Không biết có phụ huynh nào đã từng lấy việc "tao đẻ ra mày" để bắt con phải nghe theo ý mình, hoặc lấp liếm những lỗi sai của mình với con hay chưa? Tôi - một bà mẹ năm nay 40 tuổi phải xấu hổ thừa nhận rằng, tôi từng rất hay dùng điều này để thị uy, quản lý con. Khi con bước vào tuổi dậy thì, tôi thậm chí từng đọc trộm nhật ký, lục lọi tủ đồ của con để xem con có yêu sớm, chểnh mảng việc học không.
Tôi nhớ, 2 mẹ con tôi đã từng cãi nhau rất nhiều lần. Nhưng lần nào, tôi cũng dùng lý lẽ "tao đẻ ra mày" để đè xuống sự thật là tôi đang xâm phạm quyền riêng tư của con và nhiều lần đi quá giới hạn.
Vì cho rằng bản thân chỉ muốn tốt cho con nên tôi thường lờ đi cái sai của mình, dù chính chồng tôi cũng nhiều lần nhắc nhở: "Em cứ như vậy thì đừng trách con ghét em". Cho đến một ngày, tôi xem được bộ phim Sex Education và nhận ra sự thật rằng: Mình là một bà mẹ bất bình thường!
Tôi, cũng như nhiều phụ huynh khác khi vượt quá ranh giới và xâm phạm quyền riêng tư của con cái thường lôi lý do muốn "bảo vệ" và "hiểu" con hơn. Tuy nhiên, khi xem phim Sex Education, tôi nhận ra đó không phải bình thường mà là "bất bình thường".
Phim Sex Education đã nhấn mạnh điều này thông qua qua nhân vật bà Jean Milburn, mẹ của nam chính Otis. Những bậc phụ huynh liên tục xâm phạm sự riêng tư của con cái chỉ khiến chúng mất lòng tin và ngày càng xa cách hơn.
Khi mẹ của Otis nhận ra rằng bà đã đánh mất lòng tin của con trai vì liên tục lục lọi đồ đạc của cậu, đặt những câu hỏi quá riêng tư với cậu và bạn bè, theo dõi cậu, và thậm chí sử dụng cậu làm chủ đề cho cuốn sách của mình mà không có sự cho phép, bà đã chủ động xin lỗi cậu. Bà thừa nhận sai lầm của mình và cam kết sẽ tôn trọng quyền riêng tư cũng như ranh giới cá nhân của Otis trong tương lai. Cử chỉ này khiến Otis trân trọng và dần lấy lại lòng tin với mẹ, giúp mối quan hệ của họ bớt xa cách hơn.
Một khía cạnh quan trọng khác là mẹ của Otis nhận ra chính bà mới là người sai trong tình huống này. Dù khi phát hiện mẹ xâm phạm quyền riêng tư của mình, phản ứng của Otis có thể chưa phải là cách tốt nhất nhưng Jean hiểu rằng đó là hệ quả của hành động mình gây ra và sẵn sàng sửa chữa lỗi lầm.
Điều này khác hẳn với tôi, khi đã mắng con "láo", "nhờn quen thói" vì con sửng cồ lên khi biết mẹ đọc nhật ký của mình.
Jean Milburn khiến tôi hiểu rằng dù là người lớn hay là cha mẹ cũng không miễn nhiễm với sai lầm hay việc làm tổn thương con mình. Quan trọng hơn, Jean không ép buộc Otis phải xin lỗi vì phản ứng của cậu đối với lỗi lầm của bà, đây là một yếu tố rất quan trọng để duy trì một mối quan hệ lành mạnh.
Sau khi xem phim, tôi đã thực sự thay đổi. Tôi không còn xâm phạm riêng tư của con một cách vô lý như trước. Để tìm hiểu cuộc sống của con, tôi biết mình phải làm bạn, phải đồng hành, giáo tiếp, nói chuyện nhiều hơn, thay vì chơi trò "điệp viên", theo dõi, rình mò con suốt ngày.
Tôi cũng khiến chồng con kinh ngạc khi chủ động xin lỗi con vì sự quá giới hạn của mình khi trước. Tôi đã nghĩ chuyện này sẽ rất xấu hổ nhưng không ngờ nó lại khiến tôi nhẹ nhõm, khoan khoái vô cùng.
Làm một bậc cha mẹ "bình thường" hóa ra không hề đơn giản như tôi tưởng. Trải qua nhiều sai lầm tôi mới nhận ra bài học tưởng chừng quá hiển nhiên. Mong rằng, mọi bậc cha mẹ khác sẽ ngừng sai lầm như tôi nhé!