Cỏ nhọ nhồi hay còn gọi là cỏ mực, mặc hán liên, hạn liên thảo, là loại cây mọc dại rất phổ biến tại Việt Nam. Từ xa xưa, cỏ nhọ nồi đã được người Việt lấy về để chữa trị một số bệnh về tiêu hóa, vàng da hoặc dùng để hạ sốt,... Theo HealthifyMe, cỏ nhọ nồi đóng vai trò quan trọng trong nền y học cổ truyền Ayurveda của Ấn Độ. Trong các văn bản cổ của Ayurveda, nhọ nồi được ca ngợi bởi đặc tính làm trẻ hóa da, chống rụng tóc, tăng cường chức năng gan, bảo vệ sức khỏe tổng thể và được sử dụng làm thành phần chính trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Người Ấn Độ thậm chí còn gọi cỏ nhọ nồi là “vua của các loại thảo mộc”.
Các nghiên cứu hiện tại đã chỉ ra cỏ nhọ nồi còn có tác dụng giảm mỡ máu, giảm huyết áp.
Cỏ nhọ nồi có nhiều lợi ích cho sức khỏe (Ảnh minh họa).
Trong Ayurveda, cỏ nhọ nồi được cho là có tác dụng chống rụng tóc, thúc đẩy mọc tóc con, giúp tóc chắc khỏe, ngăn ngừa tóc bạc và gàu.
Healthline đã trích dẫn kết quả của một nghiên cứu trên động vật cho thấy, cỏ nhọ nồi có tác dụng thúc đẩy mọc tóc rất tốt, đồng thời ức chế quá trình rụng tóc.
Very Well Health trích dẫn kết quả của một số nghiên cứu chứng minh chiết xuất từ cỏ nhọ nồi còn có tính kháng khuẩn và kháng nấm nhẹ giúp kiểm soát và ngăn ngừa gàu.
Healthline thông tin, người Ấn Độ cổ đại thường dùng cỏ nhọ nồi cùng một số thảo mộc khác để ngăn ngừa tình trạng tóc bạc sớm.
Theo HealthifyMe, cỏ nhọ nồi được sử dụng như một loại thuốc bổ gan bởi chúng có đặc tính bảo vệ gan. Cỏ nhọ nồi giúp giải độc gan, giảm căng thẳng oxy hóa tại gan và thúc đẩy tái tạo tế bào gan. Các thành phần hoạt tính trong cỏ nhọ nồi giúp loại bỏ độc tố, hỗ trợ tiết mật và duy trì chức năng gan. Sử dụng thường xuyên cỏ nhọ nồi còn giúp bảo vệ gan khỏi các tổn thương do độc tố, rượu và một số loại thuốc.
Ngoài chống rụng tóc, cỏ nhọ nồi còn có tác dụng bảo vệ gan, giảm mỡ máu và huyết áp (Ảnh minh họa).
Các kết quả từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy cỏ nhọ nồi có tác dụng giảm tổng lượng cholesterol, đặc biệt là cholesterol “xấu” - LDL và triglyceride.
Very Well Health cũng trích dẫn kết quả của một thử nghiệm lâm sàng cho thấy cỏ nhọ nồi có thể hoạt động như một loại thuốc lợi tiểu, giúp hạ huyết áp ở những người trưởng thành bị tăng huyết áp nhẹ.
Hiện, có rất ít bằng chứng về tác dụng phụ của cỏ nhọ nồi. Tuy nhiên, nếu muốn dùng loại cây này với mục đích hỗ trợ điều trị bệnh, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.
Ngoài ra, cỏ nhọ nồi có thể hấp thụ kim loại từ môi trường nếu chúng sinh sống tại các khu vực ô nhiễm. Do đó, hãy đảm bảo lấy cỏ nhọ nồi ở nơi sạch sẽ, không bị ô nhiễm hoặc không nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ.
Nếu là lần đầu tiên sử dụng chiết xuất cỏ nhọ nồi, hãy bôi một ít lên cẳng tay và chờ ít nhất 30 phút để quan sát xem có triệu chứng dị ứng như ngứa, châm chích, sưng hoặc đổi màu da hay không rồi hãy tiếp tục sử dụng.
Cỏ nhọ nồi có thể tương tác với một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc giảm mỡ máu. Những người đang sử dụng thuốc điều trị bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cỏ nhọ nồi.
(Tổng hợp)