Rụng tóc không chỉ là vấn đề về ngoại hình mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của nhiều người. Khi tóc bắt đầu rụng nhiều, không ít người cảm thấy tự ti, lo lắng, thậm chí trầm cảm. Tình trạng này có thể dẫn đến những vấn đề tâm lý kéo dài. Bên cạnh đó, rụng tóc cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang thiếu hụt dưỡng chất, căng thẳng quá mức hoặc các vấn đề về sức khỏe nội tiết. Điều này cũng gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của nhiều người.
Để cải thiện tình trạng này, nhiều người đã tìm đến các giải pháp từ thiên nhiên, giúp dưỡng tóc hiệu quả. Một trong số đó là sử dụng cỏ nhọ nồi - một loại thảo dược quen thuộc - có khả năng chống rụng tóc và kích thích mọc tóc.
Cỏ nhọ nồi (hay còn gọi là cỏ mực) có tên khoa học là Eclipta prostrata, thuộc họ cúc. Theo Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, tại Việt Nam, cỏ nhọ nồi mọc dại ven đường, ven bờ ao, ven bờ sông ở các vùng quê.
Tại Việt Nam, cỏ nhọ nồi mọc dại ven đường, ven bờ ao, ven bờ sông ở các vùng quê.
Theo trang Health (website đăng tải các bài viết về sức khỏe của Mỹ), cỏ nhọ nồi thường được dùng để dưỡng tóc.
Bác sĩ Swathi Ramamurthy (Ấn Độ) chia sẻ trên trang Times of India rằng cỏ nhọ nồi có thể giúp chân tóc chắc khỏe và kích thích mọc tóc. Một số nghiên cứu cũng xác nhận rằng cỏ nhọ nồi có thể có thể kích thích các nang tóc bước vào giai đoạn anagen (giai đoạn các tế bào trong chân tóc phân chia nhanh chóng để hình thành một sợi tóc mới), từ đó giải quyết tình trạng rụng tóc và kích thích tóc mọc dày và dài hơn.
Cỏ nhọ nồi cũng chứa các hợp chất có lợi như triterpenoids và luteolin. Các hợp chất này giúp bảo vệ tế bào melanocyte - tế bào tạo sắc tố cho tóc - giúp tóc đen mượt, khỏe mạnh và ngăn ngừa tóc bạc sớm.
Các chất như beta-sitosterol và alkaloid trong cỏ nhọ nồi có đặc tính chống viêm và chống nấm hiệu quả. Các chất này giúp làm dịu da đầu, giảm ngứa và ngăn ngừa kích ứng. Cỏ nhọ nồi được ví như một chất làm sạch tự nhiên, giúp loại bỏ dầu thừa và bụi bẩn trên da đầu, giúp da đầu luôn khỏe mạnh, trang Times of India viết.
Theo bác sĩ Rini Vohra Srivastava (Ấn Độ), thoa dầu chiết xuất từ cỏ nhọ nồi lên da đầu còn giúp thúc đẩy lưu thông máu, cải thiện lưu lượng máu mang dinh dưỡng đến nuôi nang tóc, từ đó giúp sợi tóc chắc khỏe hơn.
Cỏ nhọ nồi giúp dưỡng tóc hiệu quả.
Rửa sạch và giã nát cỏ nhọ nồi tươi, vắt lấy nước cốt. Trộn đều với dầu dừa và dầu vừng. Làm ẩm tóc rồi thoa hỗn hợp này lên tóc. Massage nhẹ nhàng trong 5 phút, rồi ủ tóc khoảng 30 phút. Gội lại đầu bằng nước ấm và dầu gội dịu nhẹ. Mỗi tuần thực hiện 2-3 lần.
Bác sĩ y khoa Mỹ Sanjay Batra gợi ý mọi người có thể dưỡng tóc bằng dầu chiết xuất từ cỏ nhọ nồi theo công thức dưới đây.
Trộn dầu chiết xuất từ cỏ nhọ nồi với dầu ô liu hoặc dầu dừa theo tỷ lệ 1:1. Sau khi gội sạch đầu hãy thoa hỗn hợp này lên tóc khi tóc còn ẩm. Massage da đầu và ủ tóc trong khoảng 30 phút. Xả lại tóc bằng nước sạch và gội đầu với dầu gội dịu nhẹ để làm sạch da đầu.
Sử dụng dầu chiết xuất từ cỏ nhọ nồi để dưỡng tóc. (Ảnh minh họa)
Sử dụng cỏ nhọ nồi có thể đem đến một số lợi ích cho sức khỏe tim mạch bằng 2 cách dưới đây:
- Có thể giúp hạ mỡ máu: Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy cỏ nhọ nồi có tác dụng làm giảm lượng cholesterol toàn phần, cholesterol “xấu” LDL và triglyceride. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng tích tụ mảng bám (chất béo) trong động mạch.
- Ổn định huyết áp: Một số dữ liệu cho thấy cỏ nhọ nồi thể giúp hạ huyết áp ở những người bị tăng huyết áp nhẹ, theo thông tin trên trang Health.
Ngoài lợi ích với sức khỏe tim mạch, cỏ nhọ nồi cũng là vị thuốc được ứng dụng nhiều trong y học cổ truyền của Việt Nam.
Theo nghiên cứu của Viện dược liệu, cỏ nhọ nồi có tác dụng cầm máu. Vị thuốc này còn được dùng trong điều trị bệnh sốt xuất huyết, bệnh nha chu, trị chứng gan to, sưng bàng quang, sưng đường tiểu, trị mụn nhọt đầu đinh... hỗ trợ điều trị ung thư và nhiều bệnh khác, thông tin được đăng tải trên website của bệnh viện Vinmec.
Tuy nhiên để đảm bảo an toàn sức khỏe, khi sử dụng cỏ nhọ nồi làm thuốc trị bệnh, mọi người nên tham khảo ý kiến của chuyên gia.