1. Worachit băng xuống như một cơn lốc bên đường biên trái. Anh khéo léo gài người, buộc thủ môn Minh Long phải lao ra, va trúng hậu vệ Văn Thanh. Bóng đến chân Picha Au-tra và cầu thủ này dễ dàng ghi bàn nâng tỉ số lên 2-0. Bên ngoài đường biên, HLV Hữu Thắng sững sờ. Minh Long chết lặng, Công Phượng, Tuấn Anh, Quang Hải không hiểu điều gì vừa xảy ra.
Trận đấu kết thúc với chiến thắng 3-0 cho U22 Thái Lan. Văn Hậu cúi mặt, đi thẳng ra ngoài sân, bỏ lại đối thủ đang ăn mừng. Giây phút ấy, ít ai ngờ rằng, đó là lần cuối cùng bóng đá Việt Nam phải nếm hương vị chua cay đến từ người Thái. 1 năm 3 tháng đã qua, các cấp độ đội tuyển Việt Nam tiến thẳng một mạch đến tầm châu Á, đoạt ngôi Á quân U23, hạng Tư ASIAD, vô địch AFF Cup, tứ kết Asian Cup.
Ngần ấy thời gian, ta không nhìn thấy Thái Lan ở đâu cả.
2. Trên khán đài, nhóm cổ động viên Thái Lan cất tiếng hát, giơ cao chiếc khăn có dòng chữ "Vua của Đông Nam Á". Đó là sự tự tôn của xứ chùa vàng. Thái Lan đúng là vua của Đông Nam Á. 5 lần vô địch AFF Cup, 16 lần vô địch SEA Games, là đội duy nhất trong khu vực lọt vào vòng đấu loại cuối cùng ở World Cup 2018. Các CLB Thái Lan, với ngọn cờ đầu là Buriram United gây ít nhiều ấn tượng ở AFC Champions League, giải đấu mà các đội Việt Nam từng nhận những trận thua bẽ bàng với cách biệt lên đến gần hai chữ số.
Thành thật đi nào. Thái Lan từng là hình mẫu để bóng đá Việt Nam phấn đấu vượt qua. Kiatisak Senamuang nói "cầu thủ Việt Nam kỹ thuật, đẳng cấp hơn, nhưng không có trái tim nóng như Thái Lan", không ai phản đối. Huyền thoại của Thái Lan cũng mỉa mai "bóng đá Việt Nam 10 năm nữa cũng không bằng Thái", ta chỉ ấm ức, chứ cũng chẳng có lý do phàn nàn.
Mùa đông năm 2015, Kiatisak dẫn tuyển Thái Lan san bằng chảo lửa Mỹ Đình, trình diễn lối đá đập nhả ấn tượng mang tên "Thai-tik-tok". Trước đó ít tháng, U19 Thái Lan vùi dập U19 Việt Nam 6-0 trong trận chung kết Đông Nam Á. Thái Lan gieo nỗi buồn cho bóng đá Việt Nam ngay từ thuở hồng hoang trong trận chung kết SEA Games 1995, đánh bại Việt Nam ở AFF Cup 2007 ngay trên sân khách, hay bóp nghẹt giấc mơ vàng của những Văn Quyến, Thanh Bình trong trận chung kết tới 2 lần. Lần sau còn cay đắng hơn lần trước.
Từ khi "thế hệ vàng" đầu tiên của những Huỳnh Đức, Hồng Sơn trình làng, bóng đá Việt Nam đúng 1 lần vô địch AFF Cup nhờ thắng Thái Lan trong trận chung kết ở giải đấu mà không ít người phải thừa nhận: chúng ta đã thắng may mắn. Bán kết Tiger Cup 1998, Việt Nam hạ Thái Lan 3-0 ở Hàng Đẫy, nhưng đó cũng là chiến thắng không dễ dàng như tỉ số đánh lừa.
Đó là những khoảnh khắc hiếm hoi, bóng đá Việt Nam tận hưởng cảm giác vượt lên Thái Lan. Năm tháng đứng dưới và nhìn đối thủ ôm trọn vinh quang, người hâm mộ học được cách chắt chiu, trân trọng niềm vui và gieo hạt hy vọng, kiên nhẫn chờ ngày sai quả.
Đến khi Đức Chinh, Hoàng Đức, Thành Chung, Thanh Sơn lạnh lùng xé lưới đối thủ, khi HLV Park Hang Seo bước vào phòng họp báo và hào sảng tuyên bố "từ hôm nay, chúng ta không còn phải sợ Thái Lan nữa", người hâm mộ mới có được một đêm vỡ oà.
3. Việt Nam không cần đánh bại Thái Lan để đứng cao hơn họ. Trong thành công ở tất cả các cấp độ trong 1 năm qua, chưa lần nào chúng ta thắng Thái Lan. U23 châu Á, ASIAD, các đội Thái Lan bị loại từ vòng bảng. AFF Cup, Thái Lan dừng bước ở bán kết. Asian Cup, đội bóng của HLV Sirisak Yodyadthai lại rời cuộc chơi trước Việt Nam.
Chúng ta không có cơ hội gặp Thái Lan, vì họ không đủ hay để tiến tới vòng đấu mà Việt Nam lọt vào. Vượt qua vòng loại U23 châu Á cũng không phải thành tích xuất sắc, bởi U23 Việt Nam đang là đương kim á quân. Đoạt ngôi á quân mà không qua được vòng loại, kể ra cũng hơi... kỳ.
Nhưng ta phải thắng U23 Thái Lan, và thắng Thái Lan là phải vui. Không phải để chứng minh mình giỏi hơn, mà là để bù đắp nỗi đau đã kìm nén, chịu đựng trong hơn 20 năm qua.
Có những cổ động viên đã khóc, và tôi tin chắc, họ cũng đã rơi những giọt nước mắt khi U19, U23 hay tuyển Việt Nam phải nhận nỗi đau trước Thái Lan. Phải ở trong tận cùng tuyệt vọng mới thấy từng giây từng phút trên sân Mỹ Đình tối 27/3 vừa qua trân quý thế nào.
Cùng là nước mắt, nhưng giọt đắng, giọt bùi. Cùng là chiến thắng, nhưng U23 Việt Nam đánh bại Thái Lan ở giải M-150 để đắp những viên gạch đầu tiên cho "triều đại Park Hang Seo". Còn hôm nay, U23 Việt Nam đè bẹp người Thái ở sân Mỹ Đình để tái khẳng định sự vươn mình của một quyền lực. Đó là chiến thắng bù đắp cho quá khứ, minh chứng cho hiện tại và thắp sáng hy vọng cho tương lai.
4. Trong phút chốc, mọi đau đớn bỗng trở thành những câu chuyện chỉ còn khi chúng ta nhớ về ngày xưa. Trong phút chốc, những lời mỉa mai của Kiatisak trở thành trò cười. HLV Alexandre Gama của U23 Thái Lan nói rằng "một ngày đẹp trời, điều gì cũng có thể xảy ra", còn thầy Park Hang Seo không tin vào những giải thích cảm tính kiểu như thế. Để đổi lấy những cái "phút chốc", U23 Việt Nam hay bóng đá Việt Nam đã phải nỗ lực rất nhiều.
"U23 Việt Nam có sự chuẩn bị tốt nhất, tôn trọng đối thủ, thể hiện đúng khả năng vai trò của mỗi cầu thủ thì tỷ số 4-0 không có gì bất ngờ", Quang Hải chia sẻ. Đúng, chẳng có gì là bất ngờ cả.
May mắn ư? Có. "Chúng tôi may mắn, song may mắn chỉ thuộc về người thực sự cố gắng". Câu nói này của HLV Park Hang Seo được báo chí Hàn Quốc trích dẫn và để trang trọng lên đầu. Chiến lược gia 60 tuổi đã mang văn hóa lao động của xứ kim chi kết hợp với tinh thần Việt Nam để tạo thành bản sắc chiến thắng. Đối thủ kỵ giơ hay thống kê lịch sử, suy cho cùng, chỉ là yếu tố mang tính tham khảo và khiến cổ động viên có thêm chủ đề bàn luận.
Bản chất cốt lõi nhất của bóng đá vẫn là những lần đứng dậy sau khi vấp ngã, dù đó là những cú ngã suốt 20 năm để hôm nay, chúng ta rũ bùn đứng dậy sáng loà, khép nỗi đau trước Thái Lan vào trong lồng kính và tiếp tục hướng về phía trước. Bóng đá Thái Lan không còn là cái đích để Việt Nam vượt qua nữa. Hãy như lời khuyên của Steve Darby, mạnh dạn đặt mục tiêu lớn hơn. Olympic, World Cup, lọt vào nhóm đội mạnh nhất châu Á.
Vua của Đông Nam Á, ít ra cũng phải như thế.