Việt Anh - CEO BOO (Bò sữa): "Các bạn trẻ hiện nay có nhiều cách để thể hiện tình yêu với môi trường, nhưng nhiều khi, các bạn hơi... "căng" quá"

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 08:06 19/03/2019
Chia sẻ

"Tôi khâm phục với cách nhiều bạn trẻ sống theo kiểu Zero Waste đích thực, các bạn ấy làm được những thứ tôi không làm được. Nhưng chưa bao giờ tôi muốn giống họ. Tôi muốn hưởng thụ cuộc sống này một cách vừa đủ, nhưng vẫn có thể bảo vệ môi trường" - Đỗ Việt Anh chia sẻ.

Có một sự thật không phải ai cũng biết, thời trang là ngành công nghiệp gây ô nhiễm thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau dầu mỏ. Trong ngành công nghiệp tiêu dùng, khi mục tiêu lợi nhuận được đặt lên trên hết, vô tình đặt môi trường vào một cuộc đua không cân sức.

Cách đây 10 năm, người trẻ Việt nói chung chả mảy may quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường. Chỉ đến khi Việt Nam lọt top những quốc gia bị đe dọa nhiều nhất bởi rác thải nhựa, trái đất nóng lên, người ta mới bất giác nhìn lại. Khi chúng ta nói "thôi" trong một giây ngắn ngủi: "Thôi, 1 túi nilon đâu có giảm được ô nhiễm", "Thôi, mình đâu có thay đổi được gì",.. lại vô tình "phủi" bay mọi nỗ lực của các cá nhân, tổ chức khác.

Mỗi năm, gần đến ngày "Giờ Trái Đất", chiến dịch "Tắt đèn - Bật ý tưởng" do BOOVironment - Ban Dự án môi trường của công ty cổ phần Thương mại BOO lại được phát động, với những chủ đề gần gũi với môi trường. Đứng sau thành công của "Tắt đèn - Bật ý tưởng" cùng hàng loạt hoạt động khác của Boo là team BOOVironment và anh Đỗ Việt Anh - CEO, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại BOO.

Việt Anh - CEO BOO (Bò sữa): Các bạn trẻ hiện nay có nhiều cách để thể hiện tình yêu với môi trường, nhưng nhiều khi, các bạn hơi... căng quá - Ảnh 1.

Đỗ Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại BOO.

Tôi khâm phục với cách nhiều bạn trẻ sống theo kiểu Zero Waste đích thực, nhưng chưa bao giờ tôi muốn giống họ

Chào anh Việt Anh, trong 10 năm qua, anh nghĩ giới trẻ nhận thức như nào về vấn đề môi trường?

Chắc chắn là khác hẳn rồi, theo chiều hướng tích cực.

Thực ra cách đây khoảng 1 năm, tôi nghe được một câu nói mà đến giờ tôi vẫn thấy đúng, rằng: "Sự tác động lớn nhất và có thể thay đổi vấn đề này, phải đi từ Chính phủ". Sẽ có những bạn trẻ yêu môi trường, thích, hơi thích thích, thậm chí thờ ơ với nó. Tôi thấy đấy là điều bình thường, xã hội vốn như vậy rồi! Nhưng tất cả những gì chúng ta đang làm, không thể bằng một phần nhỏ nếu có tác động lớn hơn từ phía Chính phủ.

Các bạn trẻ hiện nay có nhiều cách để thể hiện tình yêu với môi trường, một trong số đó là lối sống Zero Waste. Tôi hoàn toàn ủng hộ. Nhưng nhiều khi, các bạn hơi... "căng" quá.

Tôi vẫn luôn nhìn các bạn ấy như những người hùng thực sự, song song với đấy đôi khi họ nên biết điểm dừng ở đâu. Họ quá mong đợi thế giới, những người khác phải giống như họ, thế mới là Zero Waste 100%. Tôi nghĩ không nên như vậy. Nếu các bạn ấy nhận ra điểm yếu này và thay đổi, thông điệp của họ sẽ còn lan tỏa tới số đông hơn nữa.

Bản thân anh, có phải làm kinh doanh nên anh nhìn vấn đề có phần dài - ngắn hạn hơn không?

Thi thoảng tôi cũng có nói: do tôi là người làm kinh doanh, nên tôi nhìn mọi vấn đề dưới con mắt người kinh doanh. Có những thứ mình nên hy sinh trước mắt để được cái dài hơn. Mình lùi 1 bước để sau đó tiến 10 bước. Tôi luôn quan niệm việc bảo vệ môi trường là 1 con đường dài, đừng nghĩ bảo vệ môi trường là biến cuộc sống này thành cực khổ.

Tôi khâm phục với cách nhiều bạn trẻ sống theo kiểu Zero Waste đích thực, các bạn ấy làm được những thứ tôi không làm được. Nhưng chưa bao giờ tôi muốn giống họ. Lúc nào cần tôi sẽ bật điều hòa, bật điện. Dù là người ghét ống hút nhựa, cốc sử dụng một lần, nhưng có những lúc tôi buộc phải dùng khi không có sự lựa chọn khác. Hoặc do chính sơ suất của bản thân, nhiều khi tôi quên không mang theo bình nước, nhiều khi tôi lười, tôi sẽ rất dằn vặt mỗi khi dùng đồ nhựa một lần. Nhưng mình còn nhiều lần nữa để khắc phục, không phải chỉ một lần là có thể Zero Waste ngay.

Chúng ta có nhiều cách yêu môi trường thay vì làm quá nhiều thứ "hào nhoáng". Tôi luôn cố gắng làm từ những thứ nhỏ nhất, có thể tác động tốt tới môi trường, bằng cách này hay cách khác.

Việt Anh - CEO BOO (Bò sữa): Các bạn trẻ hiện nay có nhiều cách để thể hiện tình yêu với môi trường, nhưng nhiều khi, các bạn hơi... căng quá - Ảnh 2.

Hạn chế nhựa, tôi biết là khó, nhưng phải hành động từ những điều nhỏ nhất

Theo anh, giới trẻ hiện nay có thực sự sống xanh vì môi trường, hay chỉ mang tính chất "phong trào", một thời gian sau "ngựa lại quen đường cũ"?

Tôi nghĩ phong trào nào cũng sẽ có những "phân loại". Có những người thực sự hành động vì môi trường, nhưng cũng có kẻ chỉ đang cố tạo vẻ bề ngoài xanh cho mình, nhưng thực sự bên trong trống rỗng. Liệu có nhất thiết phải như vậy?

Cá nhân tôi nghĩ mình phải cố gắng nuôi dưỡng cách sống xanh từng bước một, bền vững và dài lâu.

Đằng sau tất cả những câu chuyện về môi trường, túi nilon hay rác thải nhựa vẫn luôn là một bài toán khó?

Tôi vẫn thỉnh thoảng dùng túi nilon, nhưng đó đều là những trường hợp bất đắc dĩ và tôi đều tái sử dụng sau đó. Thường ngày, tôi mang theo bên mình một chiếc túi vải hoặc cố gắng ôm mọi thứ bằng tay.

Ngày xưa các bà nội trợ đi chợ bằng làn, gói thức ăn bằng lá sen, lá chuối. Tại sao bây giờ chúng ta không làm những thứ như vậy? Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục khách hàng quay lại với những chiếc làn, túi giấy, lá sen, dù chúng không tiện nghi bằng túi nilon.

Tính đến hiện tại, túi nilon quá thành công. Tôi nghĩ nên "trao giải Nobel ngược" cho phát minh ấy, vì nó quá tiện dụng.

Dần dần mọi người sẽ phải biết cách giảm bớt tiêu chuẩn tiện dụng của một chiếc túi nilon. Trên thế giới, với những bộ óc siêu sáng tạo, con người đang cố gắng tạo ra những thứ thay thế túi nilon, hộp xốp, cốc dùng một lần. Tôi nghĩ đấy là những điều tích cực, tín hiệu xanh cho tương lai.

Việt Anh - CEO BOO (Bò sữa): Các bạn trẻ hiện nay có nhiều cách để thể hiện tình yêu với môi trường, nhưng nhiều khi, các bạn hơi... căng quá - Ảnh 3.

Nếu quay lại với những chiếc làn, lá sen, lá chuối, phải chăng xã hội đang thụt lùi?

Tôi nghĩ mình có thể đi lùi về sự tiện nghi trong 1 số hoạt động nhưng loài người vẫn tiến lên, công nghệ vẫn phát triển.

Hạn chế nhựa, tôi biết là khó, nhưng để giữ được trái đất, để chúng ta còn có thể sống ở trên nó dài hơn, ắt phải hành động từ những điều nhỏ nhất. Những người làm được việc nhỏ sẽ là người hùng của những người không làm được gì cả.

Dĩ nhiên bảo vệ môi trường là việc cấp bách mình cần phải làm, không phải vì trách nhiệm, mà là cái tâm, để mỗi ngày chúng ta bớt bị dằn vặt hơn.

Tôi muốn hưởng thụ cuộc sống một cách vừa đủ nhất, nhưng vẫn có thể bảo vệ môi trường theo cách của riêng mình.

Việt Anh - CEO BOO (Bò sữa): Các bạn trẻ hiện nay có nhiều cách để thể hiện tình yêu với môi trường, nhưng nhiều khi, các bạn hơi... căng quá - Ảnh 4.

Một công ty có thể phát triển bền vững chỉ khi nó gắn liền với các giá trị của xã hội

"Tắt đèn - Bật ý tưởng" xuất phát từ đâu, thời điểm nào? Và tính đến hiện tại chiến dịch này liệu đã có chỗ đứng nhất định đối với các bạn trẻ hay chưa?

"Tắt đèn - Bật ý tưởng" bắt đầu từ thời điểm tôi mới thành lập công ty, một-cái-gì đó quy mô hơn. Boo xuất hiện trên thị trường công nghiệp thời trang từ năm 2003. Sau 6 năm, tôi và em trai, Việt Hùng (đồng sáng lập BOO) tự tạo một thương hiệu riêng, thật sự mong muốn đem một tầm ảnh hưởng nhất định đến phong cách sống cho các bạn trẻ. Không chỉ dừng lại ở những hoạt động xã hội đi đôi với thương hiệu, chúng tôi gắn liền với văn hóa đường phố Việt Nam.

Thời bấy giờ, rất ít người quan tâm tới vấn đề môi trường. Tôi nghĩ nếu mình không tự làm thì hiếm có ai, nhất là khi Boo bắt đầu len lỏi vào đời sống giới trẻ.

Năm đầu tiên "Tắt đèn - Bật ý tưởng", chúng tôi lấy chính thế mạnh của mình - áo phông và sự sáng tạo - để mở đầu chiến dịch. Chúng tôi tổ chức một cuộc thi thiết kế áo phông với chủ đề liên quan tới môi trường. Khi mà những thông điệp ngoài xã hội còn quá khô khan, như "Hãy vứt rác vào thùng đi", tuy đơn giản nhưng không chạm vào cảm xúc của người xem. Chính vì vậy, tôi chọn thông qua hình in trên áo phông, là cách tiếp cận hoàn toàn khác, mới mẻ hơn, bởi thế mọi người dễ nhận diện thông điệp hơn.

Việt Anh - CEO BOO (Bò sữa): Các bạn trẻ hiện nay có nhiều cách để thể hiện tình yêu với môi trường, nhưng nhiều khi, các bạn hơi... căng quá - Ảnh 5.

Mỗi năm, tôi cố gắng làm chiến dịch lớn hơn, kết hợp với các trường học, công ty rồi dần dần mở rộng. Những năm gần đây, chúng tôi tập trung lan tỏa thông điệp trực diện hơn, hướng tới một sự thay đổi cụ thể. Điển hình năm 2016, Boo kết hợp với WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên) gây quỹ, quyên góp trồng rừng chống ngập mặn ở Thừa Thiên Huế.

Năm 2017, chúng tôi mang tới slogan "Quyết sạch cho Hà Nội quyết xanh", "lôi kéo" các tổ chức, nhóm sinh viên cùng tạo ra các phong trào bảo vệ trái đất.

Boo tạo ra các nền tảng, đứng giữa trung tâm để kết nối các bạn trẻ, KOL, doanh nghiệp, tạo ra làn sóng lớn nhất, mà ở đó vai trò thuộc về chính các bạn trẻ. Hãy tham gia, mỗi người một hành động nhỏ. Chúng tôi cố gắng tập trung vào hành động thực, chứ không chỉ dừng lại ở việc hô hào. "Điểm đến xanh" có lẽ là dự án mà chúng tôi kỳ vọng là dài hơi. Với bất cứ doanh nghiệp nào, họ đều có thể trở thành điểm đến xanh, cam kết xanh hóa. Yêu cầu quan trọng là phải có sự thay đổi, chứ không chỉ nói suông.

Thế Boo đã có sự thay đổi như nào trên tiến trình "xanh hóa" chính mình?

Cả năm 2018, chúng tôi tự đưa mình trở thành một điểm đến xanh, bên cạnh việc hô hào khách hàng phải là người xanh nhất.

Boo sử dụng sợi bông hữu cơ trong sản phẩm của mình thay vì cotton bình thường, chiếm đến 35% tổng số thành phần. Mặc dù giá thành đắt hơn nhưng chất liệu này an toàn hơn với môi trường, thiên nhiên, và người sản xuất lần người tiêu dùng. Ngoài ra, Boo còn sử dụng mực in thân thiện với môi trường, loại mực in gốc nước vẫn cho chất lượng in cao mà không có các chất phụ gia độc hại như các loại mực truyền thống.

Tới nay, 90% nguyên liệu sản xuất được Boo nhập về từ các đối tác trong nước. Các cửa hàng và chu trình sản xuất đều cố gắng cắt giảm sử dụng túi nilon.

Thông thường, để một chiếc áo đến tay khách hàng, nó phải đi qua nhiều quá trình, lần lượt từ túi nilon này tới túi nilon khác để bảo quản tốt nhất, khách hàng hài lòng nhất. Nhưng liệu có cần thiết như vậy không? Tôi nghĩ nếu biết cách làm, cố gắng yêu cầu nhà máy đóng gói 10 cái áo trong cùng 1 chiếc túi, như vậy cứu được 9 túi nilon.

Việt Anh - CEO BOO (Bò sữa): Các bạn trẻ hiện nay có nhiều cách để thể hiện tình yêu với môi trường, nhưng nhiều khi, các bạn hơi... căng quá - Ảnh 6.

Chúng tôi cố gắng tối ưu hóa túi nilon khi nó được tháo ra tại điểm bán, sẽ được đem gửi về kho tổng, quay lại nhà cung cấp, yêu cầu họ phải tái sử dụng. Tuy không thể cứu hoàn toàn 100% túi nilon, nhưng ít ra chúng tôi đã cứu được rất nhiều.

Ở các cửa hàng, Boo luôn dành ra một góc bò sữa xanh nho nhỏ, đưa những thông điệp về môi trường. Đặc biệt, chúng tôi kêu gọi khách hàng không sử dụng chính túi của Boo. Nếu các bạn tự mang túi vải đến, chúng tôi sẽ giảm giá sản phẩm. Năm vừa rồi, Boo tốn kha khá tiền, tôi chỉ mong tốn càng nhiều càng tốt! Điều đó có nghĩa, các bạn trẻ đang quan tâm nhiều hơn tới môi trường.

Boo có ban môi trường riêng, còn gọi là BOOVironment để xúc tiến nhiều hoạt động xanh hóa. Chúng tôi muốn trước khi đứng lên kêu gọi mọi người thì chính bản thân chúng tôi phải đi đầu. Thường thì chưa bắt tay vào làm, nhiều người tự đặt rào cản, nhưng tôi không nghĩ vậy. Chúng ta cứ làm những việc nhỏ trước, từng bước một. Tôi nghĩ Boo hoàn toàn nhiệt huyết vì môi trường nhưng chúng tôi cũng biết, chưa bao giờ là quá đủ. Chúng tôi cũng không bao giờ nói Boo là doanh nghiệp xanh nhất, chỉ muốn xanh hơn, vì chúng tôi biết mình đang đứng ở đâu trong ngành công nghiệp thứ 2 giết chết môi trường.

Kinh doanh không chỉ là tạo ra lợi nhuận mà là được đóng góp cho xã hội và truyền cảm hứng để mang lại những thay đổi tích cực cho người trẻ.

Việt Anh - CEO BOO (Bò sữa): Các bạn trẻ hiện nay có nhiều cách để thể hiện tình yêu với môi trường, nhưng nhiều khi, các bạn hơi... căng quá - Ảnh 7.

Với tôi, thước đo thành công trong lĩnh vực mình làm không phải là tôi kiếm được bao nhiêu tiền, tôi mua được bao nhiêu nhà và tôi có bao nhiêu chiếc ô tô. Thành công đo bởi thương hiệu của tôi ảnh hưởng đến xã hội như thế nào? Tôi đưa được tầm ảnh hưởng ra sao? Tôi gửi được thông điệp gì đến giới trẻ?

Một công ty có thể phát triển bền vững chỉ khi nó gắn liền với các giá trị của xã hội. 

Bò Sữa giảm 10.000đ cho khách hàng từ chối nhận túi đựng khi mua hàng để bảo vệ môi trường. Năm 2018 có 10791 khách hàng từ chối.

Bò Sữa thu gom túi nilon đựng sản phẩm và tem mác để tái sử dụng. Năm 2018 thu gom 195722 túi nylon (~ 2351 kg nhựa) và 31930 tem mác.

Bò Sữa thu gom quần áo cũ để chuyển cho 1 dự án tái chế quần áo cũ. Năm 2018 thu gom hơn 1000 đồ.

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện.

Zero Waste Lifestyle có thể được hiểu là lối sống không hoặc tạo ra rất ít rác thải, bằng cách sử dụng các vật dụng bền vững, kết hợp với tái chế và ủ phân vi sinh để xử lý rác hữu cơ. Tuy nhiên, khái niệm Zero Waste còn khá xa lạ ở Việt Nam, nơi mức sống của người dân còn thấp. Mỗi ngày, chúng ta sử dụng và thải ra môi trường quá nhiều rác thải nhựa, đến mức nó đã trở thành một lẽ thường tình, con người không nghĩ hoặc không quan tâm tới tác hại sau này.

"Zero Waste" là chuyên đề do Kênh14 thực hiện nhằm đem đến bức tranh toàn cảnh về tình hình môi trường Việt Nam hiện nay và những biện pháp hướng tới cách sống giảm thải rác.

Chúng ta hoàn toàn có thể quyết định việc tương lai sẽ được bơi lội trong làn nước trong xanh hay đại dương đầy rác. Nếu từ bây giờ, chúng ta cùng chung tay thực hiện những hành động nhỏ hằng ngày để bảo vệ môi trường, biết đâu mai sau, môi trường sẽ khoẻ hơn, cuộc sống con người do đó cũng tốt hơn.

Việt Anh - CEO BOO (Bò sữa): Các bạn trẻ hiện nay có nhiều cách để thể hiện tình yêu với môi trường, nhưng nhiều khi, các bạn hơi... căng quá - Ảnh 10.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày