Gia sư kiêm bảo mẫu là 1 công việc đang rất được ưa chuộng tại Trung Quốc, với mức lương cao và điều kiện làm việc được rất nhiều người trẻ cho là lý tưởng: Làm dưới 8 tiếng/ngày, không theo ca, không chấm công, không ép doanh số, nội dung công việc nhàn hạ, thú vị.
Những 9x làm nghề gia sư kiêm bảo mẫu hầu hết là những người có học vấn cao, tốt nghiệp các trường danh tiếng hoặc từ nước ngoài trở về, có tầm nhìn rộng, nắm vững 1 số kiến thức về tâm lý trẻ em và cũng giỏi xử lý các mối quan hệ.
Tại sao sinh viên tốt nghiệp từ các trường danh tiếng lại chọn nghề gia sư kiêm bảo mẫu? Chính xác thì ngành nghề ấy là như thế nào?
Ảnh minh họa
"Lương của tôi là 20 nghìn tệ (tương đương 71,7 triệu đồng)/tháng, có lương tháng thứ 13, bảo hiểm xã hội đầy đủ. Khi đó, tôi đã trải qua 3 vòng phỏng vấn. Trong lần phỏng vấn cuối cùng, người môi giới đã đưa tôi về nhà để làm quen với 2 đứa trẻ, sau này tôi mới biết rằng phỏng vấn 2 vòng đầu chỉ là hình thức, vòng thứ 3 mới là quyết định. Khi bọn trẻ nhìn thấy tôi, nếu có thể khiến chúng thích thú và muốn ở cùng thì tôi sẽ được nhận." - Cô Dương, sinh năm 1995, có kinh nghiệm làm gia sư cho 1 gia đình, kể lại.
Trong đó giờ làm việc hàng ngày của cô là từ 4h chiều đến 8h tối, mỗi tuần chỉ cần làm 5 buổi. Ngoài thời gian làm việc, ban ngày cô thường đọc sách, nghỉ ngơi và viết blog. Nếu để so sánh với công việc văn phòng cố định thời gian thì công việc gia sư mang lại cho cô nhiều niềm vui hơn.
Cô giáo Dương chụp ảnh cùng 2 bạn nhỏ
"Nội dung công việc của tôi khó có thể tóm tắt rõ ràng hết trong 1 câu. Phần lớn sẽ là lập kế hoạch học tập và phát triển cho trẻ, chăm sóc cuộc sống hàng ngày của chúng, bao gồm cả những lớp học ngoại khóa mà chúng chọn, đôi khi tôi còn đưa chúng đi khám bác sĩ và đi du lịch, cho đến khi chúng lên cấp 1 là xong nhiệm vụ." - Cô Dương tiếp tục nói.
Trong đó, lịch làm việc với 2 đứa trẻ trong 1 tuần đại khái như sau: Chiều thứ hai đưa đi chơi, hoặc đơn giản là đi dạo trong vườn, trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên. Thứ tư tham gia dàn hợp xướng, cảm nhận vẻ đẹp của nhịp điệu. Thứ ba và thứ năm là lớp học tiếng Anh, không học ngữ pháp cứng nhắc mà học ngữ âm tự nhiên như 1 đứa trẻ sống ở nước ngoài. Vào thứ sáu, huấn luyện viên cá nhân sẽ đến sân tennis tại nhà để dạy bọn trẻ chơi. Cuối cùng, thứ bảy và chủ nhật, sẽ là các khóa học khiêu vũ, vẽ tranh và trượt patin. Trước những buổi học thêm vào cuối tuần, gia sư sẽ hỏi ý kiến của các em, nếu chúng không muốn tham gia những hoạt động này thì sẽ được đưa đến dự tiệc cùng những đứa trẻ khác.
"Kết quả công việc tính trên điểm tiếng Anh, bên môi giới sẽ xem video của bọn trẻ mỗi ngày, và cảm nhận các em có tiến bộ hay không." - Cô Dương cho biết nếu có việc bận vẫn có thể liên lạc với gia đình xin dời lịch sang buổi khác, thời gian rất linh hoạt.
Cô giáo Dương đưa các bạn nhỏ ra ngoài vườn chơi
"Là một gia sư toàn thời gian, tôi đã làm việc ở vài hộ gia đình. Các gia đình khác nhau có mô hình và ưu tiên giáo dục khác nhau. Gia đình đầu tiên mà tôi làm không có yêu cầu gì đối với thành tích của con cái. Các con sợ khó và trì hoãn trong học tập, cha mẹ chỉ hy vọng con sẽ sửa được tật xấu nhưng điểm số không cần phải cao nhất. Ngoài ra, các bậc phụ huynh có 3 yêu cầu cơ bản: Thứ nhất, phải là bạn của con; thứ hai là rèn cho con hình thành nề nếp và thói quen học tập; thứ ba là dạy con cách tôn trọng mọi người xung quanh." - Chia sẻ của Betty, sinh năm 1990, nữ gia sư bán thời gian với kinh nghiệm làm việc cho 3 gia đình.
"Có 1 điểm chung đối với các hộ gia đình giàu có, đó là phụ huynh đều rất bận rộn. Ngoài việc dạy văn hóa, tôi còn là bảo mẫu của những đứa trẻ." - Cô Lâm, sinh năm 1995, nữ gia sư bán thời gian, kinh nghiệm làm việc với 5 gia đình cho biết.
Hoạt động ngoài trời là không thể thiếu trong lịch học của các bé
"Các gia đình ấy rất tôn trọng tôi, nhưng họ vẫn luôn ngầm cho tôi biết đâu là ranh giới và không muốn xâm phạm điều đó. Tôi chỉ là người ngoài được tôn trọng chứ không phải bạn bè, càng không phải người nhà." - Cô Lâm tâm sự.
"Gia sư thông thường khá phổ biến, nhưng để làm cho những hộ giàu có cũng không phải đơn giản. 1 là phải có quan hệ, 2 là mất phí trung gian, và sẽ mất ít nhất 25% tiền lương." - Betty nói.
Tuy nhiên, sau nhiều lần làm gia sư toàn thời gian, Betty và cô Lâm đã không còn theo nghề này nữa. Họ cho rằng tuy kiếm được nhiều tiền, nhưng công việc đó tốn nhiều thời gian và công sức, sẽ mất đi rất nhiều mối quan hệ xã hội. Đối với cô giáo Dương mà nói, cô mới gắn bó với nghề được 1 thời gian ngắn, nhưng không xác định đi theo nghề ấy lâu dài, hiện giờ đang tiết kiệm để sau này ra kinh doanh riêng.
Nguồn: QQ