“Biến cố sâu sắc nhất bạn từng trải qua khi còn nhỏ, mà đến bây giờ vẫn khắc sâu là gì?
Bố mẹ tôi ly hôn, họ cãi nhau thường xuyên về chuyện ai sẽ là người nuôi tôi. Sau này, tôi nên sống với ai. Tôi cảm giác mình là một cục nợ, ở đâu đó rơi xuống trong cuộc đời họ. Sự tồn tại của tôi là một sai lầm. Tôi đang ở đây để gánh chịu hậu quả…”.
Đó là bình luận của một cư dân mạng. Nó khiến tôi luôn đau đáu. Chia sẻ này xuất hiện bên dưới một bài đăng tiêu cực về gia đình của một cô bé 12 tuổi, về việc cảm thấy ân hận thế nào khi được sinh ra? Tôi bị ám ảnh về những thiếu niên luôn cảm thấy cuộc sống này tiêu cực; tự hỏi có cách nào để họ thoát ra hay thay đổi góc nhìn của họ…
Ảnh: Brightside
Việc vẫn còn bỏ ngỏ, thì 1 câu chuyện khác ập đến - về một người bố nói với con rằng: “Từ nay bố sẽ không bao giờ đón con nữa, con tự lo liệu cuộc sống của con” , sau đó là những dòng tin nhắn đẩy đứa con vào tình thế thấy mình có lỗi đến mức phải 3 lần thốt ra câu: “Con xin lỗi bố” đầy bất lực (do chính bố tự đăng lên mạng)… ập đến với tôi và nhiều người khác.
Phá vỡ chỗ dựa an toàn nhất bằng lời nói và hành động - đó chính xác là những gì người bố đã làm, sau cuộc cãi vã với mẹ của con (vợ cũ) trong câu chuyện trên. Câu “Con tự lo liệu cuộc sống của con” là một tuyên bố tàn nhẫn. 12 tuổi đã đủ để hiểu hết ý nghĩa của lời nói. Đau nhất là, dù hiểu đấy nhưng sẽ chẳng đủ sức để xử lý cảm giác bị từ bỏ.
Đó đâu đơn thuần là 1 lời từ chối đưa đón, mà là dấu hiệu rõ rành rành: Bố không còn muốn là một phần trong cuộc sống của con.
Ảnh: Brightside
Khi người bố, người mẹ chọn cách đem việc riêng tư lên mạng xã hội hay đổ lỗi cho con MỘT CÁCH CÔNG KHAI, họ đã chọn bước ra khỏi vòng tròn an toàn mang tên gia đình. Sự sụp đổ của một chỗ dựa quan trọng bắt đầu từ đây. Tổn thương sẽ bị khuếch đại khi dấu vết của nó được lưu lại và phơi bày ra đám đông. Cậu bé cảm thấy mình là nguyên nhân của mọi vấn đề, dù thực tế cậu chỉ là nạn nhân của mâu thuẫn người lớn.
Ly hôn không bao giờ là lý do để bố mẹ từ bỏ trách nhiệm với con. Một người bố, dù có mâu thuẫn với mẹ của con, vẫn không phải là cái cớ để con thấy mình bị bỏ lại, chênh vênh, thậm chí là bị đổ lỗi. Điều người bố cần là người mà con có thể tìm đến khi sợ hãi, chứ không phải là người khiến con sợ hãi khi tìm đến.
Ảnh: Brightside
Câu nói “Từ nay bố sẽ không bao giờ đón con nữa, con tự lo liệu cuộc sống của con” không chỉ là một khoảnh khắc giận dữ, mà là một vết thương sâu sắc. Lời nói của bố mẹ có sức nặng trong lòng con cái hơn họ nghĩ, nhưng theo hướng nào và để lại tác động ra sao thì nằm hết ở việc: Bạn muốn mình là bố mẹ tốt hay tồi?