Tết Nguyên Đán là dịp trẻ em háo hức mong chờ, không chỉ vì không khí rộn ràng mà còn vì được nhận tiền lì xì từ ông bà, cha mẹ, họ hàng. Tuy nhiên, tiền lì xì thực sự thuộc về ai? Trẻ có quyền sử dụng số tiền đó không? Cách đây không lâu, một vụ việc hy hữu đã xảy ra tại Trung Quốc: một cặp anh em 12 tuổi đã kiện mẹ ra tòa vì bà từ chối trả lại số tiền lì xì 36.000 tệ (khoảng 125 triệu đồng) mà họ đã giao cho mẹ giữ hộ. Cuối cùng, tòa án đã đưa ra phán quyết buộc người mẹ phải hoàn trả số tiền này.
Được biết, cặp anh em trong câu chuyện có tên là Tiểu Lâm và Tiểu Tường (tên nhân vật đã được thay đổi). Trong dịp Tết năm đó, bố mẹ đưa hai anh em đi chúc Tết họ hàng, và cả hai đã nhận được tổng cộng 36.000 tệ tiền lì xì. Do còn nhỏ, cả hai tin tưởng đưa tiền cho mẹ giữ hộ.
Vài tháng sau, khi đến nhà bạn chơi, hai anh em nhìn thấy một chiếc máy chơi game và lập tức bị thu hút. Cả hai chơi từ sáng đến tối, lưu luyến không rời chiếc máy. Khi về nhà, hai anh em cũng muốn mua một chiếc tương tự với giá 5.000 tệ.
Nhớ đến số tiền lì xì mẹ đang giữ, hai anh em xin mẹ tiền nhưng bị từ chối nhiều lần với đủ lý do. Ban đầu, cả hai chỉ thắc mắc tại sao tiền của mình lại không được sử dụng theo ý mình, nhưng khi liên tục bị từ chối, cả hai bắt đầu cảm thấy không công bằng. Cuối cùng, họ quyết định khởi kiện mẹ ra tòa để đòi lại quyền sở hữu hợp pháp của mình.
Tòa án đã xem xét vụ việc và dựa trên các quy định của Bộ luật Dân sự Trung Quốc, tòa đưa ra phán quyết như sau:
Thứ nhất, tiền lì xì là tài sản cá nhân của trẻ. Theo quy định về hợp đồng tặng cho tài sản, tiền lì xì do ông bà, cha mẹ và họ hàng tặng thuộc về người nhận, tức là hai anh em Tiểu Lâm và Tiểu Tường. Hai em có quyền sở hữu hợp pháp và quyền quyết định việc sử dụng số tiền này.
Thứ hai, trẻ từ 8 tuổi trở lên có quyền tự quyết định một số giao dịch phù hợp. Theo Bộ luật Dân sự, trẻ từ 8 tuổi trở lên được coi là người có năng lực hành vi dân sự hạn chế, có thể tự mình thực hiện các giao dịch phù hợp với độ tuổi và nhận lợi ích hợp pháp.
Thứ ba, cha mẹ không được chiếm đoạt tài sản của con cái. Luật cũng quy định cha mẹ là người giám hộ nhưng không có quyền tự ý chiếm đoạt hoặc sử dụng tài sản của con cái vì mục đích riêng. Trong trường hợp này, mẹ của hai anh em đã từ chối trả lại tiền mà không có lý do chính đáng, vi phạm quyền lợi hợp pháp của trẻ.
Dựa trên các điều luật này, tòa án phán quyết rằng mẹ của hai anh em phải hoàn trả toàn bộ 36.000 tệ tiền lì xì cho con mình.
Vụ việc này không chỉ là một câu chuyện liên quan pháp lý, mà còn mang đến những bài học quan trọng về cách giáo dục con cái trong vấn đề tài chính, khiến nhiều phụ huynh phải suy ngẫm. Liên quan đến tiền lì xì của con, cha mẹ nên có cách xử lý hợp lý, để tránh những mâu thuẫn hoặc hiểu lầm không đáng có.
1. Tiền lì xì là tài sản của con, cha mẹ không nên tự ý sử dụng
Nhiều bậc phụ huynh có thói quen giữ hộ tiền lì xì của con nhưng lại xem đó là tiền chung của gia đình hoặc tiêu vào mục đích khác. Điều này không chỉ sai về mặt pháp lý mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của con cái với cha mẹ.
Nếu cha mẹ cần sử dụng tiền lì xì của con vào việc gì đó, nên thảo luận và giải thích rõ ràng cho con hiểu về sự cần thiết và hợp lý của việc đó. Ngoài ra, cha mẹ có thể mở một tài khoản tiết kiệm để quản lý tiền lì xì, giúp con học cách theo dõi và quản lý tài chính từ nhỏ.
2. Cha mẹ nên dạy con cách quản lý tài chính thay vì kiểm soát toàn bộ
Nếu lo lắng con tiêu tiền không hợp lý, thay vì cấm đoán, cha mẹ nên hướng dẫn con cách tiết kiệm, lập kế hoạch chi tiêu và sử dụng tiền một cách thông minh. Ví dụ: Cha mẹ có thể cùng con thiết lập mục tiêu tiết kiệm để mua một vật dụng nào đó con yêu thích, qua đó giúp con nhận thức được giá trị của việc tiết kiệm.
3. Tôn trọng quyền lợi của trẻ giúp xây dựng mối quan hệ gia đình lành mạnh
Khi trẻ có quyền quyết định cách sử dụng một phần tiền của mình, cha mẹ nên tạo điều kiện để trẻ thực hành quyền đó, như cho phép trẻ quyết định mua một món đồ chơi nhỏ hay một cuốn sách mới. Khi trẻ có quyền quyết định một phần tài sản của mình, chúng sẽ học được cách chịu trách nhiệm với quyết định đó.
Hãy tiến hành các cuộc thảo luận gia đình về kế hoạch tài chính và đưa ra quyết định cùng nhau, qua đó giúp trẻ hiểu rằng ý kiến của chúng được coi trọng và chúng có tiếng nói trong các quyết định tài chính của gia đình. Nếu cha mẹ quá áp đặt, trẻ có thể cảm thấy bị đối xử bất công và xa cách với gia đình.
Dù con cái chưa trưởng thành, nhưng tài sản hợp pháp của chúng vẫn phải được tôn trọng. Thay vì áp đặt và kiểm soát, cha mẹ nên hướng dẫn con cách quản lý tiền bạc một cách thông minh. Chỉ khi đó, trẻ mới có thể học được kỹ năng tài chính cần thiết, chuẩn bị cho cuộc sống độc lập sau này.
Tổng hợp