Mới đây, trên mạng xã hội Threads, một cô gái (tạm gọi là S.) đã chia sẻ câu chuyện trong gia đình mình và nhận được rất nhiều sự chú ý.
S. tâm sự đã bị cận 2-3 năm nay rồi nhưng vẫn chưa dám nói với cha mẹ. Và sắp tới, cô bạn sẽ có buổi đi khám sức khoẻ cùng ba, và S. sợ rằng việc bị lộ ra cận thị sẽ gây ảnh hưởng đến tình cảm trong gia đình.
S. tâm sự thêm: "Em chỉ sợ bố mẹ với thất vọng về em thôi. Có thể coi em là con nhà người ta cũng được (mặc dù chưa tới). Em được ăn học dạy dỗ đàng hoàng mà giờ bị vậy, em sợ ba mẹ buồn rồi bực, la thôi ạ. Hồi đó cũng một phần do em thiếu hiểu biết, thấy anh trai chơi điện thoại nhiều mà mắt vẫn bình thường nên nghĩ không sao".
Những dòng chữ hết sức tuyệt vọng của cô con gái. (Ảnh chụp màn hình)
S. cho hay thời gian gần đây, ông ngoại đang bị ốm nên mẹ phải đến một thành phố khác để chăm, chỉ có ba ở nhà. Mà tính của ba S. vốn rất nghiêm khắc.
S. chưa đi khám cận thị bao giờ, nhưng trong một lần khám ở trường thì được đo chỉ số thị lực khoảng 3-4/10 - có thể tương đương với cận khoảng 1 độ. Tuy nhiên, việc quy đổi này chỉ mang tính chất tương đối và không thể thay thế cho việc đo độ cận chính xác.
Khi mọi người lo lắng không biết bị cận thế thì học hành kiểu gì, S. tâm sự thêm: "Việc học của em thì vẫn ok. Tại một phần là em ngồi bàn 3 với lại chữ của thầy cô cũng đủ để em thấy, không thấy thì em hỏi bạn kế học cũng bình thường ạ.
Dạo này không hiểu sao em thấy ba mẹ thoải mái hơn một tí, ít la hơn nên em sợ nếu vụ này ba mẹ biết thì sẽ lại cọc tính, chứ không còn thoải mái như bây giờ... Em có cảm giác đó giờ ba em dễ tính với em hơn anh. Kiểu thấy em ngoan với nghe lời hơn, đặt niềm tin vô cùng nhiều vào em. Giờ mà lòi ra vụ này không biết ba sẽ nghĩ gì nữa".
Ảnh minh hoạ.
Đọc những dòng tâm sự của S., dòng bình luận nhận được lượt like nhiều nhất chính là: Gia đình đã làm gì để một đứa trẻ phải giấu chuyện nó bị cận thị vậy?
Nhìn cách S. tâm sự, có thể thấy cô bạn thấy rằng việc mình bị cận thị như "trời sập", và có thể ảnh hưởng gia đình khi cha mẹ thất vọng, tình cảm rạn nứt... S. cảm thấy như tương lai đã mịt mù nên mới giấu cha mẹ suốt 3 năm, dù rằng việc bị cận thị ảnh hưởng đến sức khoẻ rất nhiều, có thể khiến S. cảm thấy mỏi mắt khi phải liên tục căng mắt nhìn cho rõ.
Nhưng việc bị cận thị, dù vô tình hay cố tình, thì đâu có nghiêm trọng đến vậy? - Điều này càng khiến dân tình thêm xót xa và đoán rằng chắc hẳn bố mẹ của S. rất nghiêm khắc nên đã tạo ra ám ảnh tâm lý, khiến cho con gái không dám thú nhận bản thân có vấn đề về thị giác với gia đình.
Bên dưới bài đăng, nhiều người đoán rằng độ tuổi của S. còn khá nhỏ và đã dành những lời hỏi han, động viên cô gái. Đa phần cũng khuyên S. nói với bố mẹ chuyện mình bị cận thị càng sớm càng tốt - vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và việc học của mình.
Ảnh minh hoạ.
Dưới đây là một số bình luận nổi bật:
- "Thứ đầu tiên em đấy lo nghĩ tới là cảm xúc/hành động tiêu cực của bố mẹ dành cho em ấy, hơn là sức khoẻ của bản thân. Nhiều lúc cũng không biết sao bố mẹ là nguồn cơn cho sự hoảng loạn của đứa con mà đứa con lại là người phải đi khám".
- "Bé lớp mấy rồi? Bị cận thế đi học có nhìn được bảng không? Chị khẳng định với em việc bị cận không có gì là sai hết, không có gì khủng khiếp hết. Và nếu cha mẹ la mắng em thậm tệ thì đó là do họ đặt áp lực lên em quá nhiều khiến em bị ám ảnh tâm lý. Hãy nói với ba mẹ là dạo này con bị mỏi mắt, khó nhìn bảng nên cần đi khám. Thế thôi. Việc còn lại là của bác sĩ".
- "Bé ơi em đã phải trải qua và chịu đựng những gì vậy, bị cận chỉ là việc nhỏ thôi sao lại khiến em phải áp lực suy nghĩ sợ sệt khi phải nói ra cho gia đình mình biết vậy? Thương em, chị mong em luôn vững tin vào bản thân, có niềm tin vào những gì mình làm, mạnh mẽ đối diện với những gì mình cảm thấy sợ hãi là cách duy nhất chứng minh sự trưởng thành, để bố mẹ tin tưởng và an lòng hơn với những gì bé làm trong tương lai. Đừng suy nghĩ nhiều về cảm xúc của người khác mà làm tổn thương chính mình".
Một điều bất ngờ khác là bên dưới bài đăng, nhiều người cũng chia sẻ nỗi lòng khi từng phải giấu cha mẹ chuyện bị cận thị. Bởi trong suy nghĩ của một số phụ huynh, việc con bị cận thị đa phần là do đứa trẻ sử dụng nhiều điện thoại - dễ dẫn đến bỏ bê chuyện học. Việc bị cận thị cũng bị coi là tốn kém, khi phải thường xuyên thay kính và đi tái khám, có thể phải đeo kính cả đời, nên cũng khiến nhiều phụ huynh khó chịu.
Những bình luận đồng cảm từ những người từng trải, phải giấu cận thị bằng cách nheo mắt học bài, mượn kính bạn bè... - cho thấy một thực trạng: Áp lực từ cách nuôi dạy nghiêm khắc của cha mẹ có thể đẩy con cái vào vòng xoáy tâm lý nặng nề. Lằn ranh giữa nghiêm khắc và độc hại (toxic) đôi khi mỏng manh đến mức khó nhận ra, nhưng kế cục thì đưa ra 2 chiều hướng hoàn toàn khác nhau.
Lằn ranh giữa nghiêm khắc và toxic nằm ở cách cha mẹ phản ứng với nhu cầu và cảm xúc của con. Nghiêm khắc lành mạnh là đặt ra quy tắc nhưng vẫn tạo không gian để con bày tỏ, được lắng nghe. Ngược lại, nghiêm khắc toxic là khi cha mẹ áp đặt kỳ vọng mà không quan tâm đến cảm nhận của con, khiến trẻ cảm thấy bị từ chối hoặc không đủ tốt.
Ảnh minh hoạ.
Nghiêm khắc, ở một chừng mực, là cần thiết. Nó giúp người trẻ có tính kỷ luật, trách nhiệm trong cuộc sống. Một nghiên cứu từ Đại học Cambridge cho thấy người được nuôi dạy với những ranh giới rõ ràng có xu hướng phát triển tốt hơn về mặt hành vi. Nhưng khi sự nghiêm khắc vượt quá giới hạn, trở thành kiểm soát khắc nghiệt hay trừng phạt tâm lý, điều này có thể gây tổn thương lâu dài.
S. sợ hãi đến mức không dám chia sẻ vấn đề sức khỏe của mình, dù đó chỉ là cận thị - một tình trạng phổ biến. Điều này phản ánh một môi trường gia đình thiếu an toàn tâm lý, nơi con cái không cảm thấy đủ tin tưởng để chia sẻ khó khăn với cha mẹ.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác động tiêu cực của phong cách nuôi dạy khắc nghiệt. Theo nghiên cứu trên New York Times, cha mẹ áp dụng lối nuôi dạy hà khắc (harsh parenting) - như la mắng thường xuyên, trừng phạt thể chất hoặc tâm lý - làm tăng nguy cơ trầm cảm, lo âu và hành vi hung hăng ở trẻ vị thành niên.
Một nghiên cứu khác từ ĐH Y Harvard cũng nhấn mạnh rằng vòng luẩn quẩn của nuôi dạy hà khắc có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề tâm lý: Cha mẹ càng khắc nghiệt, trẻ càng dễ biểu hiện hành vi tiêu cực, dẫn đến việc cha mẹ lại càng gia tăng kiểm soát. Và có thể tạo ra một vòng lặp khi đứa trẻ về sau không biết nên phản ứng thế nào với con, sẽ lại tiếp tục tạo nên thế hệ cha mẹ hà khắc.
"Hãy nói sự thật, dù chỉ là một phần, để bảo vệ sức khỏe của mình.” - Lời khuyên dưới bài đăng của S. vừa thực tế vừa xót xa.