Không có một công thức cụ thể nào cho chuyện chi tiêu - tiết kiệm, hay gọi chung là quản lý tài chính gia đình. Có rất nhiều người trẻ, bước vào cuộc sống hôn nhân với tâm thế sẽ có người chia sẻ chuyện tài chính cùng mình, hoặc thay mình quán xuyến chuyện chi tiêu trong nhà. Kết quả, chỉ sau một vài tháng sống chung đã bắt đầu có xích mích nhỏ về chuyện tài chính. Đây cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm nếu bạn sắp sửa bước vào hôn nhân.
Những sự cố về tiền bạc trong gia đình xảy ra khá thường xuyên nếu như hai bên không có sự đồng nhất trong quan điểm chi tiêu từ trước. Lê Bình (24 tuổi, Nghệ An) chia sẻ: "Thời điểm trước khi cưới, chuyện tiền nong của bọn mình thường tách biệt hoàn toàn, mỗi người sẽ có cách chi tiêu khác nhau. Trước đó, mình cũng không quan tâm quá nhiều xem chồng mình quản lý tiền bạc ra sao. Phần lớn là do sự e dè từ đôi bên khi nhắc tới chuyện tài chính. Vì 'tiền' luôn là chủ đề khá nhạy cảm trước hôn nhân.
Nhưng sau khi cưới nhau, có một số quan điểm chúng mình không đồng nhất về chuyện tiền bạc. Ví dụ như chồng mình rất hay cho bạn bè vay tiền nhưng không bao giờ nhớ, hay có những khoản chi tiêu cho sở thích khá bất chợt mà không bàn trước, những khoản đầu tư nếu có lỗ cũng không chia sẻ nhiều cùng mình... Những chuyện này khiến tụi mình dần có khoảng cách trong chuyện chi tiêu.
Ảnh minh họa - Pinterest
Mình nhận ra rằng chuyện thảo luận thẳng thắn với nhau là điều cực kỳ quan trọng. Chỉ cần ngồi xuống và cùng nhau trả lời những câu hỏi như: Nguồn thu nhập chính của cả hai đến từ đâu? Quan điểm tiêu tiền như thế nào? Những khoản chi tiêu cơ bản và cần thiết nhất? Nên trích bao nhiêu phần trăm tổng thu nhập để tiết kiệm?... Những vấn đề mà cả hai từng thắc mắc cần được làm rõ ràng, trước khi có những bất đồng ngày càng lớn hơn. Khi trở thành vợ chồng, việc trao đổi cũng nhẹ nhàng hơn nếu cả hai đều nghiêm túc".
Ngoài biết cách quản lý tài chính gia đình, hầu như phụ nữ đều đặt chuyện tiết kiệm cho gia đình lên trước tiên, cân đo đong đếm từ những điều nhỏ nhặt: "Mẹ mình luôn quan niệm phải sống tiết kiệm và giản dị. Vì thế nên ngay từ bé, chị em nhà mình đều sống trong một môi trường phải biết tiêu tiền đúng mục đích. Đến khi kết hôn, mình cũng áp dụng những điều này vào gia đình nhỏ: Cùng nhau xây dựng cuộc sống đầy đủ nhưng đơn giản là điều mà mình luôn hướng đến. Đồ đạc trong nhà nếu còn tốt, dùng được sẽ rất ít khi đổi. Mỗi khi đứng trước quyết định mua sắm cho gia đình, mình luôn có những suy nghĩ liên quan đến chuyện giá cả, độ bền, trong nhà ai dùng nhiều nhất... để đưa ra các quyết định sáng suốt. Mình vẫn luôn cố gắng nấu cơm để cả hai vợ chồng mang đi làm, mặc những bộ đồ đơn giản nhưng gọn gàng, đeo chiếc túi năm trước vẫn còn dùng được. Với mình, tiết kiệm giúp cuộc sống thư thái và dễ chịu hơn, không có tâm thái chạy đua theo xu hướng".
Quen với chuyện tiết kiệm từ bé, Lê Bình còn cho biết, việc tiết kiệm không phải chắt bóp từng đồng, mà tiêu xài vào đúng nơi đúng chỗ: "Việc tiết kiệm không đồng nghĩa với tiêu xài tằn tiện, mà là xây dựng một lối sống lành mạnh về vật chất hơn. Gia đình mình vẫn chi tiêu mạnh cho những giá trị tinh thần như chuyến du lịch, sách vở, kiến thức...".
Với nhiều cặp vợ chồng trẻ, có thể đôi bên sẽ chưa thể đồng điệu ngay lập tức trong chuyện quản lý tiền bạc. Nhưng chỉ cần ngồi xuống, trò chuyện và quan sát cách chi tiêu của nhau, sẽ tìm ra được những điểm chung. Việc vun vén tài chính gia đình là phần quan trọng giúp cho cuộc sống hôn nhân thoải mái hơn, giúp mở ra những cơ hội kiếm tiền mới cho cả đôi bên.
Vai trò của người phụ nữ trong gia đình là rất lớn. Không chỉ vun vén hạnh phúc, mà đa phần phụ nữ đều chèo chống việc quản lý tài chính tốt hơn, cân đo đong đếm cũng chi li hơn. Như Trà (28 tuổi, TP HCM) cho biết: "Gia đình mình khá truyền thống, hầu hết phụ nữ là người quản chuyện tiền bạc trong nhà. Trước khi kết hôn, mẹ và bà là những người dẫn dắt mình trong việc theo dõi chi tiêu, học cách thảo luận cùng nửa kia của mình về chuyện tiết kiệm và đầu tư.
Hình ảnh quen thuộc mỗi cuối tháng, là mẹ mình cùng cuốn sổ chi tiêu gia đình dày cộp. Khi chưa có những app quản lý tài chính hiện đại như bây giờ, thì các bà các mẹ vẫn có thể nắm rõ từng khoản hôm nay mua gì, ngày mai tiêu gì. Mình cũng học thói quen này, và cảm thấy rất hữu dụng. Khoảng thời gian nghiêm túc ngồi thống kê sổ sách, giúp mình có thời gian xem xét khoản gì tiêu đúng, khoản gì tiêu hao.
Mình sử dụng cả sổ tay, cả app điện tử để tiện theo dõi thu chi. Trong app, mình lưu lại các khoản tiền chi tiêu dù là nhỏ nhất, từ bó rau cân thịt, đến tiền nhà tiền điện... Còn trong sổ, là những khoản chi tiêu tổng hợp. Cứ mỗi cuối tuần mình sẽ kiểm tra lại app chi tiêu và ghi lại vào sổ những con số bao quát nhất. Nếu không có kế hoạch chi tiêu cụ thể từ đầu tháng, việc cứ đến giữa tháng thì tình trạng túi tiền cạn dần càng dễ".
Thêm nữa, quan trọng nhất trong tài chính là luôn phải duy trì những nguồn thu nhập ổn định. Vì thế, chuyện tiết kiệm và đầu tư luôn được các cặp đôi quan tâm.
Ảnh minh họa - Pinterest
Như Trà cho biết, mẹ cô đã dạy con về cách gửi tiết kiệm, mua bảo hiểm và đầu tư tiền từ khi còn là cô nhóc chỉ hơn 10 tuổi: "Từ khi còn rất nhỏ, mình đã được lắng nghe những câu chuyện về tài chính gia đình như kiểu: Tháng này tiêu bao nhiêu tiền? Còn dư hay thiếu bao nhiêu? Tháng này mẹ gửi tiết kiệm được nhiều hay ít hơn tháng trước? Năm nay nhà mình mua bảo hiểm đóng bao nhiêu tiền 1 tháng?... Chính những câu chuyện thế này giúp mình có hiểu biết cơ bản về tiết kiệm, lãi suất, bảo hiểm... đại khái là những khoản tiền giúp gia đình 'an toàn' hơn nếu lỡ có biển cố về tài chính".
Vì được tiếp xúc những câu chuyện tài chính từ thuở bé, Như Trà đã lên kế hoạch về những khoản tiết kiệm và đầu tư lâu dài, trước cả khi kết hôn. Đến sau này, những con số có phần thay đổi vì thu nhập tăng lên, nhưng về cơ bản, Trà cho biết: "Quan trọng nhất là hiểu được cách dòng tiền vận động trong gia đình, biết quý trọng sức lao động của đối phương, và học về tài chính gia đình là kỹ năng cực kỳ quan trọng trước khi bước vào hôn nhân".