Sợ kinh doanh rủi ro, gia đình tiết kiệm sẵn học phí 5 năm cho con vào cấp 1

Tô Diệp, Theo Trí Thức Trẻ 09:54 26/11/2022

Những nguyên tắc giúp Hoàng Thảo kiểm soát tài chính gia đình dễ dàng hơn.

Với những gia đình làm nghề tự do, kinh doanh rất khó để có thể kiểm soát được dòng tiền hàng tháng. Hơn thế nữa, việc nhầm lẫn giữa các khoản chi cho công việc kinh doanh và gia đình thường xuyên xảy ra, quản lý chi tiêu trở nên phức tạp hơn.

Đây chính là tình huống của gia đình Hoàng Thảo, hiện đang sống ở Việt Trì, Phú Thọ. Gia đình cô gồm 5 thành viên là vợ chồng, 2 bé, và em gái của Hoàng Thảo. Để có thể cân đối thu chi gia đình, Hoàng Thảo đã đặt ra một số nguyên tắc để có thể kiểm soát dòng tiền.

Sợ kinh doanh rủi ro, gia đình tiết kiệm sẵn học phí 5 năm cho con vào cấp 1 - Ảnh 1.

Hoàng Thảo

Chi tiêu 30-35 triệu/tháng, đầu tư nhiều cho sức khoẻ

Mỗi tháng gia đình Hoàng Thảo sẽ chi tiêu dao động 30-35 triệu. Trong đó khoản chi lớn nhất là cho ăn uống khoảng 15 triệu, bao gồm thức ăn ngày 3 bữa, hoa quả, sữa công thức, đồ ăn dặm cho em bé. Bên cạnh đó, Hoàng Thảo chi 5 triệu cho thực phẩm chức năng giúp tăng đề kháng cho các con.

"Gia đình mình luôn ưu tiên cho con trước. Do vậy, mình muốn đầu tư ăn uống làm sao để cả gia đình đảm bảo sức khỏe. Vì khoẻ mạnh rồi mới có thể kiếm tiền, tăng thu nhập. Và con cái khoẻ mạnh là yếu tố đầu tiên khiến gia đình hạnh phúc".

Theo Hoàng Thảo, nếu chỉ quan tâm tiết kiệm và không đầu tư vào sức khoẻ, nhất là trong thời điểm nhiều dịch bệnh như hiện nay, có thể sẽ tốn kém hơn. Người ta thường bảo phòng bệnh hơn chữa bệnh, chi phí thăm khám không phải là một con số nhỏ.

Ngoài ra, Hoàng Thảo chia sẻ rằng học phí của các con sẽ rơi vào khoảng 7 triệu/tháng. Với những chi phí còn lại như xăng xe, điện thoại và các khoản chi phát sinh không cố định như mua áo quần, đi ăn, đám cưới rơi vào tầm 5-8 triệu/tháng.

Sợ kinh doanh rủi ro, gia đình tiết kiệm sẵn học phí 5 năm cho con vào cấp 1 - Ảnh 2.

Hoàng Thảo rất quan tâm đến sức khoẻ gia đình

Do hiện nay đang làm kinh doanh và nghề tự do, dòng tiền thu về của gia đình cô thường từ nhiều nguồn. Trong đó, những nguồn luôn cố định chẳng hạn tiền cho thuê nhà, sẽ được sử dụng để gửi vào tài khoản tiết kiệm cho cả gia đình.

Bên cạnh đó, Hoàng Thảo cũng có một khoản tích luỹ khác, không được chi tiêu tới dành để đầu tư cho con cái. "Ví dụ, bé lớn nhà mình sắp lên tiểu học. Mình dự tính cho con theo học ở 1 trường chất lượng, học phí cũng cao hơn so với mặt bằng chung. Để đạt được điều đó, mình đã tiết kiệm một khoản tiền, bỏ ra riêng vừa đủ cho học phí trong suốt 5 năm cấp 1 của con. Như vậy, kể cả khi dịch bệnh ảnh hưởng đến kinh doanh, mình vẫn có thể đảm bảo việc học hành của con".

Trong chi tiêu, quản lý dòng tiền, cô phân chia thành 2 loại, một phần dành cho gia đình và vốn để kinh doanh. Hoàng Thảo luôn tuân theo nguyên tắc đặt ra từ đầu đó là không được phép lấy tiền dành cho gia đình đem đi kinh doanh. Điều này để đảm bảo nếu có rủi ro trong kinh doanh thì không ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình.

Bữa cơm bento Hoàng Thảo chuẩn bị cho con

Dịp lễ Tết, tự làm mọi thứ để tiết kiệm hơn

Năm nay, "bão giá" ập đến, tất cả nhu yếu phẩm đều tăng cao. Trong hoàn cảnh này, Hoàng Thảo đã tiết kiệm bằng cách hạn chế số lần đi ăn uống ở ngoài. Cô cũng tự mình học hỏi được khá nhiều công thức nấu ăn ngon ở trên mạng và từ những người xung quanh. Điều này giúp cô hạn chế đi ăn ngoài và tiết kiệm được một số tiền kha khá.

Để quản lý chi tiêu tốt hơn, Hoàng Thảo cũng sử dụng ứng dụng quản lý chi tiêu trên điện thoại. Điều này giúp có cái nhìn tổng quát và rõ ràng nhất về những khoản tiền thu chi trong gia đình theo từng ngày, tuần, và tháng.

"Kể từ khi sử dụng ứng dụng quản lý chi tiêu, mình biết cách cân đối để tiết kiệm hơn. Ví dụ như nhìn vào bảng chi tiêu thấy tuần này mình đã chi quá hơn so với mức dự kiến, tuần sau mình cắt giảm lại. Khi thấy quần áo đẹp, mình sẽ có ý thức tự hỏi: Nhà đã có đồ tương tự vậy chưa? Có thực sự cần thiết ko? Rồi mình mới quyết định mua tiếp hay dừng lại".

Hoàng Thảo cũng chia sẻ rằng sắp đến Tết là thời điểm các gia đình thường chi tiêu rất nhiều. Là mẹ bỉm sữa và thích tự làm mọi thứ, vào những dịp này, cô thường tự tay làm những món quà để đem đi biếu người thân. Ví dụ, tự làm bình hoa đào từ giấy nhún để đem đi tặng, đồ làm từ thủ công vừa thể hiện tình cảm vừa có ý nghĩa hơn. Đây cũng là một cách tốt để tiết kiệm chi phí.

Sợ kinh doanh rủi ro, gia đình tiết kiệm sẵn học phí 5 năm cho con vào cấp 1 - Ảnh 5.

"Hãy cắt giảm những chi phí nhỏ nhặt. Bởi vì, nhiều khi mình tưởng đó chỉ là khoản chi nhỏ nhưng cộng dồn lại chúng sẽ trở thành một khoản tiền khá lớn. Dù là một ly cà phê bạn mua nó vì thấy giá bình dân, duy trì thói quen ấy hàng ngày sẽ là một số tiền khá lớn. Thay vào đó, tự pha chế hoặc uống cà phê gói tại văn phòng sẽ tiết kiệm hơn", quan điểm của Hoàng Thảo trong chuyện tiết kiệm.

Ảnh: NVCC