Căn hộ 56m2 của vợ chồng trẻ: Nên đầu tư thiết kế nhà để có cảm giác "sở hữu"

Tô Diệp - Thiết kế: Thủy Tiên, Theo Phụ nữ Việt Nam 18:13 01/10/2022

Quan điểm tài chính cá nhân của vợ chồng trẻ khi mua nhà ở nơi đất khách.

Nhật Linh (28 tuổi) cùng chồng vào TP HCM sinh sống 2 năm trước. Vợ chồng cô đã mua 1 căn hộ 56m2 ở Dĩ An, Bình Dương như là bước đầu tiên để bắt đầu lập nghiệp ở một nơi xa quê.

"Bọn mình quyết định mua nhà ở Bình Dương là bởi vì ở đây xa trung tâm TP Hồ Chí Minh, nên giá nhà sẽ rẻ hơn. Bên cạnh đó, ở đây cũng cách TP Thủ Đức nơi bọn mình làm việc không quá xa. Nếu làm việc ở những khu đô thị mới thì đi làm còn gần hơn là từ trung tâm. Chi phí sinh hoạt cũng rẻ hơn, tiết kiệm được kha khá. Tuy nhiên, tiện ích cuộc sống chưa được như nội thành TP Hồ Chí Minh, có thể vài năm nữa sẽ tốt hơn", Nhật Linh chia sẻ.

Nhật Linh cùng chồng trong căn nhà xinh xắn

Để mua căn nhà này, vào năm 2020 khi ký hợp đồng mua bán, vợ chồng Nhật Linh đã trả trước 30% giá trị căn nhà. Sau đó, tiếp tục vay bạn bè, người thân và từ thu nhập của vợ chồng để đóng trả theo tiến độ trong vòng 2 năm. Trong khoảng thời gian này, Nhật Linh cùng chồng đã vay ngân hàng 30% giá trị căn nhà. Trong thời gian làm nội thất, vợ chồng cô bạn có vay tín dụng trả góp không mất phí và lãi cũng như kéo dài thời gian trả tiền.

Vay nợ mua nhà vẫn luôn là một bài toán hóc búa cho tất cả mọi người. Bởi vì, vay bao nhiêu phần giá trị căn nhà, tính toán ra sao để không bị khoản thanh toán cả lãi lẫn gốc đè nặng là một điều khá khó khăn với những người lần đầu vay nợ mua tài sản lớn như nhà cửa.

"Mình nghĩ chỉ nên vay tối đa 50%, chọn trả nợ trong thời gian dài để không áp lực về kinh tế. Sau này có tiền trả 1 lần trước hạn cũng không sao. Tuy nhiên, đấy là trường hợp của gia đình mình. Còn vay bao nhiêu phần trăm tuỳ thuộc vào tài chính của mỗi gia đình. Hiện nay, vẫn có nhiều ngân hàng cho vay tới 70% giá trị BĐS, ắt hẳn sẽ có những người cảm thấy điều này phù hợp với tài chính gia đình mình, bởi vì có cung mới có cầu".

Phòng khách với thiết kế tinh tế, ấm cúng

Nhật Linh chia sẻ rằng dù là trước khi vay nợ mua nhà hay đến tận bây giờ, gia đình cô vẫn tuân thủ quy tắc quản lý chi tiêu theo phương pháp 6 chiếc hũ cũng như ghi chép đầy đủ các khoản chi ra cũng như nguồn thu để tiện theo dõi. Sau khi vay nợ, Nhật Linh có điều chỉnh tỷ lệ hũ chi tiêu một chút, tăng "tiết kiệm", giảm "hưởng thụ" và "cho đi". Cô nhấn mạnh rằng đây là giảm chứ không phải cắt hoàn toàn, vậy nên gia đình cô vẫn đi chơi, ăn nhà hàng và mua sắm chứ không quá tiết kiệm.

"Mua nhà ở nơi xa thì mình phải tự lập tất cả, không có ai giúp đỡ được nhiều. Ngược lại, mình có thể tự do quyết định mà không bị ai can thiệp hay tác động vào quyết định đó. Vì dù sao với thế hệ bố mẹ ông bà mình thì mua nhà vẫn là 'việc lớn' và rất cẩn trọng", quan điểm của Nhật Linh khi nói về câu chuyện mua nhà ở một thành phố xa quê.

Góc bếp đầy đủ tiện nghi

Bên cạnh đó, hiện nay nhiều người cho rằng mua nhà là yếu tố tiên quyết khi tiến tới chuyện kết hôn lập gia đình. Nhật Linh chia sẻ rằng bản thân gia đình cô luôn hướng tới cuộc sống nhẹ nhàng, bình yên. Do vậy, mua nhà là một cách để đạt được điều đó. "Hai đứa mình luôn muốn có chỗ để đi về, có chỗ an cư, có một nơi cố định để không phải lo lắng về chỗ ở trong một thời gian dài".

Nhật Linh cũng cho rằng căn hộ như gia đình cô thì nên đầu tư cho nội thất. Thứ nhất là vì nhà diện tích nhỏ, nếu muốn ngăn nắp, gọn gàng thì cần được thiết kế ngăn chứa phù hợp. Ngoài ra, nhà được thiết kế bởi những người có chuyên môn dựa trên phong cách riêng của gia đình sẽ tạo được cảm giác sở hữu, đây là nhà của mình, nơi đặc biệt chứ không còn "tạm bợ" như nhà trọ.

Dựa trên những kinh nghiệm cá nhân trong câu chuyện tài chính mua nhà cửa, Nhật Linh chia sẻ nguyên tắc của bản thân khá đơn giản. "Đầu tiên, như đã nhắc ở trên, mình luôn chia thu nhập thành 6 chiếc hũ để cân bằng chi tiêu và tiết kiệm. Không bao giờ để tiền vào một nơi. Mình cũng dùng ứng dụng quản lý chi tiêu để kiểm soát thu - chi, tiết kiệm thời gian. Chăm chỉ làm việc và tăng thu nhập hàng năm cũng như đặt mục tiêu tài chính và luôn có kế hoạch kỹ càng để thực hiện chúng".

Ảnh: NVCC