Nhà văn nổi tiếng từng giành giải Nobel Mạc Ngôn từng nói rằng, gia đình là nơi nuôi dưỡng cảm xúc ban đầu của con người, nhưng cũng là nơi dễ gây ra tổn thương nhất.
Nhiều người nhận ra rằng, mình thường tỏ ra khó chịu hoặc lạnh nhạt với người thân, nhưng lại thân thiện và lịch sự với người ngoài. Hiện tượng "ngoài nóng trong lạnh" này không phải hiếm gặp, mà phản ánh một số vấn đề sâu sắc trong mối quan hệ gia đình hiện đại.
Những người có biểu hiện này không hẳn là bất hiếu, mà thường do 3 nguyên nhân sau đây gây ra:
Nhà tâm lý học Alfred Adler từng nói: "Người hạnh phúc dùng tuổi thơ để chữa lành cả đời, còn người bất hạnh dùng cả đời để chữa lành tuổi thơ".
Trong các mối quan hệ gia đình, nhiều người nảy sinh oán giận và thái độ lạnh nhạt với người thân, bắt nguồn từ việc từng bị tổn thương. Có thể là do khi còn nhỏ, họ thiếu sự quan tâm về mặt cảm xúc, hoặc thường xuyên bị trách móc, thậm chí trừng phạt. Những tổn thương này có thể để lại vết thương tâm lý sâu sắc.
Tâm lý học cho rằng, trải nghiệm thời thơ ấu thường định hình cách một người nhìn nhận các mối quan hệ thân mật.
Nếu trong quá trình trưởng thành thiếu sự ấm áp và thấu hiểu, nhu cầu cảm xúc của trẻ không được đáp ứng, dẫn đến sự bất mãn và dồn nén trong lòng. Khi lớn lên, điều này có thể khiến họ trở nên lạnh nhạt và xa cách với gia đình.
Ví dụ, một số bậc cha mẹ kiểm soát cuộc sống của con mình dưới danh nghĩa "vì con", không cho phép chúng bộc lộ cảm xúc thật, thậm chí dùng những cách giáo dục cực đoan.
Sự kìm nén và kiểm soát lâu dài này gây ra tổn thương tâm lý, khiến mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ có thể duy trì vẻ ngoài hòa hợp, nhưng bên trong lại đầy bất mãn. Để bảo vệ bản thân, họ có xu hướng thể hiện sự lạnh lùng và khó chịu với người thân, nhằm tránh bị tổn thương thêm một lần nữa.
Sự hung bạo tạo ra hung bạo, lòng nhân ái sinh ra lòng nhân ái. Chỉ khi cha mẹ giữ được sự ổn định về cảm xúc, con cái mới có thể phát triển lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trong cuốn sách "Mối quan hệ thân mật" có viết: "Đối với con cái, cha mẹ vừa là người tạo nên ước mơ, vừa là hình mẫu hành vi. Tình yêu và hành vi của cha mẹ sẽ ảnh hưởng một cách sâu sắc đến từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống sau này của con cái".
Gia đình là một hệ thống tình cảm phức tạp, và những mâu thuẫn giữa cha mẹ có thể để lại tác động sâu sắc đến con cái.
Nếu mối quan hệ giữa cha mẹ không hòa thuận, trẻ em thường phải trưởng thành trong bầu không khí căng thẳng, thậm chí bị cuốn vào những xung đột của cha mẹ, trở thành "vật hy sinh".
Khi phải đứng giữa mâu thuẫn của cha mẹ, trẻ vô hình chung gánh chịu nhiều cảm xúc tiêu cực. Lâu dần, điều này tạo ra cảm giác bất lực và oán giận, dẫn đến sự lạnh nhạt và xa cách với gia đình. Ví dụ, một số cha mẹ sau khi cãi vã trút giận lên con cái, hoặc kéo chúng vào cuộc tranh cãi, biến con trở thành "trọng tài" hoặc "người hòa giải".
Trong môi trường gia đình như vậy, trẻ rất khó cảm thấy an toàn, thậm chí cảm thấy mối quan hệ thân mật đầy áp lực. Khi lớn lên, những cảm xúc tiêu cực này sẽ ảnh hưởng một cách tiềm tàng đến cách họ đối xử với người thân, khiến họ dễ dàng mất kiên nhẫn khi đối diện với cha mẹ.
Nhiều gia đình quá nuông chiều con cái, lo liệu mọi việc cho con từ A đến Z. Hậu quả là khi lớn lên, trẻ thiếu ý thức tự chịu trách nhiệm trong gia đình, đồng thời mất đi sự cảm kích và trách nhiệm thật sự với người thân.
Trẻ em lớn lên trong môi trường này dễ có xu hướng đặt bản thân làm trung tâm, coi sự hy sinh của người thân là điều hiển nhiên. Điều này khiến chúng thiếu lòng biết ơn, dẫn đến thái độ lạnh nhạt với người thân, trong khi lại tỏ ra lịch sự với người ngoài.
Trẻ em được nuông chiều và bao bọc thái quá thường gặp hiện tượng "mất cân bằng xã hội hóa": Đối với người ngoài, chúng tỏ ra lịch sự vì được giáo dục rằng "phải lễ phép với người ngoài". Nhưng với người thân, chúng lại lạnh nhạt vì đã quen với sự hy sinh vô điều kiện và coi đó là điều dĩ nhiên.
Thực ra, sự thiếu kiên nhẫn với người thân không phải cố ý, mà là kết quả của sự lạnh nhạt và tâm lý ỷ lại được hình thành qua thời gian.
Để cải thiện thái độ này, trước hết cần thẳng thắn đối diện với vấn đề cảm xúc trong gia đình, thấu hiểu cảm nhận và nhu cầu của nhau, đồng thời cố gắng thay đổi từ chính tâm lý của mình.
Người gần gũi nhất với bạn là những người cần được trân trọng và yêu thương nhiều nhất.
Một nhà văn nổi tiếng từng kể lại, trong thời gian cải tạo lao động, ông chỉ có thể viết thư cho vợ. Có lúc vợ ông viết: "Tôi rất giận ông, càng viết càng giận". Bỏ bút xuống, một hai tháng sau mới viết tiếp. Nhưng nghĩ đến cảnh vợ phải chăm con nhỏ, hàng ngày khuân vác xi măng, ông lại không giận được, chỉ thấy thương.
Giữa người thân, không có quá nhiều đúng sai. Hãy thử đặt mình vào vị trí của người khác, bạn sẽ dễ dàng bỏ qua những cơn giận không đáng có.
Khi tức giận, tâm lý học cho rằng ý thức con người bị "thu hẹp", chỉ tập trung vào điều tiêu cực. Hãy dừng lại, nghe nhạc, đọc sách, thay vì tranh cãi. Đi ra khỏi phòng hoặc tìm một nơi yên tĩnh để tự chữa lành. Khi bình tĩnh trở lại, hãy trò chuyện với người thân một cách nhẹ nhàng và chân thành.
Một người từng hay nổi nóng với gia đình đã thay đổi sau khi tập nhìn mọi việc theo hướng tích cực: Khi con thích xem tivi, cô đặt ra quy tắc thưởng phạt, rồi khen ngợi con khi hoàn thành tốt. Khi chồng nấu ăn, cô không xem đó là hiển nhiên, mà khen ngợi anh, cảm nhận niềm vui từ sự ấm áp của gia đình.
Càng biết ơn, bạn càng hạnh phúc. Mà khi hạnh phúc đủ đầy, điều tốt đẹp sẽ đến với bạn ngày càng nhiều. Hãy nhớ rằng, dù có cố gắng làm hài lòng người ngoài đến đâu, bạn cũng chỉ là vai phụ trong cuộc đời họ. Nhưng với người thân, bạn mới thật sự là nhân vật chính trong cuộc đời họ.
Hãy yêu thương và trân trọng họ, bởi đó chính là lựa chọn của bạn.