Vì sao Nhật Bản muốn dạy trẻ em chơi chứng khoán, đầu tư tài chính?

Vũ Khúc, Theo Phụ nữ Việt Nam 22:12 22/03/2023

Các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Nhật đang có kế hoạch giáo dục tài chính cho học sinh.

Theo Japan Today, công ty chứng khoán Mitsubishi UFJ Morgan Stanley gần đây đã ký một thỏa thuận với một số trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Nhật để lên kế hoạch giáo dục kiến thức tài chính cho học sinh.

Động thái này được đưa ra sau khi giáo dục tài chính trở thành phần bắt buộc tại các trường trung học phổ thông công lập vào năm ngoái cùng với việc quốc gia này hạ độ tuổi trưởng thành từ 20 xuống 18.

Chính phủ của Thủ tướng Kishida Fumio đã nỗ lực khuyến khích người dân đầu tư trong nỗ lực nhân đôi nguồn thu từ đầu tư tài chính của mỗi gia đình.

Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Toshimagaoka Joshigakuen ở Tokyo đã ký thỏa thuận vào ngày 15/2, tiếp theo là trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Edogawa Gakuen Toride ở tỉnh Ibaraki vào ngày 22/2, và trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Seigakuin ở Tokyo vào ngày 9/3.

Vì sao Nhật Bản muốn dạy trẻ em chơi chứng khoán, đầu tư tài chính? - Ảnh 1.

Không chỉ trung học mà ngay từ tiểu học, học sinh Nhật đã được học về tài chính. Trong ảnh, học sinh trường tiểu học Kamakura đang chơi một trò chơi tài chính.

Theo thỏa thuận, công ty chứng khoán trên và trường sẽ cùng tổ chức các lớp học từ tháng 4 để cung cấp cho học sinh kiến thức cơ bản về thị trường chứng khoán, bao gồm cả lịch sử của nó, cũng như thông tin về cách lựa chọn và mua cổ phiếu của công ty.

Aoi Moriyama, quản lý cấp cao phụ trách chương trình của công ty trên cho biết: "Chúng tôi muốn nâng cao hiểu biết về tài chính của học sinh, những người sẽ dẫn dắt thế hệ tiếp theo và giúp chuyển suy nghĩ của họ từ tiết kiệm sang đầu tư khi họ trưởng thành".

Các hộ gia đình Nhật Bản có xu hướng nắm giữ tài sản tài chính của họ dưới dạng tiết kiệm tiền mặt nhiều hơn so với người dân ở các quốc gia khác. Theo Ngân hàng Nhật Bản, tiền mặt và tiền gửi chiếm 54,3% tài sản tài chính do người Nhật nắm giữ vào tháng 3 năm 2022, so với 13,7% ở Hoa Kỳ và 34,5% ở Châu Âu.

Chính phủ đã tạo ra Tài khoản tiết kiệm cá nhân Nippon, được gọi là NISA, vào năm 2014 để khuyến khích mọi người đầu tư vào các quỹ tương hỗ, cổ phiếu và quỹ hoán đổi danh mục và hỗ trợ thu nhập đầu tư cũng như tiết kiệm lương hưu.

Những cải cách đối với hệ thống sẽ có hiệu lực vào năm 2024, cho phép các cá nhân đầu tư tới 3,6 triệu yên mỗi năm, với tổng mức đầu tư tối đa là 18 triệu yên.

Ngoài nỗ lực thúc đẩy đầu tư của chính phủ, nhu cầu về giáo dục tài chính ngày càng tăng khi phụ huynh muốn chuẩn bị cho con trước một nền kinh tế không dùng tiền mặt.

Mặc dù các trường đã làm việc với công ty trước đây, Moriyama nói rằng thỏa thuận sẽ cho phép họ tham gia trực tiếp, cùng nhau xây dựng một chương trình và thậm chí tham khảo ý kiến khi giáo viên cần kiến thức tài chính cụ thể cho các lớp học.

Nhân viên công ty chứng khoán và giáo viên sẽ tổ chức các lớp học, và khi kết thúc chương trình, học sinh sẽ đề xuất một quảng cáo trên báo cố gắng truyền đạt những lợi ích xã hội của việc gia tăng đầu tư tư nhân.

Vì sao Nhật Bản muốn dạy trẻ em chơi chứng khoán, đầu tư tài chính? - Ảnh 2.

Một học sinh ở Osaka đang điền bảng câu hỏi trong lớp học kiến thức tài chính.

Masataka Tsuzuura, giám sát chương trình giảng dạy của trường Toshimagaoka Joshigakuen cho biết: "Tôi tin rằng chương trình sẽ cung cấp cho học sinh kiến thức thực tế về tài chính và giúp xây dựng tài sản của họ trong tương lai".

Lớp trẻ Nhật thích đầu tư hơn cha mẹ

Theo Japan Times, tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sự hoài nghi của công chúng đối với đầu tư tài chính đang khá nghiêm trọng. Hồi tháng 10 năm 2022, có thông tin ngân hàng đầu tư Nomura Holdings đang dạy kiến thức kinh tế cơ bản ở các trường trung học để thu hút thế hệ tiếp theo vào lĩnh vực đầu tư.

Theo một nhóm vận động hành lang cho các nhà môi giới tài chính, cứ 10 người Nhật thì có khoảng 8 người chưa bao giờ đầu tư vào chứng khoán. Chứng khoán và các khoản đầu tư chỉ chiếm 16% trong số 2 triệu tỷ yên tài sản tài chính hộ gia đình, so với 56% ở Hoa Kỳ.

Hàng nghìn tỷ đô đã bị thổi bay khỏi thị trường tài chính Nhật khi bong bóng tài sản vỡ vào đầu những năm 1990, tạo ra một thế hệ những người tin rằng chứng khoán sẽ chỉ đi xuống. Đó là lý do mà, trong nhiều thập kỷ, hầu hết người Nhật đã nắm giữ phần lớn tài sản của họ bằng tiền mặt. Điều đó khiến nhiều người bỏ lỡ cơ hội bùng nổ chứng khoán toàn cầu trong những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Ngành tài chính đã đưa ra nhiều ý tưởng khác nhau, khi Giám đốc điều hành Tập đoàn Daiwa Securities Seiji Nakata đề xuất đưa tài chính vào một phần của kỳ thi tuyển sinh.

Có những dấu hiệu cho thấy thế hệ trẻ ở Nhật Bản nhiệt tình đầu tư hơn cha mẹ của họ. Tại bộ phận môi giới của SBI Securities, số lượng tài khoản được mở bởi những người 18 tuổi đã tăng 1.600 vào tháng 4 năm 2022, tăng mạnh so với mức trung bình 130 hoặc hơn trong những tháng trước đó.

Khoảng 7/10 người Nhật nghĩ rằng đầu tư vào chứng khoán là không cần thiết, theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán Nhật Bản. Gần đây nhất, đã có sự gia tăng số lượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ phàn nàn với chính phủ rằng các công ty tài chính đã lừa họ mua trái phiếu cấu trúc, loại trái phiếu mang lại lợi nhuận cao hơn trái phiếu thông thường nhưng có rủi ro cao hơn đáng kể.