Vợ chồng Hà Nội chi tiêu gần 50 triệu/tháng với phương châm “Tiết kiệm chứ không hà tiện”

Tô Diệp - Thiết kế: Minh Trang, Theo Phụ nữ Việt Nam 17:04 22/10/2022

Một trong những bí quyết tiết kiệm của gia đình Trọng Trung là mua đồ xịn ngay từ đầu.

Chủ đề được nhiều gia đình yêu thích nhất khi tìm đến lời tư vấn trong câu chuyện tài chính là làm sao để lập ngân sách gia đình với chi phí nhỏ nhất có thể. Song, anh Trọng Trung (30 tuổi) lại có quan điểm khá khác biệt trong khía cạnh này.

Mỗi tháng chi tiêu 45-50 triệu đồng

Trọng Trung cùng vợ hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Thu nhập của vợ chồng anh không cố định, ngoài lương, số tiền thu về hàng tháng còn phụ thuộc vào các khoản lợi tức từ đầu tư. Song, con số này thường dao động từ 65-80 triệu/tháng.

Vợ chồng Hà Nội chi tiêu gần 50 triệu/tháng với phương châm “Tiết kiệm chứ không hà tiện” - Ảnh 1.

Trọng Trung - Ảnh: NVCC

Khoản chi gia đình hàng tháng sẽ rơi 45 - 50 triệu đồng mỗi tháng, chia thành 2 phần. Phần cố định với tiền trả góp chiếm phần lớn là 20 triệu/tháng. Ngoài ra, khoản tiền liên quan đến di chuyển đi lại, bảo dưỡng xe cộ là 8-9 triệu/đồng, khoản phí liên quan đến nhà cửa là 5 triệu đồng/ tháng.

"Về ăn uống, vợ mình có thói quen ăn uống ở nhà các ngày trong tuần nên sáng dậy sẽ nấu ăn luôn cho bữa sáng và bữa trưa của hai vợ chồng để cầm đi. Tối bọn mình cũng ăn ở nhà. Chi phí cho phần này chỉ tầm 4-5 triệu/tháng. Bởi vì hầu hết thức ăn mình đều nhờ bố mẹ mua và gửi từ quê ra nên rất yên tâm về chất lượng với giá cả phải chăng".

Phần thứ 2 là khoản chi phí phát sinh như cưới hỏi, hiếu hỉ, đi chơi, mua sắm thường từ 8-10 triệu tùy theo các phát sinh đột xuất trong tháng.

"Phần tích lũy gia đình mình thường chia ra 2 khoản tiết kiệm để dành cho quỹ khẩn cấp và tiết kiệm đầu tư. Phần này không cố định hàng tháng nhưng bọn mình thường cố gắng tiết kiệm là 5% cho quỹ khẩn cấp. Quỹ này dành cho các trường hợp khẩn cấp như đau ốm, thất nghiệp… - thường được khóa cứng không sử dụng để chi tiêu ngoài và 15-20% cho quỹ tiết kiệm đầu tư bởi theo mình đầu tư mới là khoản tiết kiệm an tâm nhất".

Vợ chồng Hà Nội chi tiêu gần 50 triệu/tháng với phương châm “Tiết kiệm chứ không hà tiện” - Ảnh 2.
Vợ chồng Hà Nội chi tiêu gần 50 triệu/tháng với phương châm “Tiết kiệm chứ không hà tiện” - Ảnh 3.

Phòng khách và bếp nhà Trọng Trung - Ảnh: NVCC

Tiết kiệm chứ không hà tiện

Trọng Trung tự nhận rằng gia đình anh khá thoải mái và cũng có mức chi tiêu được cho là cao hơn mặt bằng chung. "Gia đình mình có một tiêu chí rất rõ ràng về tiết kiệm đấy là ‘Tiết kiệm chứ không hà tiện’ cho nên các khoản nào cần thiết phải chi tiêu bọn mình đều không ngần ngại chi".

Bí quyết để tiết kiệm chi phí sinh hoạt ở đây của gia đình Trọng Trung là mua các đồ dùng tốt, chất lượng cao để có thể sử dụng được lâu dài. Như vậy sẽ không phải thay đồ nội thất hay gia dụng trong nhà quá nhiều, là 1 cách tiết kiệm khá tốt. Đồng thời, anh cho rằng nên dành thời gian tìm hiểu những thứ cần mua để có thể so sánh giá cả và tìm cho bản thân chỗ mua có lợi nhất.

Bên cạnh đó, tiêu chí quan trọng nhất đối với Trọng Trung trước khi quyết định "xuống tay" mua sắm đó là tính cấp thiết và tầm ảnh hưởng của món đồ trong cuộc sống hàng ngày. Nếu một món đồ bạn mua và nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn thì đấy chính là đáng để chi tiền.

"Ví dụ, cả mình và vợ đều thích uống nước ép hoa quả và sữa hạt vậy. Do vậy, thay vì bỏ tiền mua nước ép, sữa hạt đóng chai ngoài hàng thì bọn mình đầu tư một máy ép và một máy nấu sữa hạt đời mới nhất tại nhà luôn. Tính ra đấy là một khoản đầu tư cho sức khỏe. Khi mình vừa tiết kiệm tiền mua ngoài lại vừa nâng cao sức khỏe của bản thân, mình cho rằng lúc đó bản thân hoàn toàn lãi lớn trong phần đầu tư này".

Vợ chồng Hà Nội chi tiêu gần 50 triệu/tháng với phương châm “Tiết kiệm chứ không hà tiện” - Ảnh 4.

Ảnh minh họa - Pexels

Mặt khác, Trọng Trung là một người không có thói quen ghi chép chi tiêu hàng ngày, nhưng vợ anh thì có. Dù không đến mức ghi chép tỉ mỉ từng thứ mà gia đình tiêu hàng ngày, hàng tháng cách làm ở đây là hàng tháng tổng kết lại xem đã tiêu những khoản nào. "Chẳng hạn, tiêu cho mua sắm trực tuyến, tiêu cho ăn uống, vui chơi giải trí,... Từ đó, cả 2 có cái nhìn tổng quan về chi tiêu, cái gì cần cắt giảm ở tháng sau cái gì có thể hạn chế lãng phí".

Trong quan điểm của gia đình anh Trọng Trung, rõ ràng và minh bạch là việc quan trọng nhất của quản lý chi tiêu gia đình. Song, không nên vì thế mà biến bản thân thành người quá chi li "đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành". "Hãy tiết kiệm nhưng không phải tích lũy rồi để đấy, tiết kiệm đi đôi với đầu tư mới là cách chi tiêu thông minh và hợp lý đối với những cặp vợ chồng trẻ".