Với thông điệp bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng, "Thử thách dọn rác" cùng hashtag #ChallengeForChange (thách thức để thay đổi) hiện là trào lưu được nhiều bạn trẻ trên toàn thế giới hưởng ứng.
Internet giúp xóa bỏ khoảng cách địa lý để kết nối mọi người và cũng là nơi khởi phát các trào lưu mang giá trị cộng đồng. Quả thật vậy, nhiều ngày qua tại Việt Nam, "cơn sốt" dọn rác nhận được nhiều phản hồi tích cực từ chính những bạn trẻ. Đúng là chưa bao giờ quá muộn cho những hành động góp phần trả lại môi trường xanh - sạch - đẹp.
Đầu tháng 3/2019, chúng tôi có đăng tải bài viết kể về hành trình 7.000 km đi dọc bờ biển Việt Nam của "người săn rác" Lekima Hùng. Anh Hùng chụp khoảng 3.000 bức ảnh về rác thải, trong số có xuất hiện hình ảnh về bãi rác mà anh gọi là "không có trong sự thật".
Sau 3 tuần bắt đầu hành trình với điểm xuất phát là Hà Nội, anh Hùng dừng chân ở ven biển xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận (cách Phan Thiết khoảng 80km). Trước mặt anh là cảnh tưởng về một bãi biển dài cả km toàn rác và rác, chủ yếu là túi nilon, nhựa, quần áo, rác thải sinh hoạt... Một bãi biển mà nhìn thấy cát quả thật hiếm hoi, thậm chí dòng kênh đổ ra đây cũng khó mà nhìn thấy mặt nước vì bị rác che kín. Thậm chí mọi người hồn nhiên đi vệ sinh nặng, nhẹ đủ cả. Có lẽ khó ở nơi nào trên thế giới có cảnh tượng này.
Bãi rác ven biển xã Chí Công, nơi bốn bề chỉ có rác và rác. Ảnh: Lekima Hùng.
"Người săn rác" đi trên một phần của bãi biển, mặt rác dày, có những nơi dày cả vài chục phân. Ở đây, rác không chỉ làm mất vẻ mỹ quan, hôi thối, mà môi trường sống của người dân cũng bị ảnh hưởng, nguy cơ bùng phát, lây nhiễm dịch bệnh rất cao.
"Trên đường đi, lần đầu tiên trong đời tôi ngỡ mình đến một nơi không tồn tại trong thực tế khi ở khu chợ, có hàng km rác thải trong đó chủ yếu là nhựa. Đi bộ trên bờ biển này mà chân nhiều khi thụt sâu trong rác thải là nilon. Người dân nơi đây chủ yếu làm nghề đánh bắt, khai thác và chế biển hải sản" - anh Hùng chia sẻ.
Với câu hỏi rác từ đâu? Anh nhận được những câu trả lời của cả trẻ em lẫn người lớn, phần vì quen đổ rác ra kênh ra biển, phần vì không có xe đổ rác ra gom... Nhưng dù gì phần lớn đều do ý thức của con người.
Hưởng ứng "Thử thách dọn rác", chính quyền địa phương xã Chí Công đã vận động bà con, tổ chức dọn dẹp rác thải, trả lại vẻ đẹp trước đây cho bãi biển. Một cảnh tượng hoàn toàn mới trong mắt người xem, khác xa với hàng tấn rác thải nằm chồng chất.
Dù khu chợ chưa hoàn toàn được "xanh hoá", nhưng quả thực, khi chúng ta muốn môi trường sống của mình sạch, chúng ta sẽ làm được.
Chiến dịch dọn rác đã giúp bãi biển phần nào bớt đi sự nhếch nhác trước đó. Ảnh: Facebook
Trước hình ảnh đổi thay bất ngờ của khu chợ hải sản, anh Hùng chia sẻ, một trong những thông điệp của chuyến đi - "Hãy chụp mọi nơi ô nhiễm môi trường bạn gặp và đăng tải lên mạng xã hội cũng là cách góp phần bảo vệ môi trường" - cuối cùng đã có thể truyền cảm hứng tới mọi người.
"Trước khi trào lưu dọn rác được mọi người quan tâm, tôi vẫn bắt gặp hình ảnh những con người vẫn đang âm thầm dọn rác khắp nơi. Tôi thực sự vui khi được biết, ở đâu đó, mọi người tích cực hưởng ứng phong trào".
Thụy Lôi (Đông Anh, Hà Nội) là làng cổ và có nền văn hoá lâu đời xuất phát từ một xã thuần nông làm nông nghiệp và có sự du nhập của các ngành nghề mới. Tại làng, đoạn đường ven kênh từ cầu Kè đến cầu Thuỵ Lôi trước đây chỉ toàn là cỏ dại um tùm và rác. Dịp cận tết Nguyên đán 2019, con kênh trở nên sạch đẹp sau khi được người dân trồng những thảm hoa mới.
Ý tưởng và thành quả đó xuất phát từ chính hai người dân trong thôn Thụy Lôi, là anh Nguyễn Vũ và anh Ngô Xuân Sửu.
Đầu tháng 3/2019, hưởng ứng phong trào "thử thách dọn rác", anh Sửu kêu gọi bà con làng xóm tiếp tục gìn giữ con đường hoa ven kênh, với phương châm "đường hoa đẩy lùi rác thải". Anh Sửu cho biết thêm, trong tương lai nhóm của anh sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 và 3, nhân rộng thêm mô hình những con đường hoa ra nhiều tuyến đường khác trong xã.
Con kênh ngập rác thải ở Thuỵ Lôi. Ảnh: Facebook.
Bây giờ đã hoàn toàn xanh mát, người dân tập trung xem lễ làng. Ảnh: Facebook.
Ngày 8/3 được chọn là ngày cộng đồng trashpacker (những người nhặt rác) toàn cầu. Tại Việt Nam, nhóm traspacker phát động phong trào nhặt rác trên toàn quốc, với mục tiêu hướng đến giúp Việt Nam vào top 3 Quốc gia sạch nhất Đông Nam Á.
Nhằm trả lại vẻ đẹp cho hòn đảo Lý Sơn, nhóm tình nguyện viên của Saigon Compass kết hợp với nhóm "Vì Lý Sơn Không Rác Thải Nhựa" cùng chính quyền, địa phương đã tham gia dọn rác ở đảo Lớn và đảo Bé.
Hoạt động này cũng nằm chuỗi "thử thách dọn rác" của Saigon Compass.
Hòn đảo Lý Sơn được dọn sạch. Ảnh: SaiGon Compass
Trên thực tế, rác ở Lý Sơn rất nhiều. Một sự thật khá đau lòng rằng khách du lịch đi đến đâu thì rác "đi" theo đến đó. Nhiều năm gần đây, tình trạng xả rác bừa bãi ở Lý Sơn lên mức đáng báo động. Dù các nhóm tình nguyện viên cố gắng thu gom, thì sau mỗi mùa du lịch, hòn đảo vốn xinh đẹp này lại bị rác bủa vây.
Huỳnh Bá Lực (26 tuổi), tham gia vào thử thách dọn rác cùng anh trai họ Lê Văn Thi, với "chiến tích" hàng chục túi rác tại bán đảo Sơn Trà. Đủ loại rác thải từ chén bát, chai bia, túi nilon, hộp xốp,... được thu gom sau một buổi chiều làm việc hết sức của 2 anh em. Lực hy vọng trào lưu có ích này sẽ lan toả nhiều hơn tới cộng đồng, nhất là các bạn trẻ.
Không phải đợi đến thử thách dọn rác Lực mới bắt tay vào cải tạo môi trường sống xung quanh. Trước đó, chàng thanh niên từng gây "sốt" khu dọn rác ở âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.
"Cách đây không lâu mình có lên đây và nhận thấy tình trạng xả rác ở đây thật sự kinh khủng, từng ngóc ngách nhỏ vốn xinh đẹp bị hàng tá rác ngổn ngang che lấp. Theo mình quan sát thì 90% là của các nhóm bạn trẻ đến đây ăn nhậu và vứt lại. Các bạn có thể không tài giỏi nhưng hãy là một người có ích, đừng phá huỷ môi trường nữa, làm ơn đi mang theo gì thì về mang theo đó" - Lực chia sẻ.
Trước khi được dọn dẹp, bán đảo Sơn Trà rất nhiều rác, chủ yếu là của các nhóm ăn nhậu để lại. Ảnh: Facebook
Cuối cùng, rác cũng được thu gom đúng cách. Ảnh: Facebook