Người được nhắc đến là vua Khải Định (1885-1925), tên huý là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, con trưởng của vua Đồng Khánh.
Theo sách "Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn", ngay từ khi còn nhỏ, Bửu Đảo nổi tiếng chơi bời, chẳng chịu học hành, chỉ thích bài bạc. Năm 22 tuổi, khi được phong làm Phụng Hóa Công, Bửu Đảo vẫn ngày đêm "đốt tiền" ở các sòng bạc, tụ điểm ăn chơi.
Vua Khải Định (Ảnh tư liệu)
Cuốn "Kinh thành Huế và triều Nguyễn" chép: "Trước khi lên làm vua, Khải Định được người đời biết đến như kẻ nghiện cờ bạc, thường xuyên bị thua, có khi phải cầm bán cả những đồ dùng và người hầu hạ. Khi lên ngôi, ông bị đánh giá là vị vua chỉ ham chơi bời.
Khải Định rất chuộng trang điểm, ăn mặc lòe loẹt, lố lăng nhiều màu sắc thay vì nguyên màu vàng của hoàng bào như các vị vua trước đây. Ông tự sáng chế ra những bộ y phục mới cho mình và cho cả quan hộ vệ. Do không tuân theo y phục hoàng bào truyền thống của các vua chúa, ông thường bị đả kích trên báo chí đương thời. Ông cũng cho xây dựng nhiều công trình xa hoa, nổi tiếng nhất là lăng của chính ông - bị nhiều người chê là có kiến trúc lai căng".
Sau khi lên làm vua, vua Khải Định tự biến mình thành con rối trong tay người Pháp. Tất cả việc chính sự đều do Tòa Khâm sứ Pháp quyết định, vua chỉ biết ăn chơi phung phí.
Năm 1918, vua ra Hà Nội dự lễ khai trương vườn bách thú theo lời mời của Thống sứ Bắc Kỳ. Nhân dịp này, sĩ phu Bắc Hà đã làm thơ chế giễu vua và đám quan lại đầu hàng thực dân Pháp, chẳng khác gì những con thú bị ngoại bang giam giữ tại Hà Thành.
Khi vua Khải Định sang Pháp dự hội chợ thuộc địa ở Marseille năm 1922, làm dấy lên nhiều hoạt động của người Việt Nam yêu nước nhằm phản đối. Chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh khi ấy gửi thư trách Khải Định 7 tội (Thất điều trần). Nội dung bức thư có lời lẽ nghiêm khắc, buộc vua phải thoái vị nhường quyền lại cho quốc dân và kể bảy tội nhà vua đã làm, đáng tội chém đầu.
Vua Khải Định có tất cả 12 bà vợ nhưng chỉ có duy nhất một con trai - vua Bảo Đại sau này. Sau lễ mừng 40 tuổi được hơn một năm, vua Khải Định băng hà vào năm 1925 vì bệnh lao phổi, một trong tứ chứng nan y thời đó.
Cuộc đời vị hoàng đế thứ 12 của triều Nguyễn được sử sách ghi chép lại với những cuộc ăn chơi tráng tác và nổi tiếng về nịnh nọt kẻ thù, nên trong dân gian vẫn thường lưu truyền câu ca dao mỉa mai: "Tiếng đồn Khải Định nịnh Tây/Nghề này thì lấy ông này tiên sư".