau lưng), nên cân nhắc việc tạm ngừng chạy cho đến khi cảm thấy thoải mái hơn.

Những bài tập nào tốt cho sức khỏe của mẹ và em bé?

1. Đi bộ

Theo một nghiên cứu được công bố trên American Journal of Obstetrics & Gynecology (2002), đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ và cải thiện sức khỏe tim mạch cho mẹ bầu.

2. Yoga bầu

Tập yoga khi mang bầu giúp giảm căng thẳng, tăng cường sự linh hoạt và sức mạnh cơ bắp, cải thiện cân bằng, tăng cường khả năng thở.

Một nghiên cứu trên International Journal of Gynaecology and Obstetrics (2012) cho thấy yoga trước khi sinh giúp giảm căng thẳng, lo lắng và nguy cơ sinh non.

co-nen-di-bo-khi-mang-thai-khong-2107.jpg

3. Bơi lội

Một nghiên cứu đăng trên Journal of Physical Activity and Health (2010) cho thấy việc bơi lội đều đặn có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm đau lưng trong thai kỳ.

4. Pilates dành cho mẹ bầu

Pilates giúp cải thiện sự linh hoạt, thăng bằng, và giảm đau lưng cho bà bầu.

5. Bài tập Kegel

Bài tập này giúp tăng cường cơ sàn chậu, giúp ngăn ngừa tiểu không tự chủ và chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Nghiên cứu được công bố trên Obstetrics & Gynecology (2008) đã chỉ ra rằng tập Kegel thường xuyên trong thai kỳ giúp giảm nguy cơ bị tiểu không tự chủ sau sinh.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày