Gen Z ở Mỹ làm cha mẹ: Sớm giáo dục con về đa dạng giới, nam nữ bình đẳng

Hạ Khương, Theo Phụ nữ Việt Nam 17:50 03/03/2023

Điều gì đã khiến phong cách nuôi dạy con của nhóm Gen Z Mỹ khác biệt đến vậy?

Gen Z được nhìn nhận là một thế hệ đa dạng, cởi mở và biết cách tận dụng sức mạnh của mạng xã hội. Tuy nhiên họ cũng là nhóm “dân số” phải chịu áp lực thành công rất lớn.

Trung tâm nghiên cứu Pew định nghĩa Gen Z gồm những người sinh từ năm 1997 đến 2012, vì vậy mà lứa Gen Z “già nhất” cũng đã 26 tuổi rồi, một độ tuổi mà nhiều người thậm chí đã “một nách hai con”. Với cách nhìn nhận cuộc sống rộng mở hơn thế hệ trước, họ cũng có phương pháp nuôi con khác biệt. Mới đây, nghiên cứu về Gen Z Mỹ đã cho thấy một số phương pháp giáo dục trẻ khác nhau cũng như cách thế hệ này thay đổi khi nuôi con.

Gen Z ở Mỹ làm cha mẹ: Sớm giáo dục con về đa dạng giới, nam nữ bình đẳng - Ảnh 1.

Cởi mở và không ép con vào một khuôn mẫu duy nhất

Theo NPR, 48% Gen Z ở Mỹ không phải là người da trắng và theo Ipsos Mori, chỉ 66% các cha mẹ xác định mình là người “dị tính hoàn toàn” (34% còn lại có thể thuộc cộng đồng LGBTQ+), điều này khiến họ trở thành nhóm phụ huynh đa dạng nhất trong lịch sử, họ cũng ý thức về bản thân rất tốt.

Đối với các vấn đề như nhân quyền, bình đẳng giới, bình đẳng chủng tộc, thành kiến xã hội, cha mẹ Gen Z thường dễ có sự đồng cảm và mở lòng, nhờ đó họ dạy con cái về lòng khoan dung và cách chấp nhận sự khác biệt tốt hơn.

“Mình hy vọng thế giới mà thế hệ chúng mình đang cố gắng xây dựng bây giờ sẽ là thế giới mà con mình được sống. Mọi người đều bình đẳng, mọi người đều hạnh phúc và không có sự phân biệt chủng tộc. Mình nghĩ nó liên quan đến sự cởi mở. Mình sẽ cố gắng giáo dục con để con hiểu về những vấn đề nhân quyền, ví dụ phong trào Black Lives Matter”, Zoe, một bà mẹ 25 tuổi nói với tờ Vice.

Gen Z ở Mỹ làm cha mẹ: Sớm giáo dục con về đa dạng giới, nam nữ bình đẳng - Ảnh 2.

Zoe và con gái

Có thể thấy, cha mẹ Gen Z không muốn bản thân con phải giới hạn mình trong bất kỳ “nhãn dán” nào và mọi người đều bình đẳng như nhau. Khi đưa con đến trường, họ cũng muốn giáo viên áp dụng cách tiếp cận này để đứa trẻ sáng tạo và linh hoạt hơn. Đặc biệt, họ đánh giá cao những giáo viên có kỹ năng “mềm” như khả năng đồng cảm hơn là kỹ năng chuyên môn học thuật.

Dùng mạng xã hội một cách có kiểm soát hơn

Gen Z thường dành nhiều thời gian cho mạng xã hội. Đã có nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ tiêu cực giữa mạng xã hội và sức khỏe tinh thần, tuy nhiên thì việc có con hóa ra lại làm giảm tác động Gen Z Mỹ nuôi dạy con.

Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Collage Group, hơn 70% phụ nữ Gen Z ở Mỹ cảm thấy FOMO (cảm giác sợ bỏ lỡ mất cơ hội) khi dùng mạng xã hội, nhưng với nhóm Gen Z có con thì con số này chỉ là 35%, lý do một phần đến từ việc họ có ý thức bảo vệ sự riêng tư của con trong một thế giới đang chuyển động quá nhanh.

Sự hiện diện của trẻ nhỏ cũng giảm bớt tác động tiêu cực của mạng xã hội với phụ huynh Gen Z. Bà mẹ trẻ Kylie Jenner (1997) đã học được cách tách bạch hai mặt của cuộc sống, một mặt cô là người của công chúng, còn mặt kia là một người mẹ. Quan điểm này ảnh hưởng đến việc sử dụng mạng xã hội của Jenner, ví dụ đã cô cắt giảm đáng kể số lượng bài đăng.

Gen Z ở Mỹ làm cha mẹ: Sớm giáo dục con về đa dạng giới, nam nữ bình đẳng - Ảnh 3.

Kylie Jenner giảm số lượng bài đăng trên mạng xã hội từ sau sinh con

Hiểu về sức khỏe tinh thần

Trong những năm gần đây, tỷ lệ tự tử ở thanh thiếu niên Hoa Kỳ đã tăng mạnh, vào khoảng 2006-2016, tờ USA Today cho biết hơn 70% người tự tử rơi vào độ tuổi 10-17. Tuy nhiên, 37% Gen Z Mỹ chủ động tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần (CNN), cao hơn đáng kể so với thế hệ trước.

Theo trang Parents, những người tìm cách điều trị sức khỏe tinh thần có thể trở thành những bậc cha mẹ có cảm xúc lành mạnh, những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi cha mẹ “ổn định” cũng sẽ học được cách chấp nhận cảm xúc bên trong và dễ trò chuyện với cha mẹ về những vấn đề trong cuộc sống hơn.

Gen Z ở Mỹ làm cha mẹ: Sớm giáo dục con về đa dạng giới, nam nữ bình đẳng - Ảnh 4.

Bị áp lực phải hoàn hảo

56% bà mẹ Gen Z cảm thấy áp lực của trách nhiệm làm cha mẹ đè nặng lên vai, nguyên nhân có thể đến từ mạng xã hội. Họ đặt kỳ vọng mình phải trở thành những bậc phụ huynh toàn năng, vừa có thể cung cấp một mái ấm hoàn hảo cho con, vừa biết lắng nghe và giáo dục trẻ đúng cách.

Nhưng cũng vì có mức độ lo lắng cao hơn nên họ thường chuẩn bị rất chu đáo, trước khi sinh con họ đã chuẩn bị tinh thần và tài chính để nuôi con không trở thành một gánh nặng.

Thế hệ này đã đi qua đại dịch và hiểu được sự khó khăn và khó lường trước của nền kinh tế, vì thế họ được trang bị tâm lý sẵn sàng chiến đấu hơn.

Nguồn: Vice, Parents, Crowddna