Trải qua hơn nửa đời người, bà Nguyễn Thị Thảo (SN 1971, quê tỉnh Tây Ninh, tạm trú tại quận Bình Tân, TP.HCM) vẫn phải lao động cực nhọc bằng đủ thứ nghề để nuôi sống bản thân và những người thân của mình. Bà Thảo kể, khi rời quê xuống TP.HCM kiếm việc làm, bà luôn mong muốn sẽ có cuộc sống khá giả hơn. Nhưng mọi thứ cứ đi ngược lại mong muốn của bà, khi cái nghèo cứ đeo bám mãi.
Cật lực làm việc bằng nhiều nghề, số tiền cũng không đủ trang trải cuộc sống. Chính khó khăn ấy, đã khiến vợ chồng bà Thảo lục đục, rồi người chồng bỏ đi. Từ đó, bà phải một mình chăm sóc 2 người con gái, trong đó có một người con còn nhỏ (SN 2009).
Năm 2014, cô con gái lớn của bà Thảo sinh được một người con, là cháu ngoại của bà Thảo. Không lâu sau, cô con gái lớn của bà cũng bỏ đi, để lại cháu cho bà chăm sóc. Một con gái, một cháu gái còn nhỏ chưa thể tự lao động kiếm tiền, khiến toàn bộ áp lực đè nặng lên đôi vài nhỏ gầy của bà Thảo.
Dù cố gắng, cuộc sống của mẹ con bà và người cháu cũng thiếu trước hụt sau. Để rồi trong một lần nghĩ quẩn, bà quyết định chấm dứt tất cả bằng cái chết để giải thoát cho mình và cho con, cháu mình.
Chiều 1/5/2019, bà Thảo đưa tiền kêu con gái đi mua cho mình một ít rượu để uống. Ngấm rượu, bà nghĩ đến hoàn cảnh khó khăn của mình, cùng với buồn chuyện gia đình khi chồng và con gái đều bỏ đi nên bà nảy sinh ý định uống thuốc ngủ để tự tử.
Trong thời gian được tại ngoại, bà Thảo làm công việc dọn dẹp cho các công trình xây dựng. (Ảnh: H.D)
Để thực hiện ý định, bà Thảo kêu con gái đi mua 10 viên thuốc ngủ và bà uống hết. Thấy mẹ uống nhiều thuốc, con gái hỏi, bà Thảo trả lời uống để chết. Cả ba người trong nhà ôm nhau khóc đòi cùng chết.
Sau đó, bà Thảo đưa tiền cho con mua thuốc ngủ về cùng uống. 15 phút sau, người quen gọi điện cho bà Thảo và biết cả nhà đã uống thuốc ngủ để tự tử, nên người này tức tốc đến phòng trọ đưa cả 3 đi cấp cứu nên không xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Dù quẫn bách mới tìm đến cái chết, và dù hậu quả đáng tiếc chưa xảy ra, nhưng hành vi của bà Thảo bị pháp luật nghiêm cấm. Vì thế, bà bị truy tố về tội Xúi giục người khác tự tử. Do cuộc sống khó khăn, con và cháu còn nhỏ chưa có ai chăm sóc, nên bà được cơ quan tố tụng cho tại ngoại.
Bà Thảo cho biết, sau khi bị truy tố, bà ý thức được hành vi của mình là sai trái. Được cho tại ngoại, bà xin làm các công việc lặt vặt tại các công trình xây dựng để có tiền trang trải cuộc sống. Bà cũng mong không phải đi tù, vì như thế sẽ chẳng ai chăm sóc cho con và cháu của bà.
Một ngày giữa tháng 9, Tòa Gia đình và người chưa thành niên TAND TP.HCM đã đưa bà Thảo ra xét xử về tội danh vừa nêu. Phiên tòa được xử kín và chỉ có ít người có liên quan được tham dự. Khi được tòa hỏi sao lại tự tử, bà Thảo cho biết vì quẫn bách và buồn chuyện gia đình.
Hành vi của bà Thảo là đáng lên án, nhưng cũng đáng được cảm thông.
"Vì sao lại xúi con và cháu chết chung", chủ tọa hỏi. Bà Thảo đáp: "Khi bị cáo uống nhiều thuốc, con gái biết tôi muốn chết đã khóc và muốn chết theo. Tôi nghĩ nếu mình chết đi, sẽ không có ai chăm sóc cho con và cháu nên không ngăn cản".
Trong cáo trạng truy tố, VKS đề nghị ghi nhận bà Thảo có các tình tiết giảm nhẹ như phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình gây ra, phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Tại tòa, đại diện VKS cũng đề nghị tòa xem xét các tình tiết nói trên, làm căn cứ giảm cho bà Thảo một phần hình phạt. Về phần bà Thảo, bà Thảo cũng bày tỏ thái độ hối lỗi, và cảm thấy may mắn vì hậu quả chưa xảy ra. Bà mong được pháp luật khoan hồng, tuyên bà mức án nhẹ nhất.
HĐXX sau giờ nghị án đã cho rằng, hành vi của bà Thảo đủ yếu tố cấu thành tội Xúi giục người khác tự tử. Tuy nhiên, hậu quả chưa xảy ra, bị cáo cũng có hoàn cảnh khó khăn, quẫn bách mới dẫn đến hành vi thiếu suy nghĩ, chứ không cố ý... Sau khi cân nhắc, HĐXX tuyên phạt bà Thảo 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Dù cái nghèo chẳng phải do bị cáo tạo ra, cũng chẳng phải bà lười lao động, nhưng hành vi tự tử và giúp sức, lôi kéo người thân cùng chết với mình là sai trái và đáng bị lên án. Tuy nhiên, HĐXX đã nhân văn khi áp dụng tính nhân đạo của pháp luật, để có mức án phù hợp nhất với bà. Giây phút nghe tòa tuyên cho được hưởng án treo, bà Thảo bật khóc…