Trung bình mỗi ngày, mỗi người Việt Nam thải ra 1,2kg rác.
Nếu làm tròn dân số Việt Nam là 100 triệu người, thì số lượng rác thải là 120.000 tấn mỗi ngày. Trong số đó, 16% là rác thải nhựa, vị chi mỗi ngày sẽ có gần 19.000 tấn rác thải nhựa bị thải ở Việt Nam và chủ yếu là đi ra đại dương, không còn cách nào khác.
Chúng ta đều được biết, rác thải nhựa cần hàng trăm năm, thậm chí là cả nghìn năm để bị phân huỷ, nhưng chỉ cần một phút để vứt chúng ra môi trường. Chúng ta coi môi trường là "cha chung", nên thành thử "không ai khóc", trừ phi nó ảnh hưởng trực tiếp đến chính cuộc sống của một ai đó.
Có bao giờ bạn tự hỏi: Mỗi ngày, trong tất cả hoạt động thường nhật, chúng ta âm thầm phá huỷ môi trường như thế nào?
Lekima Hùng - một nhiếp ảnh gia có tiếng ở Hà Nội - vừa hoàn thành chuyến hành trình dọc 3.000km bờ biển Việt Nam để chụp những bức hình về rác thải nhựa. Một tháng rưỡi trên lưng "con ngựa sắt" hiếu chiến, anh đi qua 28 tỉnh thành ven biển. Các bạn sẽ nhìn thấy những nơi mà anh gọi là "không có trong sự thật bởi tận cùng của rác thải. Những bải biển, kênh rạch, mặt sông, xóm làng,... không hề lung linh, xanh mát như trên bìa tạp chí hay phim ảnh.
Một điều day dứt mà anh chia sẻ, rằng chính những hành động nhỏ nhặt hàng ngày của chúng ta, lại chính là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng rác thải trầm trọng như hiện nay.
Sáng sớm thức dậy, việc làm đầu tiên của bạn ắt hẳn là đánh răng, rửa mặt, đúng không?
Có thể bạn thừa biết, trong nhiều sản phẩm làm sạch như sữa rửa mặt, sữa tắm, kem đánh răng, sữa tẩy tế bào chết... có chứa những hạt siêu nhỏ với tác dụng có thể thấm sâu loại bỏ bụi bẩn và chất nhờn trên da.
Những hạt nhỏ li ti trông rất đẹp mắt này được gọi là microbeads hay là những hạt vi nhựa với kích thước nhỏ hơn 5 mm (đa số là nhỏ hơn 1mm), tỉ lệ hạt này trong các sản phẩm là khác nhau, có thể từ dưới 1% cho đến hơn 90% trọng lượng sản phẩm.
Những hạt vi nhựa chính là sản phẩm của sự phân hủy nhựa, về cơ bản nó được làm từ polyethylene nhưng có thể là nhựa hóa dầu khác như polypropylene và polystyrene. Tuy chỉ là những hạt nhựa vô cùng nhỏ, nhưng chúng lại có ảnh hưởng không ngờ đến môi trường sống và sức khỏe con người.
Vì thế, chúng thường được gọi bằng cái tên "kẻ giết người" thầm lặng.
Khi mua các sản phẩm có chứa các hạt vi nhựa, chúng ta chỉ nghĩ đơn giản là chúng có tác dụng làm sạch sâu mà không ngờ rằng chúng có thể gây hại cho môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Sau khi hoàn thành vai trò "chất làm sạch sâu" như quảng cáo, các hạt nhựa nhỏ này lọt sàng qua hệ thống xử lý nước thải ra sông hồ, ao và đại dương, từ đó, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như chuỗi thức ăn.
Khi hạt vi nhựa hòa vào nguồn nước, chúng sẽ hấp thụ chất độc trong nước và trở nên cực kỳ độc. Cá, chim và nhiều loài thủy sinh khác nhầm lẫn là thực phẩm và ăn vào. Vì đặc tính không tan và khó phân hủy nên có hàng nghìn phân tử hạt vi nhựa bị tích lại trong cơ thể thực vật, động vật. Sau đó đến lượt chúng bị ăn theo chuỗi thức ăn và con người là... "bến đỗ" cuối cùng trong chuyến hành trình của các hạt vi nhựa.
Trong nỗ lực giải cứu chính mình, sau gần 2 năm dự thảo, Canada chính thức cấm việc sử dụng các hạt vi nhựa trong ngành sản xuất các sản phẩm vệ sinh cá nhân. Từ ngày 1/7/2018, việc sản xuất, nhập khẩu và bán các sản phẩm vệ sinh cá nhân bị cấm hoàn toàn.
Tổng thống Barack Obama đã ký dự luật được Quốc hội thông qua và 2017, Mỹ chính thức cấm sử dụng hạt vi nhựa trong ngành mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân. Việc cấm sản xuất các loại dược phẩm bán không theo đơn và các loại mỹ phẩm chứa hạt vi nhựa sẽ bắt đầu từ 1/7/2018 và việc cấm bán các loại dược phẩm không cần kê đơn sẽ bắt đầu từ 1/7/2019. Trong lúc đó các nhà sản xuất cần tìm các thành phần thay thế thân thiện với môi trường hơn.
Từ tháng 9/2016, chính phủ Anh đã cam kết cấm sản xuất mỹ phẩm chứa hạt vi nhựa và vào ngày 9/1/2018, lệnh cấm này chính thức có hiệu lực. Đây được xem là một trong những lệnh cấm nghiêm khắc nhất trên thế giới đối với việc sử dụng các hạt siêu nhỏ độc hại này.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Môi trường Anh Therese Coffey tuyên bố các nhà sản xuất mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân sẽ không còn được phép bổ sung các hạt nhựa nhỏ li ti vào các sản phẩm làm sạch như sữa rửa mặt, kem đánh răng hay sữa tắm.
Và nhiều quốc gia khác đang và đã có các chính sách tương tự.
Một số công ty/tập đoàn cũng đã ngừng hoặc có kế hoạch ngừng sử dụng hạt vi nhựa trong các sản phẩm của mình, như Unilever, Procter & Gamble, Johnson & Johnson, Beiersdorf, Colgate-Palmolive và L’Oreal.
Con người quăng rác thải nhựa xuống những dòng sông, xuống đại dương mênh mông, họ nghĩ rằng nó đã tránh xa cuộc đời họ. Nhưng không phải vậy nó lại quay lại trong hình hài khác nguy nghiểm hơn, cho chính chúng ta, cho chính con cháu chúng ta.
Chúng ta đang để lại gì cho thế hệ mai sau?
---
Hôm nay, bạn chọn bữa sáng là gì?
Bạn ăn xôi đựng trong hộp xốp hay trong túi nilon?
Bạn ăn bánh mì hay một bát phở bò tái chín?
Dẫu sao thì, từng ngày từng giờ bạn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Những hộp xốp, túi nilon mà chúng ta vẫn quen dùng thường ngày như "vật bất li thân" đang quay lại gây nguy hại trong từng bữa ăn của chính chúng ta?
Loài người đã tạo ra nhựa, lệ thuộc vào nó và giờ đây con người đang ngập chìm trong đại dương nhựa mà mình tạo ra.
Sản xuất nhựa đã bùng nổ trên toàn thế giới, từ con số 2,3 triệu tấn vào năm 1950 tăng lên 162 triệu tấn vào năm 1993 và 448 triệu tấn năm 2015. Nhựa cứu nhiều mạng sống mỗi ngày khi chúng là túi khí, lồng nuôi trẻ em sinh non, mũ bảo hiểm, hay đơn giản là những chai nhựa dùng một lần mang nước sạch đến cho người nghèo. Nhưng mặt tối của chúng đến từ việc con người sử dụng không đúng cách, quăng rác vộ tội vạ xuống sống, xuống biển. Trong khi việc đầu tư hệ thống xử lý, tổ chức thu gom và xử lý rác lại ko theo kịp tình hình thực tế.
Thói quen sử dụng túi nilon của người Việt "dễ dãi" đến nỗi, từng chiếc túi như đi vào cuộc sống hàng ngày mà chẳng thể bỏ qua. Và người tiêu dùng, kỳ thực rất khó để từ bỏ thói quen siêu tiện lợi này. Đi siêu thị, đi chợ, đi shopping,... thậm chí mua cả đồ ăn chín cũng dùng túi nilon.
Túi nilon "đứng" một mình thôi cũng đủ "cày nát" môi trường. Khi chúng lẫn vào rác thải sinh hoạt, các đơn vị chức năng không ít thì nhiều vấp phải trở ngại để phân loại tất cả. Thoái hoá đất đai, ứ đọng nước thải, rồi cả chất độc dioxin mỗi lần đốt túi nilon,... thải vào môi trường đều khiến cuộc sống của chúng ta ngày một tiệm cận với mức độ cảnh báo.
Khi được hỏi, liệu có biết tới tác hại của túi nilon hay không, người dân đều gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Nhưng mỗi lần cần đựng bất kỳ một thứ đồ nào, chẳng phải chúng ta vẫn nghĩ đến túi nilon trước tiên hay sao. Hơn thế nữa, khách hàng có nhu cầu xin thêm túi người bán sẵn sàng cho ngay. Ấy vậy mà, cứ mỗi lần đi mua sắm, người dân cứ hoài "tay xách nách mang" với đủ các loại túi lớn túi bé, màu sắc đa dạng, phong phú.
Và điều các bạn không thể tưởng tượng được, chính là việc rác thải nhựa hay nilon dưới ánh nắng, tia cực tím,... sẽ phân hủy thành những hạt vi nhựa nói trên.
Khi động vật biển nuốt vào các mảnh vi nhựa, chất độc sẽ di chuyển vào cơ thể của chúng, tích tụ qua các tầng thức ăn khi cá lớn ăn cá nhỏ và cuối cùng có mặt trên đĩa thức ăn của con người. Không những vậy, người ta còn tìm thấy vi nhựa trong nhiều thực phẩm khác như muối biển, nước mưa và mật ong.
Báo cáo của Liên hiệp quôc cho biết hàng triệu tấn nhựa vẫn đổ xuống biển mỗi năm, đe dọa động vật hoang dã và thậm chí là chuỗi thức ăn của chính con người. Hạt vi nhựa hiện đã được tìm thấy trong nước máy và thực phẩm của con người trên khắp thế giới. Báo cáo cũng cho biết hiện có hơn 600 loài sống ở biển bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa. 15% các loài vị vướng hay nuốt phải rác thải nhựa có nguy cơ tuyệt chủng. Và điều đáng báo động là đến năm 2050 thì 99% các loài sẽ bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa.
Như một quy trình tuần hoàn nhiều tác hại, bạn mua xôi đựng trong hộp xốp hay túi nilon, những rác thải này được xử lý không khoa học, sẽ dần biến thành chất vi nhựa dưới tác động của môi trường. Vi nhựa trực tiếp ảnh hưởng tới thực phẩm mà chúng ta ăn mỗi ngày. Sau cùng, trong chuỗi tuần hoàn ấy, con người là những kẻ gây ra và hứng chịu nhiều nhất.
Trong khi chúng ta đang cố gắng thải ra càng nhiều túi nilon càng tốt, thì ở Nam Định, trên hành trình xuyên Việt kỳ lạ của mình, Lekima Hùng bắt gặp bà Nguyễn Thị Vân mang những túi nilon ra giặt. Nhà bà nghèo đến độ buộc phải tận dụng mọi thứ, kể cả những món đồ vứt đi, nằm gọn ghẽ trong bãi rác.
Bà Vân năm nay 75 tuổi, không thể làm việc nặng nhọc để kiếm tiền. Gia đình có 3 người con, 2 cô con gái lấy chồng xa, bà ở với cậu con trai út. Hàng ngày bà đi nhặt ve chai bán mưu sinh, thỉnh thoảng tàu thuyền về cảng, bà lại ra xin cá về ăn, hoặc bán kiếm thêm chút thu nhập.
Bà giặt túi nilon còn lành lặn để sử dụng lại, không phải mua, dùng để đựng cá. Ra biển cả buổi sáng, bà Vân xin được mấy con cá, có những con hơn 1kg. Đó là lúc những niềm vui hiện lên trong ánh mắt của người phụ nữ. Bà bảo cá hơn 1 kg này có thể bán được 25.000 đồng.
---
Sau khi đã ăn sáng, bạn đi làm, đi học. Bạn chờ đợi mấy tiếng đồng hồ để được thưởng thức bữa trưa mà trong suy nghĩ của bạn, là rất ngon lành và sạch sẽ.
Hãy cùng chúng tôi phân tích, liệu trong những món ăn bạn ăn mỗi bữa, có chứa những chất độc hại nào nhé?
Bạn ăn cá thường xuyên mỗi bữa ăn, mỗi năm bạn sẽ "có" 11.500 hạt vi nhựa nhiễm vào người.
Còn nếu bạn thích ăn nghêu, hàu thì mỗi con chứa tối thiểu 8 hạt vi nhựa trong phần thịt, có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Ở cấp tế bào, mỗi một tế bào trong lòng đại dương chứa khoảng 8 phân tử nhựa. Độc tố từ nhựa được nhiễm vào mô mỡ của các loài động vật mà chúng ta ăn hàng ngày, và đương nhiên con người cũng chịu ảnh hưởng tương tự.
Có lẽ, mọi người vứt rác đều nghĩ nó đã biến mất dưới lòng sông sâu, kệ đi, chả làm sao cả vì ai cũng thế mà. Việt nam có khoảng 2.360 con sông, kênh lớn nhỏ với tổng dài khoảng 41.900km. 392 sông lớn, chảy liên tỉnh được đưa vào danh mục quản lý (Theo quyết định số 1989 ngày 1-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ). Trong đó, 191 tuyến sông, kênh với tổng chiều dài 6.734,6km được xem là tuyến đường sông quốc gia. Rác thải nhựa có thể từ ở những vùng rất xa biển, trôi theo các dòng sông và khi ra đến biển có thể tồn tại hàng trăm năm. Do tác động của nước biển, của tia cực tím, rác nhựa sẽ rã thành những mảnh nhỏ và có thể bị các loài hải sản ăn vào để rồi lại có mặt trong chuỗi thức ăn của con người.
Khi bạn đang vứt rác thải nhựa xuống sông hay xuống biển, thì cũng như là đang vứt rác vào bữa ăn của chính mình vậy.
---
Đến giờ trà chiều, liệu bạn có thói quen "order" một cốc trà sữa size lớn, đầy đủ topping không?
Bạn dùng ống hút nhựa thường xuyên như dùng túi nilon vậy đó. Bên cạnh đó, bạn có thể đã biết, có rất nhiều sinh vật chết vì ống hút nhựa chưa?
Một đoạn clip được quay bởi Christine Figgener, nhà sinh học biển tại Đại học Texas A & M. Nhóm nghiên cứu xung quanh Christine đã tìm thấy một con rùa biển Olive Ridley đực trong chuyến đi nghiên cứu dưới nước ở Costa Rica. Chú rùa này có một ống hút nhựa dài 10-12 cm đặt trong lỗ mũi và họ đã gỡ bỏ nó bằng cộng cụ duy nhất có sẵn trên chiếc thuyền nhỏ của họ.
Video này một lần nữa cho chúng ta thấy, tại sao chất thải nhựa gây bất lợi cho sinh vật biển, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần (như ống hút, một trong những vật phẩm dư thừa nhất). Chú rùa bị một vật phẩm do con người tạo ra và sử dụng thường xuyên bởi hầu hết chúng ta.
Bạn có biết, chúng ta vứt mọi thứ vào thùng rác, từ ống hút nhựa, túi nilon đến cả thuốc trừ sâu, một con vật bị chết hay thậm chí, đau đớn hơn, là một em bé.
Mấy năm trước, tại TP Hồ Chí Minh, người dân hoảng hồn khi phát hiện thi thể bé gái sơ sinh còn nguyên nhau thai, cuống rốn trog một sọt rác ở khu dân cư. Bất kể ai khi được nghe kể về câu chuyện này, đều ngỡ tưởng như chuyện không có trong sự thật.
Trên hành trình đi xuyên quốc gia chỉ để chụp rác thải nhựa, khi đến Quảng Bình, Lekima Hùng được nghe kể về câu chuyện tương tự.
Một sinh linh nhỏ bé bị vứt trong thùng rác.
Trước đó không ai phát hiện ra bé, cũng không ai rõ bé đã ở thùng rác nào, cho đến khi được chuyển tới nhà máy xử lý rác. Chỉ khi bộ phận nhận dạng ADN của nhà máy hiện đại nhất Việt Nam này phát hiện ra thi thể bé. Mọi người mới ngỡ ngàng biết đến một thiên thần đã có mặt ngắn ngủi trong cuộc đời này.
Một nấm mồ nhỏ được dựng ngay bên cạnh nhà máy rác. Những người công nhân làm việc tại đây vẫn thường xuyên thắp hương hoa cho bé.
Có lẽ con đã là một người tốt, đã đến bên đời và đã rất ngoan.
Chúng tôi tự hỏi, liệu còn biết bao thai nhi bị bỏ rơi trong những thùng rác chưa được phát hiện ra trước khi bị đưa vào máy xử lý rác. Liệu những nhà máy chưa thể nhận dạng ADN, đã từng bỏ qua biết bao trường hợp tương tự, để rồi các con phải nằm lại cùng đống rác thải hối thối chờ xử lý kia.
Đó là một câu chuyện buồn, nhưng mong là sẽ cảnh tỉnh được tất cả chúng ta!
Các bạn thân mến,
Một ngày của các bạn có thể trôi qua nhẹ nhàng và hết sức bình yên, với hàng đống rác thải nhựa bị vứt vào môi trường. Nhưng chính những hành động tưởng như "bình chân như vại" đó, lại khiến chính các bạn gánh chịu hậu quả.
Chúng ta thải ra nhiều rác thải nhựa đến nỗi còn không thể liệt kê đủ. Chúng tôi cam đoan, bữa sáng, bữa trưa, bữa tối và thậm chí trước lúc đi ngủ, chúng ta vẫn đang "nhiệt liệt" thải ra nhựa.
Việt Nam nằm trong top 4 nước đứng đầu thế giới về gây ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là thác rải nhựa. Sau 3 tuần hành trình xuất phát từ Hà nội, với hơn 3.000 km đã đi, qua rất nhiều nơi ô nhiễm và nhiều bãi rác. Nhưng có lẽ, ven biển xã Chí Công huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (cách Phan Thiết khoảng 80km) khiến Lekima Hùng phải thốt lên: Chỉ có thể ở nơi không có trong sự thật!
Một bãi biển dài cả km toàn rác và rác, chủ yếu là túi nilon, nhựa, quần áo, rác thải sinh hoạt... Một bãi biển mà nhìn thấy cát quả thật hiếm hoi, thậm chí dòng kênh đổ ra đây cũng khó mà nhìn thấy mặt nước vì bị rác che kín. Thậm chí mọi người hồn nhiên ra đây đi vệ sinh nặng, nhẹ đủ cả. Có lẽ khó ở nơi nào trên thế giới có cảnh tượng này.
Anh Hùng đã đi trên một phần của bãi biển, đi trên mặt rác dày, có những nơi rác dày cả vài chục phân. Ở đây, rác không chỉ làm mất vẻ mỹ quan, hôi thối, môi trường sống của người dân cũng bị ảnh hưởng, nguy cơ bùng phát, lây nhiễm dịch bệnh rất cao...
Với câu hỏi rác từ đâu? Anh nhận được những câu trả lời của cả trẻ em lẫn người lớn, phần vì quen đổ rác ra kênh ra biển, phần vì không có xe đổ rác ra gom... Nhưng dù gì phần lớn đều do ý thức của con người. Khi chúng ta muốn môi trường sống của mình sạch, chúng ta sẽ làm được.
Những con hải âu có thể được tha thứ vì đã cho chim non ăn phải rác thải nhựa, bởi chúng nghĩ đó chỉ là vật ban tặng bổ dưỡng đến từ biển cả. Những chú rùa cũng mắc lỗi tương tự, tưởng rằng các túi nilon đang nổi bồng bềnh là con sứa ngon lành. Hậu quả là ruột những chú chim và rùa này bị lấp kín bởi rác thải khó tiêu của con người. Nhiều loài sống ở biển chết vì tắc nghẽn tiêu hóa hoặc thiếu dinh dưỡng.
Chúng ta biếu tặng ông bà, cha mẹ, người thân, chăm chút con cái từ bao đặc sản biển nhưng cũng đâu biết rằng trong đó là bao chất độc hại mà chúng đã ăn phải trong rác của chính con người.
Chúng ta tạo ra nhựa. Chúng ta sản xuất và tiêu thụ hơn 300 triệu tấn mỗi năm, sau đó vứt bỏ một cách lãng phí. Vứt vô tội vạ vào đại dương, nơi nuôi sống chúng ta.
Mỗi việc bạn làm để làm sạch biển, bảo vệ đại dương có thể chỉ là giọt nước giữa đại dương bao la nhưng đại dương sẽ ít đi khi thiếu những giọt nước ấy.
Khi bạn chợt nhận ra, số ngày bạn sống ở trên đời, không phải là thời gian trôi qua mỗi ngày. Đó chẳng qua là những ngày bạn tồn tại, số ngày mà bạn thực sự sống là những ngày bạn tin tưởng mình đang làm những việc có ý nghĩa cho cộng đồng. Bạn sẽ có động lực thật lớn lao.
"Hãy mơ cùng nhau 1 giấc mơ!" là lời nói của thủ tướng Bhutan trong một bài phát biểu tuyệt hay về chiến lược quốc gia về môi trường của họ.
Chính vì vậy, sau chuyến đi xuyên Việt chụp rác, bản thân nhiếp ảnh gia Lekima Hùng và chúng tôi, luôn có một mong ước, mong ước lớn lao, rằng hãy cùng mơ một giấc mơ hy vọng. Bộ ảnh hơn 3.000 tấm hình kinh hoàng về tình hình rác thải nhựa dọc bờ biển Việt Nam, chắc chắn sẽ có tác dụng to lớn để bảo vệ môi trường sống. Như người ta vẫn cho rằng, bức ảnh thay ngàn lời nói và còn bởi tuổi trẻ chính là tương lai, bởi giáo dục là gốc dễ bền vững giải quyết vấn đề.
Hãy mơ cùng nhau một giấc mơ!