Bạn bè ba mẹ thì hay khen kiểu gia đình này hay quá, dẫn con về với thiên nhiên, cho mấy bé trải nghiệm ngoài trời thiệt thú vị. Khen nhiều đến nỗi ba tưởng thiệt, tưởng mình là dân nhà giàu dư dả, ở resort chán chê nên cho con đi sống cảnh thiên nhiên cơ hàn nếm mùi cực khổ.
Cho đến địa điểm gần đây gia đình mình đi: những căn nhà gỗ cũ kỹ được dựng lại trên đồi chè. Đồi chè nằm tách biệt hẳn với bên ngoài, xa thiệt xa. Sáng thức sớm còn không nghe được tiếng gà gáy, vì con gà gần nhất chắc ở xa lắm.
1. Buổi chiều B’lao bình yên đúng như "chủ nhật buồn còn ai còn ai" (*)... Cơn mưa rào đổ xuống lớn khủng khiếp. Mưa đạp lên mái ngói, đập mấy cánh cửa sổ gỗ. Vài giọt tạt mạnh len qua vách, búng tanh tách lên cái giường nệm ấm. Hai đứa nhỏ hoảng sợ chạy tót lên ôm ba mẹ, trùm mền kín mít.
Tiếng mưa trên mái ngói. Tiếng mưa đập vào vách gỗ. Tiếng mưa rơi ngoài hàng ba. Mùi đất ngai ngái. Mùi gỗ cũ. Mùi của ngói nóng gặp nước...
Ba sững người trong giây lát. Tất cả y như cái ngôi nhà sàn chỗ cầu Tầm Bót mà ba sống suốt một thời niên thiếu. Trong giây khắc đó, ba thấy mình trở về là thằng nhóc con nhà nghèo - trời mưa không biết làm gì mà chỉ chằm chằm nhìn lên xà nhà, đếm tới đếm lui mấy hàng ngói, lo lắng chờ ba đi ruộng, mẹ đi làm về...
Cái khoảnh khắc gợi nhớ ngắn ngủi đó sao làm ba suy nghĩ dài. Chuyến đi này, rồi tất cả những chuyến cắm trại, đi rừng mà ba dẫn mẹ và các con đi, có đúng là để các con trải nghiệm thiên nhiên, để hít thở không khí trong lành không?
Hay kỳ thực chỉ là cái cớ để ba tìm về gốc rễ của mình? Hay khắc nghiệt hơn là...? Thì ra ba chỉ ích kỷ muốn các con phải trải qua tuổi thơ nghèo khó ấy, như ba...
Chuyến đi này, rồi tất cả những chuyến cắm trại, đi rừng mà ba dẫn mẹ và các con đi, có đúng là để các con trải nghiệm thiên nhiên, để hít thở không khí trong lành không? Hay kỳ thực chỉ là cái cớ để ba tìm về gốc rễ của mình?
2. Như cái con đường bùn đất đầy hoa lau, mắc cỡ, cỏ đuôi gà các con đã quen thuộc từng cái tên ấy có phải là con đường hồi xưa bà nội dẫn ba đi vào ruộng thăm ông nội mùa gặt lúa? Hôm nào may mắn gặp người quen thì quá giang xuồng vào, bữa nào xui thì mưa trắng trời, hai mẹ con lủi thủi lấm len trơn trợt bùn đất.
Cây cầu dừa ở một trang trại trên Lạc Dương, mà con khóc thét không chịu đi qua để chụp hình cánh đồng cẩm tú cầu ấy, có phải là cây cầu khỉ mà ba từng vài lần trượt té khi đi ruộng chung với ông nội?
Rồi cái mùi lửa trại cứ bao lấy cả nhà mình đến tận lúc về Sài Gòn vẫn còn vương vất. Nó có phải là khói rơm những đêm ông bà nội và ba nằm trên cái sân phơi lúa, ông nội chỉ ba trăng quầng trăng tán.
Tấm nhựa phủ lúa ấm nóng, những hạt lúa mới tuốt xong cọ vào nhau như nệm lưng, tiếng cải lương trên radio từ cái chòi vịt xa xa vọng lại, mùi khói rơm mới lẩn khuất ngọt ngào...
Hay như những cái chòi lợp tranh lợp lá, cái nhà gỗ xám xịt mà nhà mình từng trả nhiều tiền để ở... chúng có khác gì căn nhà sàn ba sống suốt 18 năm đầu đời?
Căn nhà cũ kỹ, sờ đâu cũng thấy bụi, đi đứng lúc nào cũng phải khẽ khàng vì sợ nó rụng mất mấy lớp thời gian.
Căn nhà lợp bằng loại ngói của mấy chục năm trước, cũ đến nỗi ông nội phải nâng niu từng miếng một vì không tìm đâu ra thứ ngói cùng loại để thay. Mùa mưa, ông nội trèo lên mái nhà để chỉnh lại vài tấm lệch. Căn nhà với những cái máng xối, trận mưa nào cũng hứng đủ vài lu.
Căn nhà có cái hàng ba vừa đủ trải tấm chiếu. Có năm trời nóng quá, ông bà nội và ba giăng mùng ngoài đó ngủ. Mấy năm gì mà nghèo dã man, nhà không có tivi, buổi tối bà nội phải đứng ngoài rào ông Năm hàng xóm xem ké phim Người Giàu Cũng Khóc...
Căn nhà sàn cũ đó đã được cất lại khang trang chắc cũng 20 năm. Tuổi thơ nghèo khó đó chừng như xa lắc, bởi ba chưa bao giờ thấy ám ảnh, tủi thân về nó. Ngược lại, ba rất tự hào về những gì mình có được từ ông bà nội.
3. Con thấy không, có những phức cảm thật kỳ lạ, như là trong máu, như chảy trong từng hành động, suy nghĩ, lựa chọn của mình.
Có thể tụi con chẳng biết nên cũng chẳng cần nhớ gì về nỗi phức cảm nghèo đó của ba. Nhưng nếu một ngày con nhận ra sao mình phải tắm ao chứ không phải hồ bơi vô cực, tắm mưa chứ không phải nước nóng vòi sen... thì hiểu cho ba, đừng giận ba con nhé!
(*) Lời ca khúc Tuổi Đá Buồn của Trịnh Công Sơn