WHO kêu gọi thế giới chia sẻ vaccine ngừa COVID-19

Ban Thời sự, Theo VTV News 17:57 07/08/2020
Chia sẻ

Theo WHO, các nước giàu hơn sở hữu vaccine trước cũng không thể coi là "thiên đường an toàn" trước virus SARS-CoV-2 nếu các nước nghèo vẫn đứng trước nguy cơ lây nhiễm.

Cảnh báo được người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra hôm 6/8. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, các nước giàu sẽ có lợi nếu đảm bảo rằng, bất kỳ loại vaccine nào có thể được sản xuất để phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đều được chia sẻ cho toàn thế giới.

"Chủ nghĩa dân tộc vaccine là điều không tốt, không giúp ích cho chúng ta. Để thế giới hồi phục nhanh hơn, chúng ta phải hồi phục cùng nhau. Bởi đây là một thế giới toàn cầu hóa, các nền kinh tế đan xen nhau. Một phần của thế giới hoặc một số ít quốc gia không thể trở thành thiên đường an toàn và hồi phục" - ông Tedros nói.

Khi một loại vaccine ngừa COVID-19 đủ tiêu chuẩn được tung ra thị trường, nó sẽ vô cùng khan hiếm. Vậy mà ngay từ lúc này, khi khâu thử nghiệm còn chưa hoàn tất, các nước giàu đã nhanh tay đặt trước hơn 1 tỷ liều vaccine này.

WHO kêu gọi thế giới chia sẻ vaccine ngừa COVID-19 - Ảnh 1.

Người tình nguyện ở Nam Phi được tiêm thử vaccine ngừa COVID-19 tại Bệnh viện Baragwanath ở TP Soweto. Ảnh: Reuters

Chính phủ Mỹ đã chi 2,1 tỷ USD để giành quyền ưu tiên đối với khoảng 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của 2 hãng dược Sanofi và GlaxoSmithKline. Mỹ cũng ký thỏa thuận trị giá 1,95 tỷ USD với hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) để cung cấp lên tới 600 triệu liều.

Tại Anh, 4 hợp đồng đặt trước vaccine phòng COVID-19 đã nhanh chóng được ký kết. Đó là thỏa thuận mua 60 triệu liều từ Sanofi và GlaxoSmithKline, 30 triệu liều từ BioNTech/Pfizer, 60 triệu liều từ Valneva và 100 triệu liều từ tập đoàn dược AstraZeneca với loại vaccine tiềm năng đang phát triển cùng Đại học Oxford.

Liên minh châu Âu cũng đạt được thỏa thuận với tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp để có được 300 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Thỏa thuận này sẽ cho phép tất cả 27 nước thành viên EU mua được vaccine của Sanofi một khi sản phẩm được phép sản xuất đại trà.

Nhật Bản thì ký một hợp đồng với hãng dược Pfizer để có được 120 triệu liều tiêm, chậm nhất là cuối tháng 6/2021.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày